Thứ Tư, 13/12/2023 9:16:27 (GMT+7)

Phát triển nhà ở đảm bảo đồng bộ, phù hợp với phát triển kinh tế

Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong phát triển nhà ở cho nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp, người nghèo thì việc phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là hết sức cần thiết. Đây là cơ sở để đưa ra những định hướng, xây dựng hệ thống chỉ tiêu phát triển nhà ở và các giải pháp thực hiện đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội (KT – XH) của tỉnh trong thời gian tới.

Phát triển nhà ở đảm bảo đồng bộ, phù hợp với phát triển kinh tế

Hạ tầng đô thị thành phố Vĩnh Yên được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại

Những năm qua, việc triển khai các dự án phát triển đô thị trên địa bàn đã từng bước góp phần hình thành bộ mặt đô thị. Một số dự án hạ tầng khu đô thị, khu nhà ở thương mại dịch vụ hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, vui chơi, giải trí cho người dân, góp phần cải tạo, chỉnh trang, giảm mật độ dân số đối với các khu dân cư hiện hữu. Các dự án phát triển nhà ở xã hội được quản lý và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Đến hết năm 2022, tổng diện tích sàn nhà ở đạt trên 37 triệu m² với gần 295.000 căn nhà. Hiện, toàn tỉnh có 16 khu chung cư, 7 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân với 1.818 căn nhà, tương ứng khoảng 109.000 m2 sàn.

Trên địa bàn tỉnh hiện đang triển khai xây dựng 64 dự án nhà ở thương mại với quy mô trên 1.962 ha; 7 dự án nhà ở xã hội với quy mô trên 32 ha, cung ứng khoảng 4.400 căn với diện tích sàn 516.000 m2 sàn.

Ngoài ra, các dự án nhà ở thương mại được bố trí quỹ đất 20% trong dự án để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với quy mô trên 72 ha cung ứng khoảng 14.300 căn với diện tích khoảng 1,76 triệu m2 sàn.

Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các dự án khu đô thị đều có quy mô diện tích nhỏ, nằm rải rác các khu vực khác nhau; công tác giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án còn chậm, kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ dự án; chất lượng một số hạng mục công trình chưa đảm bảo yêu cầu, xuống cấp gây khó khăn cho công tác bàn giao, quyết toán.

Những năm gần đây, KT – XH trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh, dân số gia tăng làm tăng nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là nhu cầu về nhà ở của các nhóm đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội.

Với mục tiêu phát triển nhà ở và xây dựng hệ thống chỉ tiêu phát triển nhà ở đảm bảo phù hợp, đồng bộ với phát triển KT – XH tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2023 sẽ đưa ra xem xét và thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh dự kiến phát triển mới gần 8,5 triệu m2 sàn nhà ở; giai đoạn 2026 – 2030, phát triển mới trên gần 13 triệu m2 sàn nhà ở. Phấn đấu đến năm 2030 xóa bỏ hoàn toàn nhà thiếu kiên cố, đơn sơ; 90% nhà ở có hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước thải được đấu nối vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.

Nâng cao chất lượng nhà ở hiện hữu thông qua thúc đẩy áp dụng thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy hoạch khi cải tạo và xây dựng lại. Đồng thời, phát triển nhà ở thương mại theo dự án đảm bảo kết nối và đồng bộ hệ thống hạ tầng với lượng sản phẩm đa dạng về cơ cấu, đáp ứng toàn bộ nhu cầu về nhà ở thương mại trong từng giai đoạn cụ thể.

Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội được giao theo Quyết định số 338 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”

Hiện thực hóa mục tiêu trên, Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra các nhóm giải pháp trọng tâm như hoàn thiện thể chế, chính sách; cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư; nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng, phát triển quỹ đất; sử dụng hợp lý nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, huy động nguồn vốn xã hội hóa, tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về thuế liên quan đến phát triển nhà ở và các ưu đãi khác theo pháp luật về thuế và pháp luật về nhà ở.

Đồng thời, nâng cao năng lực của chủ đầu tư thực hiện dự án phát triển nhà ở; chủ động ban hành, điều chỉnh, bổ sung các chính sách điều tiết thuộc thẩm quyền của địa phương để bình ổn và đảm bảo sự ổn định, lành mạnh của thị trường bất động sản. Dự kiến, tổng nhu cầu nguồn vốn để phát triển nhà ở trong giai đoạn 2021 – 2025 trên 66.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026 – 2030 trên 100.500 tỷ đồng.

baovinhphuc