Quyết liệt triển khai Nghị quyết số 11 của Chính phủ để phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội
Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động toàn diện đến nền kinh tế nước ta trong đó có Vĩnh Phúc, gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và khả năng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội hằng năm.
Để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 28 với 8 nhóm nhiệm vụ chung và giao chi tiết các nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Ngay trong tháng 1/2022, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 01, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế theo từng quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2022; giao chỉ tiêu kinh tế – xã hội và 141 nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, huyện thành phố.
Ngay từ những tháng đầu năm, toàn tỉnh quyết tâm cao nhất phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, chủ lực. Theo đó, hai tháng đầu năm 2022, nhiều chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh có mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh số ca nhiễm mới với nhiều trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng tăng nhanh song với sự chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã xây dựng kịch bản và thực hiện sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh phát sinh, thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch bệnh, chủ động khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tháng 2/2022 ước tính tăng 24,64% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh có sản lượng sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm 2021 như thức ăn gia súc tăng 13,73%, giày thể thao tăng 9,53%, xe ô tô các loại tăng 15,11%, xe máy các loại tăng 16,64%, doanh thu dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử tăng 27,12%.
Vĩnh Phúc ưu tiên đầu tư xây dựng các dự án lớn có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế
để phát triển KT-XH
Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định. Nông dân các địa phương thu hoạch xong các loại cây trồng vụ Đông với diện tích thu hoạch toàn tỉnh tăng trên 230 ha so với vụ Đông năm trước. Toàn tỉnh đã gieo trồng trên 31.128 ha cây trồng vụ Xuân năm 2022, đạt 81,92% kế hoạch và tăng 18,01% so với cùng kỳ, tiến độ gieo trồng vụ Xuân năm nay nhanh hơn năm trước là do lịch xả nước đổ ải cho gieo trồng sớm hơn so với vụ Xuân năm 2021, bà con nông dân đã tập trung cho việc chuẩn bị đồng ruộng, lấy nước và gieo trồng đảm bảo tốt nhất khung thời vụ. Hiện nay, phần lớn diện tích lúa Đông Xuân của tỉnh đang trong giai đoạn hồi xanh – đẻ nhánh.
Tỉnh tiếp tục chú trọng rà soát tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến. Do vậy, kết quả thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. 2 tháng đầu năm, tỉnh đã thu hút được gần 1.334 tỷ đồng vốn DDI, trong đó cấp mới 3 dự án, tăng vốn cho 4 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng trên 1.300 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án FDI với tổng vốn 64 triệu USD. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là ngành mũi nhọn về thu hút đầu FDI, tập trung vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Toàn tỉnh có 31 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn 454 tỷ đồng, tăng 69,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 2 tháng đầu năm số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh là 145 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 2.268 tỷ đồng, tăng 5,07% về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 53% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Ngoài ra, có 176 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 5,4% so với cùng kỳ.
Cùng với phục hồi và phát triển kinh tế, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh thời gian qua đã có bước chuyển biến lớn về nhận thức, tư duy, cách làm; chuyển trạng thái phòng chống dịch từ “bao vây, khoanh vùng, đón đầu, đánh chặn” sang “thích ứng, linh hoạt, kiểm soát an toàn dịch bệnh Covid-19”. Công tác điều trị đã chủ động phương án điều trị bệnh nhân Covid-19 theo phân tầng; chuyển từ điều trị F0 tập trung sang điều trị F0 ít triệu chứng tại nhà; tập trung mọi nguồn lực cho tuyến cơ sở để kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, bảo đảm mọi bệnh nhân mắc Covid-19 đều được quản lý và hỗ trợ điều trị; không để bệnh nhân từ nhẹ thành nặng, từ nặng dẫn đến tử vong do chủ quan, không kịp thời. Công tác tiêm phòng Covid-19 được đẩy nhanh thực hiện; đến ngày 8/3/2022, toàn tỉnh đã tổ chức tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên mũi 2 đạt 98,2%, mũi 3 đạt 79,1%. Bên cạnh việc triển khai linh hoạt công tác phòng chống, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành làm tốt công tác hỗ trợ người dân, người lao động chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 kịp thời, đúng đối tượng. Tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương phổ biến chính sách hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục hồ sơ chế độ chính sách đến với người thụ hưởng nhanh chóng và chính xác. Đến thời điểm hiện tại, có 12 nhóm chính sách, với tổng kinh phí trên 134 tỷ đồng đã hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động ảnh hưởng do dịch bệnh Covid – 19.
Từng bước triển khai lộ trình mở cửa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó trọng tâm là du lịch gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh, ngành dịch vụ du lịch đã có khởi sắc, doanh thu trong tháng 2 ước đạt 2,35 tỷ đồng; doanh thu 2 tháng đầu năm 2022 các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt trên 660 tỷ đồng, tăng 9,09% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch của tỉnh trong năm 2022 sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm phục hồi nhanh và phát triển kinh tế bền vững trong năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, huyện, thành phố đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, chính sách quy định tại Nghị quyết. Khẩn trương tổ chức triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 11 theo chức năng nhhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý; hướng dẫn, tuyên truyền, vận động cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, giải pháp tại Nghị quyết; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “xin-cho”, gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực đối với người dân, doanh nghiệp; chủ động phối hợp với các cấp, các ngành liên quan xử lý những vướng mắc phát sinh. Thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với tập thể, cá nhân gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp, trì trệ, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Các tin khác:
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao