Thứ Hai, 07/11/2022 9:16:16 (GMT+7)

Phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có thế mạnh

Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh, tỉnh Vĩnh Phúc đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp (DN); thu hút đầu tư có chọn lọc, từng bước đưa công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có thế mạnh

Công ty TNHH Exedy Việt Nam (KCN Khai Quang- Vĩnh Yên) chuyên sản xuất và kinh doanh các loại sản phẩm chi tiết động cơ, ly hợp, côn, hộp số của ô tô, xe máy cung cấp cho các hãng sản xuất lớn như Yamaha, Honda, Suzuki.

Hết năm 2021, toàn tỉnh có trên 1.300 doanh nghiệp (DN) chế biến, chế tạo, trong đó có 307 DN FDI. Một số lĩnh vực chế biến chế tạo có nhiều lợi thế của tỉnh như cơ khí, điện tử, dệt may và sản phẩm nhựa, cao su…đang phát triển theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất, nâng cao hiệu suất, bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid vừa qua, các DN đã chủ động thay đổi phương thức sản xuất, cải tiến mô hình tăng trưởng; đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thay đổi cách thức giao dịch nhằm tương tác tốt và hiệu quả hơn với nhu cầu của người tiêu dùng. Qua đó từng bước xây dựng được thương hiệu sản phẩm và khẳng định uy tín trên thị trường.

Năm 2020, doanh thu công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh đạt gần 380 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp FDI đạt hơn 333 nghìn tỷ đồng.

Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 15,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới trên 98% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, tăng 15,58%.

Công ty TNHH công nghệ Cosmos bắt đầu sản xuất năm 2005 tại Vĩnh Phúc và đầu tư nhà máy thứ 2 tại tỉnh Phú Thọ năm 2010, đây là DN sản xuất linh kiện cơ khí dập, hàn, uốn, khuôn dập.

Với phương châm không ngừng đầu tư, cải tiến trang thiết bị tiên tiến cùng đội ngũ cán bộ công nhân viên có tay nghề cao, đam mê với công việc, năm 2017, công ty đã trở thành nhà cung cấp linh kiện dập cấp 1 của Toyota Việt Nam và là đối tác tin cậy của các công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy, sản phẩm gia dụng và các ngành công nghiệp phụ trợ như Honda Việt Nam, Panasonic Việt Nam, Goshi Thang Long Việt Nam, Nissin Brake Việt Nam…Doanh thu hàng năm của công ty đạt 50 triệu USD.

Là DN đầu tiên đến từ châu Âu, Công ty TNHH Piaggio Việt Nam (KCN Bình Xuyên) chuyên sản xuất và kinh doanh xe máy cao cấp của Italia. Sau hơn 14 năm hoạt động, công ty không ngừng lớn mạnh và phát triển, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho gần 1.000 lao động địa phương.

Đặc biệt, tổ hợp nhà máy tại Việt Nam hiện được coi là đại bản doanh của Piaggio tại khu vực châu Á với sản lượng sản xuất đạt 300 nghìn xe/năm, trong đó 77% xuất khẩu. Hiện tại, chuỗi cung ứng của công ty có gần 300 nhà cung cấp, trong đó gần 50% nhà cung cấp linh kiện chế tạo.

Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, tỉnh đã ưu tiên thu hút DN sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, ít hao hụt tài nguyên, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số ngành, lĩnh vực đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách.

Hỗ trợ nhà đầu tư, DN tiếp cận đất đai, mặt bằng SXKD, tín dụng và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đổi mới công nghệ; thường xuyên cải cách thủ tục hành chính, tập trung đơn giản hoá, giảm thời gian, chi phí cho DN, tăng cường các dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4; hỗ trợ kết nối, hợp tác giữa DN của tỉnh với các DN FDI từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đến nay, tỉnh đã quy hoạch các khu đất cho DN thuê làm mặt bằng SXKD; các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang có quan hệ vay vốn đối với hơn 3.000 DN, dư nợ hơn 44 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 47% tổng dư nợ; triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo lao động.

Giai đoạn 2013-2021, tỉnh đã tổ chức 560 lớp đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với 16.500 lượt học viên tham gia với trên 1.500 DN được hưởng lợi từ các chương trình đào tạo, trong đó 94% lao động tại tỉnh đáp ứng nhu cầu sử dụng của DN, cao hơn bình quân chung cả nước là 4%.

Theo các chuyên gia kinh tế, Vĩnh Phúc có nhiều lợi thế để phát triển mạnh mẽ, vượt trội ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tuyến đường cao tốc thuộc hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, quốc lộ 2 đi dọc từ phía Nam lên phía Bắc tỉnh, trọng tâm là Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc có quy mô lớn nhất khu vực miền Bắc sẽ tạo nên “mắt xích” quan trọng trong chuỗi logistics trong vùng, kết nối các phương thức vận tải để giảm chi phí cho các DN, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Vì vậy, thời gian tới, tỉnh ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược, DN công nghệ cao; xây dựng đội ngũ chuyên gia có tâm huyết và năng lực trong tư vấn hỗ trợ DN phát triển; hỗ trợ DN chuyển đổi số trong việc tìm kiếm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới; thực hiện đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, bố trí các gói tín dụng cho DN vay với lãi suất hợp lý.

Phạm Diệu Linh - Theo baovinhphuc