Thứ Hai, 28/06/2021 20:53:59 (GMT+7)

Quy định pháp luật về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam và các cơ chế chính sách đã triển khai tại Vĩnh Phúc

Ngành Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, là nền tảng, là cơ sở để sản xuất công nghiệp phát triển mạnh hơn.

Quy định pháp luật về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam và các cơ chế chính sách đã triển khai tại Vĩnh Phúc

Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CNHT nhận được nhiều ưu đãi.

Chất lượng sản phẩm đầu ra cuối cùng của các sản phẩm công nghiệp phụ thuộc vào chất lượng của các sản phẩm chi tiết, linh kiện được sản xuất từ ngành CNHT. Do vậy, tỉnh Vĩnh Phúc xác định ngành CNHT là một trong những khâu đột phá để nâng cao giá trị gia tăng và tạo nền tảng phát triển ngành công nghiệp bền vững.

Ngày 3 tháng 11 năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT; áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân thực hiện các hoạt động phát triển CNHT tại Việt Nam. Ban hành kèm theo Nghị định là Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, bao gồm 7 loại sản phẩm của ngành dệt may; 7 loại sản phẩm của ngành da – giày; 9 loại sản phẩm của ngành điện tử; 16 loại sản phẩm của ngành sản xuất lắp ráp ô tô; 8 loại sản phẩm của ngành cơ khí chế tạo; 8 loại sản phẩm CNHT cho công nghiệp công nghệ cao; Dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được áp dụng ưu đãi thuế theo quy định của Luật số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành; được vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước và được vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với mức lãi suất cho vay theo trần lãi suất cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại từng thời kỳ.

Theo thống kê của Sở Công thương Vĩnh Phúc, toàn tỉnh hiện có trên 240 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT, chủ yếu là sản xuất phụ tùng, linh kiện điện tử…. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, đổi mới mẫu mã, nâng cao cấp lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua đó, không chỉ giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, tăng thu ngân sách nhà nước mà còn góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực phát triển, góp phần đưa tăng trưởng giá trị sản xuất ngành công nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, lĩnh vực CNHT của tỉnh phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế đang có; Việc áp dụng công nghệ trong sản xuất còn lạc hậu khiến nhiều sản phẩm CNHT khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như không thể kết nối, liên kết với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI.

Tỉnh Vĩnh Phúc xác định phát triển CNHT là một trong những giải pháp quan trọng giúp tăng khả năng thu hút đầu tư, đưa Vĩnh Phúc sớm hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất ôtô, xe máy lớn và là tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi như: Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 39/2017/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh về ban hành quy chế quản lý và sử dụng kinh phí phát triển CNHT tỉnh Vĩnh Phúc và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo đó, tỉnh đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, ngành CNHT của Vĩnh Phúc sẽ trở thành mắt xích cung cấp sản phẩm có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế. Cụ thể: hỗ trợ 100% các khoản chi phí tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp CNHT, hỗ trợ 70% các khoản phí tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực CNHT; tổ chức hội chợ triển lãm kết nối CNHT; hỗ trợ 70% chi phí đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT…

Nguyễn Thị Diệu Thúy (sokhdt.vinhphuc.gov.vn)