Thứ Hai, 07/04/2014 7:58:47 (GMT+7)

Quản lý chặt chẽ việc sử dụng và đặt in hóa đơn của doanh nghiệp

Theo số liệu tổng hợp của Cục Thuế tỉnh, đến hết quý IV năm 2013, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 5.000 đơn vị, doanh nghiệp (DN) sử dụng hóa đơn; trong đó: Số đơn vị sử dụng hóa đơn do Cục Thuế phát hành là trên 1.830 đơn vị; 79 đơn vị tự in hóa đơn và hơn 3.470 đơn vị đặt in hóa đơn. Qua công tác thanh, kiểm tra, hầu hết các đơn vị, DN trong tỉnh đều thực hiện nghiêm túc các quy định về việc sử dụng, tự in, đặt in hóa đơn, thông báo phát hành hóa đơn và báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo định kỳ hàng tháng, hàng quý.

Cán bộ Bộ phận Ấn chỉ – Cục Thuế tỉnh hướng dẫn cho các đơn vị về quy định trong sử dụng hóa đơn tự in, đặt in.

Nhằm tăng cường công tác quản lý hóa đơn, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng các DN, hộ kinh doanh vi phạm việc tạo, in, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn; ngay từ đầu quý I – năm 2014, Cục Thuế tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Qua đó phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong sử dụng hóa đơn. Cục Thuế tỉnh cũng thường xuyên gửi công văn, yêu cầu các DN chấp hành tốt các chế độ, chính sách về thuế theo Luật Quản lý thuế, nhất là việc chấp hành in, phát hành, sử dụng hóa đơn. Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh cũng tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng triển khai nghiêm túc kế hoạch thanh, kiểm tra đối với các trường hợp kinh doanh hóa đơn bán hàng và việc sử dụng hóa đơn để trốn thuế, ngăn chặn các hành vi chiếm đoạt tiền thuế và rút tiền ngân sách dưới mọi hình thức. Song song với đó, Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các Chi cục tổ chức tốt công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các quy định về quản lý, sử dụng hóa đơn và hình thức xử phạt đối với hành vị vi phạm. Thực hiện chỉ đạo của Cục Thuế tỉnh, các Chi cục đã tăng cường công tác quản lý hóa đơn, cập nhật thông báo phát hành hóa đơn của các DN, đơn vị; thông báo hủy hóa đơn; báo cáo sử dụng hóa đơn và thông báo các DN ngừng hoạt động, bỏ trốn… Tuy nhiên, trong quá trình quản lý hóa đơn, quản lý DN tại một số Chi cục vẫn còn những vấn đề cần phải tập trung để tìm ra biện pháp tháo gỡ kịp thời. Chẳng hạn như việc tiếp nhận, rà soát, kiểm tra các đơn vị kinh doanh trên địa bàn quản lý còn chưa thực sự đáp ứng với yêu cầu công tác quản lý, nhất là các doanh nghiệp thành lập mới, chưa xây dựng được trụ sở giao dịch…

Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 – 1- 2014, sửa đổi, bổ sung một điều của Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 – 3 – 2014. Trong đó, đáng chú ý là những quy định chặt chẽ về điều kiện để các DN có thể đặt in, tự in hóa đơn. Theo đó, các DN, tổ chức kinh doanh đáp ứng đủ các điều kiện như: có mã số thuế, có doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ; không bị xử phạt hành vi vi phạm pháp luật về thuế trong 365 ngày liên tục tính đến ngày thông báo phát hành hoá đơn tự in… thì DN có thể gửi văn bản đề nghị cơ quan thuế chấp nhận việc sử dụng hoá đơn tự in. Các DN thành lập theo quy định của pháp luật trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao; DN có mức vốn điều lệ theo quy định của Bộ Tài chính; các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật… được tự in hoá đơn kể từ khi có mã số thuế hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử để sử dụng trong việc bán hàng hóa, dịch vụ. Các DN, tổ chức kinh doanh có mã số thuế nhưng không đủ điều kiện theo các quy định trên phải đặt in hóa đơn để phục vụ cho hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ của đơn vị mình.

Một điểm quan trọng được bổ sung trong Nghị định 04/2014/NĐ-CP đó là: Các DN thuộc loại rủi ro cao về thuế sẽ không được sử dụng hoá đơn tự in khi có yêu cầu của cơ quan thuế chức năng. Nghị định 04/2014/NĐ-CP cũng quy định các DN đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in mà có hành vi vi phạm về hóa đơn, bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, gian lận thuế sẽ không được tiếp tục sử dụng hóa đơn tự in và phải mua hóa đơn do cơ quan thuế phát hành trong thời gian 12 tháng. Đối với các tổ chức nhận in hóa đơn, tổ chức cung ứng phần mềm tự in hóa đơn; Nghị định 04/2014/NĐ-CP cũng quy định rất rõ: Tổ chức nhận in hóa đơn phải là DN có Giấy phép hoạt động ngành in và có trách nhiệm in hóa đơn theo đúng hợp đồng đã ký; không được giao lại toàn bộ hoặc bất kỳ khâu nào trong quá trình in hóa đơn cho các tổ chức in khác; DN phải quản lý, bảo quản và xử lý khuôn in, phôi in, hóa đơn đã in và các hóa đơn in hỏng theo thỏa thuận giữa hai bên và theo quy định của pháp luật; DN nhận in hóa đơn phải thực hiện thanh lý hợp đồng với tổ chức, cá nhân đặt in theo đúng quy định của Bộ Tài chính; định kỳ 3 tháng, DN nhận in hóa đơn phải báo cáo việc nhận in hóa đơn và gửi tới cơ quan thuế trực tiếp quản lý. Các tổ chức cung ứng phần mềm tự in hóa đơn phải là DN có Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh trong đó có ngành nghề Lập trình máy vi tính hoặc Xuất bản phần mềm; cam kết không cung cấp phần mềm in giả hóa đơn trùng với các mẫu trong phần mềm đã cung cấp cho DN khác. Định kỳ 3 tháng một lần phải báo cáo về việc cung cấp phần mềm tự in hóa đơn cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Đánh giá về những điểm quy định mới, được bổ sung tại Nghị định 04/2014/NĐ-CP, ông Triệu Đức Chính, Phó Trưởng phòng Hành chính – Quản trị – Tài vụ – Ấn chỉ (Cục Thuế tỉnh) cho biết: Những điểm mới trong Nghị định 04/2014/NĐ-CP thực sự là cơ sở vững chắc, công cụ hữu hiệu để cơ quan thuế và các cơ quan chức năng liên quan tăng cường siết chặt công tác quản lý đối với các DN, đơn vị trong việc sử dụng hoá đơn. Có thể nói, những quy định bổ sung trong Nghị định 04/2014/NĐ-CP sẽ góp phần nhằm hạn chế tối đa việc các DN có thể lợi dụng những điểm còn hạn chế của Nghị định 51/2010/NĐ-CP nhằm thực hiện các hành vi gian lận trong kê khai hoàn thuế, gian lận thuế. Thông qua đó, giảm bớt áp lực đối với cán bộ ngành thuế trong công tác quản lý sử dụng hóa đơn tự in, đặt in của các đơn vị, DN.

Theo Việt Sơn - Báo Vĩnh Phúc