Quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển
Với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân Vĩnh Phúc. Thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, trong những năm qua tỉnh ta luôn quan tâm nắm bắt, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển.
Là một tỉnh nghèo, với điểm xuất phát của nền kinh tế thấp, thời điểm tái lập tỉnh (năm 1997), GDP bình quân đầu người chỉ bằng 48% so với bình quân chung của cả nước. Sau 20 năm tái lập, kinh tế -xã hội của tỉnh đã có những bước chuyển mình ngoạn mục. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2006 – 2010 đạt 18%/năm và tăng trưởng 6,36%/năm trong giai đoạn 2011 -2015, cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nông lâm thủy sản giảm chỉ còn 9,77%, dịch vụ chiếm 28,11% và công nghiệp – xây dựng giữ vai trò chủ đạo, chiếm 51,12%. Để có được những thành tựu đó, bên cạnh những chủ trương đúng đắn của tỉnh, không thể không kể đến những đóng góp quan trọng của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, đến nay, Vĩnh Phúc có hơn 7.000 doanh nghiệp dân doanh được đăng ký thành lập theo Luật Doanh nghiệp, trong đó có gần 4700 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng số vố đăng ký trên 53,8 nghìn tỷ đồng; hơn 600 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký hơn 49 nghìn tỷ đồng và hơn 200 dự án FDI với số vốn đăng ký 3,47 tỷ USD. Nhìn chung, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng, quy mô, chất lượng. Một số tên tuổi lớn có thể kể đến như Công ty Toyota Việt Nam, TNHH Piaggio Việt Nam, TNHH Partron Vina, cổ phần Prime, thép Việt Đức, Công nghiệp chính xác Việt Nam 1…
Mặc dù đã và đang có những bước phát triển tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, song đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp những khó khăn, thách thức nhất định. Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, phát biểu tại Hội nghị Diễn đàn hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh thành phố khu vực phía bắc lần thứ IX mới đây, ông Phan Bá Sang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Hoạt động của các doanh nghiệp đang chịu áp lực từ những bất ổn về kinh tế và chính trị của thị trường thế giới, cùng với những khó khăn chưa được giải quyết tích cực như áp lực về vốn, sức ép nợ xấu còn nặng nề, năng lực cạnh tranh và quản trị doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, tồn kho hàng hóa vẫn ở mức cao, công nghệ sản xuất chậm được đầu tư, cải tiến. Hệ thống chính sách pháp luật thiếu đồng bộ và ổn định, đặc biệt là các chính sách về đất đai, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, vấn đề môi trường, chất lượng lao động chưa cao, công tác giải phóng mặt bằng còn khó khăn, thủ tục hành chính và công tác thanh, kiểm tra chậm được cải tiến…
Trước thực tế đó, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định và phát triển, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, chính quyền địa phương trong tỉnh kịp thời nắm bắt thông tin và hỗ trợ giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp với quan điểm coi doanh nghiệp là “đối tượng phục vụ”. Theo đó, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức 6 cuộc đối thoại theo chuyên đề các quốc gia vùng lãnh thổ và đã giải quyết được nhiều vướng mắc của các doanh nghiệp; tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp, doanh nhân vào chiều thứ sáu hàng tuần. Cũng trong thời gian này, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức 2 cuộc khảo sát, nắm bắt tình hình những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để đề xuất UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ. Bên cạnh đó, hàng năm, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức 40 – 45 lớp đào đạo, bồi dưỡng nghiệp vụ liên quan đến chính sách thuế, hải quan, nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp, phổ biến pháp luật. Tổ chức các cuộc hội thảo theo từng chuyên đề cụ thể liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 15/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, UBND tỉnh đã có Chương trình hành động và ngày 22/9 vừa qua, UBND tỉnh đã ký cam kết với VCCI nhằm tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Cùng với nỗ lực của tỉnh trong quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã và đang được phục hồi, kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định và phát triển. Trong 9 tháng năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRSP) tăng 7,96% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó ngành công nghiệp – xây dựng tăng 7,31%; tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt trên 22,56 nghìn tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ. Vĩnh Phúc nằm trong top 5 các tỉnh, thành phố thuộc nhóm có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc theo hồ sơ công bố chỉ số PCI năm 2015, xếp thứ 4 trong toàn quốc và xếp thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Hồng (ngay sau Quảng Ninh) về điểm số PCI, tăng gần 40 bậc so với năm 2012.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc những cam kết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy nhanh và mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp vì lợi ích phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh.
Các tin khác:
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao