Phát triển công nghiệp – thế mạnh của Vĩnh Yên
Những năm qua, kinh tế của thành phố Vĩnh Yên luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Trong đó, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của thành phố tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò là ngành kinh tế chủ lực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
Với những định hướng đúng đắn, giải pháp cụ thể, những năm qua, ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của thành phố Vĩnh Yên đã có những bước phát triển mạnh cả về số lượng, quy mô, ngành nghề cũng như hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Giai đoạn 2011-2015, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố đạt trên 50.507 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 15,6%/năm; riêng 6 tháng đầu năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố đạt trên 10.395 tỷ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ, chiếm gần 71,6% tổng giá trị sản xuất của thành phố.
Đồng chí Nguyễn Đăng Tạo, Phó Trưởng Phòng Kinh tế, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Để phát triển công nghiệp, HĐND thành phố Vĩnh Yên đã ban hành Nghị quyết 24/2011/NQ-HĐND về Chương trình phát triển công nghiệp thành phố Vĩnh Yên giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Trên cơ sở đó, hàng năm, UBND thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp, đồng thời chỉ đạo các xã, phường xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình từng địa phương. Công tác tuyên truyền, xúc tiến, thu hút đầu tư được thành phố chú trọng triển khai nhằm thu hút mọi mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ trên địa bàn, đồng thời cung cấp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư những thông tin về cơ hội đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực công nghiệp và những chính sách ưu đãi của Nhà nước, tỉnh, thành phố về phát triển công nghiệp như Miễn giảm thuế sử dụng đất trong thời gian đầu tư xây dựng cơ bản; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động… Cùng với đó, công tác khảo sát, đối thoại với doanh nghiệp được các cấp chính quyền thành phố triển khai thường xuyên nhằm nắm bắt, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp có điều kiện sản xuất kinh doanh thuận lợi”.
Thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt việc phát triển hạ tầng xã hội khu công nghiệp như: Nhà trọ, nhà ở thu nhập thấp cho công nhân, trường mầm non, tiểu học; hệ thống giao thông công cộng, thông tin liên lạc, vệ sinh môi trường… Thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh trong việc hoàn thiện quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Khai Quang, các cụm kinh tế – xã hội; tiến hành rà soát, đơn giản các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; tổ chức cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ để tìm kiếm thị trường và trao đổi thông tin; tăng cường thanh, kiểm tra về vệ sinh môi trường an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, thực hiện chính sách pháp luật của các đơn vị kinh doanh để đảm bảo công bằng và tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh…Việc triển khai kinh phí hỗ trợ của tỉnh cho hoạt động khuyến công được thành phố triển khai nghiêm túc, đúng đối tượng và hiệu quả, góp phần khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phát triển.Từ 2012-2015, trên địa bàn thành phố đã có 5 doanh nghiệp được hỗ trợ máy móc, thiết bị để phát triển sản xuất với tổng giá trị 120 triệu đồng.
Một số ngành sản xuất công nghiệp của thành phố đã khẳng định được thương hiệu, thế mạnh và chỗ đứng vững chắc trên thị trường như dệt may và da giầy, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố trong nhiều năm trở lại đây. Các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn thành phố như các công ty: TNHH Daewoo Apparel Việt Nam, THHH Vina Korea, Cổ phần Giầy Vĩnh Yên… đã có sự nhanh nhạy trong nắm bắt nhu cầu thi trường và nhận được nhiều đơn hàng lớn, ổn định từ các thị trường: Hàn Quốc, Trung Quốc, Châu Âu… Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may và da giầy trên địa bàn nhiều năm liền có mức tăng trưởng khá, tạo công ăn, việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Trong lĩnh vực cơ khí, các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy tiếp tục có sự tăng trưởng cao, điển hình như Công ty TNHH Cơ khí chính xác Việt Nam 1, doanh thu năm 2015 đạt khoảng 130 triệu USD, hiện đang tạo công ăn việc làm cho gần 3.600 lao động; Công ty TNHH Công nghệ Cosmos là một trong số ít doanh nghiệp trong nước đã tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm nội địa cho Công ty Honda Việt Nam… Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên một số lĩnh vực khác như: Vật liệu xây dựng, sản xuất dược phẩm, sản xuất và phân phối nước, sản xuất và phân phối điện… cũng từng bước phát triển, mở rộng sản xuất, giữ vững nhịp tăng trưởng ổn định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố hiện nay còn gặp một số khó khăn, thách thức do thị trường lao động chưa tương xứng với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, lao động ngắn hạn và phổ thông chiếm số lượng lớn (trên 60,6%) khiến các doanh nghiệp phải mất thêm thời gian, chi phí đào tạo, đào tạo lại. Đa số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn là gia công, lắp ráp sản phẩm nên giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp không cao; số lượng doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao còn ít. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước có quy mô lớn chưa nhiều, vốn kinh doanh tương đối thấp so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, việc mở rộng sản xuất gặp nhiều khó khăn. Nghề tiểu thủ công nghiệp của thành phố còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là sản xuất ở quy mô hộ gia đình, năng lực sản xuất còn nhiều hạn chế. Nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh dành cho thành phố tương đối thấp so với các huyện, thị khác…
Để tiếp tục giữ vững thế mạnh trong phát triển công nghiệp, thời gian tới, thành phố Vĩnh Yên tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cấp, ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế -xã hội nói chung và công nghiệp nói riêng; vận dụng linh hoạt các chủ chương, chính sách của Trung ương và tỉnh để hỗ trợ kịp thời cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; xây dựng kênh thông tin thường xuyên giữa chính quyền các cấp với cộng đồng doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xác định đây là khâu đột phá để cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao; nâng cao chất lượng quy hoạch và thực hiện đầu tư theo quy hoạch…
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh