Thứ Ba, 29/12/2015 8:23:58 (GMT+7)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đối thoại giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực lao động

Chiều ngày 25/12/2015, tại trụ sở HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đã chủ trì buổi làm việc với các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh về việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực lao động.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đối thoại giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực lao động

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành chủ trì cuộc đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng và sử dụng lao động. Ảnh: Thu Nga.

Tham dự buổi đối thoại có lãnh đạo các cơ quan: Sở Lao động,  TB&XH, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Cục Thuế tỉnh, Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ban Quản lý các KCN, các trung tâm Dịch vụ việc làm, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cùng lãnh đạo và cán bộ phụ trách nhân sự của các doanh nghiệp.

Buổi đối thoại trên tinh thần cởi mở, trao đổi thẳng thắn. Hội nghị đã nghe Sở Lao động, TB&XH, Ban Quản lý các KCN báo cáo tóm tắt tình hình lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh, trong các khu công nghiệp của tỉnh. Báo cáo cho thấy, toàn tỉnh hiện nay có khoảng hơn 600 nghìn người trong độ tuổi lao động nhưng mới có khoảng 124 nghìn người làm việc trong các loại hình doanh nghiệp. Như vậy số lượng lao động còn ở khu vực nông thôn, đang có nhu cầu việc làm còn rất dồi dào.

Một số doanh nghiệp được mời đối thoại là những doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động phổ thông, đặc biệt là lao động nữ trẻ tại các doanh nghiệp may mặc và điện tử; một số doanh nghiệp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động chất lượng cao thành thạo 1-2 ngoại ngữ. Tình hình nhảy việc của lao động trong các khu công nghiệp tại các doanh nghiệp có mức lương thấp hơn các doanh nghiệp khác xung quanh cũng là vấn đề phải băn khoăn. Bên cạnh đó, buổi đối thoại còn thảo luận về một số vướng mắc trong việc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cho người lao động, cấp visa, giấy lưu trú cho người lao động nước ngoài, khám chữa bệnh theo Bảo hiểm y tế và vấn đề chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân sau giờ làm việc…

Đại diện Nhà máy CDL Precision Technology Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thu Nga

Đại diện Nhà máy CDL Precision Technology Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thu Nga

Qua đối thoại, các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp cơ bản thống nhất: Công nhân tại Vĩnh Phúc cơ bản là chăm chỉ, thật thà, yêu lao động. Các khó khăn trong tuyển dụng và “giữ chân” người lao động chủ yếu rơi vào doanh nghiệp may mặc và điện tử có xu hướng ưu tiên tuyển dụng nhiều lao động nữ trẻ để phù hợp với tính chất công việc, nhưng tiền lương cho người lao động và các chính sách hỗ trợ còn thấp hơn so với mặt bằng chung, công việc biến động theo đơn hàng. Mặt khác, phần lớn các doanh nghiệp tuyển dụng lao động không thông qua sàn giao dịch việc làm, các trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh mà tự thông báo và tổ chức tuyển dụng nên khả năng thu hút lao động chưa cao. Hình thức tuyển dụng này khiến cho cơ quan quản lý nhà nước khó theo dõi, nắm bắt và kiểm soát tình hình cung – cầu lao động trên địa bàn dẫn tới khó hỗ trợ cho doanh nghiệp một cách kịp thời khi doanh nghiệp có yêu cầu.

Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Trần Việt Cường – Phó Giám đốc Sở Lao động, TB&XH khẳng định: Hiện nay, nguồn lao động của tỉnh còn rất dồi dào, hàng năm bổ sung thêm hàng chục ngàn lao động từ các tường THPT, các trường cao đẳng và  trường nghề, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Sở Lao động, TB&XH và các trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh sẵn sàng hỗ trợ tối đa trong việc tuyển dụng lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Kết luận buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành khẳng định: Nguồn lao động của Vĩnh Phúc còn rất dồi dào, đang cần có làm việc trong các doanh nghiệp, luôn sẵn sàng đáp ứng cho các doanh nghiệp đã và sẽ đầu tư vào Vĩnh Phúc. Tuy việc tuyển dụng và “giữ chân” người lao động khó khăn tại một số doanh nghiệp được lựa chọn mời đến đối thoại là khó khăn cục bộ, chủ yếu là các doanh nghiệp trả lương thiếu cạnh tranh với các doanh nghiệp xung quanh. Một số doanh nghiệp có công việc không ổn định vì phụ thuộc vào biến động đơn hàng. Một lý do quan trọng dẫn đến khó tuyển dụng là do các doanh nghiệp chưa có sự hỗ trợ tuyển dụng miễn phí của tỉnh thông qua các trung tâm dịch vụ việc làm.

Phó Chủ tịch Lê Duy Thành cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động để đảm bảo cho doanh nghiệp luôn được đáp ứng nhu cầu về lao động, củng cố hoạt động của sàn giao dịch việc làm; nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp giữa sàn giao dịch việc làm, các chính quyền địa phương và các doanh nghiệp để tăng cường khả năng cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch cũng đề nghị các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đến quyền lợi và chính sách ưu đãi đối với người lao động, vì đây là yếu tố quan trọng để thu hút và giữ người lao động ở lại với doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh cũng đang nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo nghề kết hợp với đào tạo ngoại để cung cấp lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp./.

Thu Nga - IPA Vinh Phuc