Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ
Những năm qua, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế – xã hội, kinh tế trên địa bàn liên tục tăng trưởng với tốc độ cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp- xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp, thuỷ sản.
Thành tựu trên có đóng góp quan trọng của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút 126 dự án FDI, vốn đăng ký 2,7 tỷ USD. Trong số các nhà đầu tư đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, Nhật Bản có 19 dự án, vốn đầu tư gần 700 triệu USD, tỷ lệ vốn thực hiện đứng thứ nhất. Nhật Bản là quốc gia đầu tiên có dự án đầu tư vào Vĩnh Phúc (trong đó có Tập đoàn Honda, Tập đoàn Toyota) đã đặt nền tảng cho sự phát triển ngành công nghiệp ô tô, xe máy trên địa bàn tỉnh. Tiếp đến là Tập đoàn Deawoo của Hàn Quốc, Tập đoàn Piaggio của Italia đã đầu tư xản xuất ô tô, xe máy tại tỉnh Vĩnh Phúc. Vĩnh Phúc luôn đánh giá cao các dự án của các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài về thương hiệu, tính hiệu quả và những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm qua.
Tỉnh Vĩnh Phúc đang thực hiện mục tiêu: “Phấn đấu có đủ các yếu tố cơ bản của một tỉnh công nghiệp vào năm 2015 và trở thành Thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ 21”. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh xác định phải khai thác và phát huy tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, trong đó chú trọng đến phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Vĩnh Phúc là trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy; đang phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp điện tử – tin học – viễn thông ở phía Bắc. Từ quy hoạch Vùng tỉnh, Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chúng tôi đang tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu đô thị, nông thôn. Do vậy, tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ có tiềm năng phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, điện tử mà còn có cơ hội rất lớn cho phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành xây dựng. Nếu biết kết hợp đủ những yếu tố về điều kiện kinh tế, biết tận dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, nắm bắt được thời cơ và chọn đúng hướng đầu tư với quy mô và bước đi thích hợp, với sự hỗ trợ về chính sách của Chính phủ và sự nỗ lực của các doanh nghiệp thì công nghiệp hỗ trợ ngành xây dựng của tỉnh sẽ có bước phát triển mới, góp phần đắc lực và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhằm cụ thể hóa công tác phát quy hoạch và phát triển công nghiệp hỗ trợ,ngày 24/6/2013, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số: 1588/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ để tạo nền tảng vững chắc cho phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh một cách bền vững gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội; phấn đấu CNHT của tỉnh trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm hỗ trợ có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất trong nước và quốc tế, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu.
Như vậy, Đến năm 2020, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh sẽ trở thành ngành công nghiệp phát triển hiện đại, có thể tham gia vào việc sản xuất và cung cấp phần lớn các linh kiện, phụ tùng, dịch vụ bảo trì, sửa chữa cho các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận; đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ sẽ là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới, cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp ngành CNHT giai đoạn đến năm 2015 đạt 23,23%/năm; giai đoạn 2016-2020 là 18,71%/năm và giai đoạn 2021-2030 là 17,63%/năm; Giá trị sản xuất công nghiệp của ngành CNHT đạt 13.855 tỷ đồng năm 2015, 32.661 tỷ đồng năm 2020 và 165.725 tỷ đồng năm 2030 theo giá so sánh; Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp ngành CNHT trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành năm 2015 đạt 19,56%, năm 2020 là 36,71% và đến năm 2030 đạt 36,91%.
Với phương châm: “Tất cả các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc đều là công dân Vĩnh Phúc – Thành công của doanh nghiệp chính là thành công và niềm tự hào của tỉnh”; tỉnh Vĩnh Phúc coi trọng lợi ích của doanh nghiệp, xác định nhà đầu tư là đối tác tin cậy, lâu dài, là đối tượng phục vụ, vì vậy luôn dành cho các nhà đầu tư tình cảm thân thiện và tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đến đầu tư và sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, tập trung thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu đến hàng rào các Khu công nghiệp như giao thông, điện, nước, viễn thông…; đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động; chỉ đạo, giải quyết kịp thời kiến nghị và thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư… không chỉ trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư mà trong suốt đời hoạt động của dự án.
Đối với các dự án FDI, ĐI đầu tư vào sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, ngoài các ưu đãi theo quy định chung của Nhà nước Việt Nam, khi đầu tư vào Vĩnh Phúc, các nhà đầu tư sẽ được hưởng các ưu đãi riêng của tỉnh như: giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng tại bộ phận “một cửa” thuộc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh (IPA Vinh Phuc) với thời gian thực hiện được rút ngắn chỉ còn 1/3 đến một nửa so với quy định chung. Đượchỗ trợ kinh phí đào tạo nghề và ưu tiên tuyển dụng lao động theo yêu cầu của dự án; hỗ trợ kinh phí lập hồ sơ dự án xin cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án…
Đặc biệt, Tỉnh đã có ban hành Quyết định số: 47/2012/QĐ-UBND ngày 14/11/2012 về hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ khi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, theo đó tỉnh Vĩnh Phúc quy định hỗ trợ từ Ngân sách tỉnh qua Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh, cho các Doanh nghiệp thực hiện Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ khi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp: Hỗ trợ chi phí tư vấn lập hồ sơ dự án đầu tư (từ 20 đến 200 triệu đồng theo các mức vốn đăng ký); Hỗ trợ chi phí bố cáo thành lập Doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm (2 triệu đồng); Hỗ trợ 100% phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền cấp tỉnh; Lệ phí cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn với đất; Lệ phí cấp chứng chỉ quy hoạch, giấy phép xây dựng; Lệ phí cấp, cấp lại, gia hạn Giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Lệ phí đăng ký cấp mẫu dấu. Việc giải quyết hỗ trợ không quá 9 ngày làm việc.
Các tin khác:
- Tập huấn nâng cao nghiệp vụ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
- Đoàn doanh nghiệp Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm tìm hiểu đầu tư tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH iMarket Việt Nam ký Bản ghi nhớ về nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng KCN và sân Golf tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023