Sản xuất linh kiện điện tử – nhiều cơ hội phát triển
Không chỉ sản xuất ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động, với sự phát triển cả về số lượng, doanh thu và đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu, sản xuất linh kiện điện tử đã vươn lên trở thành ngành sản xuất trọng yếu của nền kinh tế, có vị trí then chốt, tác động mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác của tỉnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 3.800 doanh nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông và công nghệ số; 540 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải và logistic sử dụng công nghệ số và trên 470 doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ số, chiếm khoảng 35% tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh. Trong những năm qua, nhất là trong hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19, ngành sản xuất linh kiện điện tử liên tục phát triển do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng phục vụ thông tin liên lạc cũng như phương tiện làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội của người dân tăng. Bên cạnh đó, dịch bệnh đã khiến nhiều công ty sản xuất máy tính, điện tử trên thế giới phải đóng cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu linh kiện điện tử và sản phẩm điện tử của tỉnh có thêm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ. Năm 2021, tổng doanh thu khu vực này đạt 110.850 tỷ đồng; tổng sản phẩm khu vực sản xuất và dịch vụ điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh truyền hình đạt trên 25.500 tỷ đồng, chiếm 18,7% tổng sản phẩm GRDP.
Theo đánh giá của Sở Công thương, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Vĩnh Phúc đã khai thác tốt các thị trường truyền thống và tìm kiếm, phát triển các thị trường mới như: Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và đang xuất khẩu mạnh sang thị trường EU gồm Hà Lan, Đức, Cộng hòa Séc…Nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn chủ động vượt khó, nắm bắt được các cơ hội khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, khẳng định chỗ đứng trên thị trường như: Công ty TNHH Heasung vina, Công ty TNHH Pratron vina, Công ty TNHH Jawa vina, Công ty TNHH Power Logics Vina…
Trong những năm tới, nhất là khi Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng các nhà máy thông minh theo các chương trình hợp tác giữa Bộ Công thương với Tổ hợp SamSung Việt Nam thì cơ hội phát triển và thị trường xuất khẩu linh kiện máy tính, sản phẩm máy tính ra thế giới của các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử ở Vĩnh Phúc nói riêng và trong cả nước nói chung sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội phát triển.
Còn ở trong nước, nhu cầu sử dụng các sản phẩm điện tử, nhất là điện thoại thông minh, máy tính của người dân ngày càng tăng cũng là cơ hội rộng mở để các nhà sản xuất linh kiện điện tử, sản phẩm điện tử phát triển ổn định ngay ở “sân nhà”, bởi theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, hết năm 2021, tỷ lệ người dân Vĩnh Phúc sử dụng thuê bao băng thông rộng cố định và băng thông rộng di động tương đối cao, chiếm tới 87,4% dân số; nhiều người dân liên tục cập nhật tin tức, làm giàu tri thức thông qua mạng internet; tất cả các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán –POS không dùng tiền mặt; 55% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại tổ chức tín dụng; 55% cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mà sử dụng các kênh thanh toán điện tử.
Các tin khác:
- Tập huấn nâng cao nghiệp vụ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
- Đoàn doanh nghiệp Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm tìm hiểu đầu tư tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH iMarket Việt Nam ký Bản ghi nhớ về nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng KCN và sân Golf tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023