Phát triển bền vững doanh nghiệp vừa và nhỏ
Thời gian qua, sự phát triển vượt bậc các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) cả về số lượng và chất lượng đã khẳng định tiềm năng của khu vực kinh tế được đánh giá là năng động và hiệu quả, đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh. Trong quá trình phát triển, các DNVVN còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Vậy giải pháp nào để thúc đẩy DNVVN tăng trưởng và phát triển bền vững.
Theo báo cáo của Hiệp hội DN tỉnh, đến cuối tháng 9 năm 2016, toàn tỉnh có 7.129 DN đăng ký kinh doanh, trong đó DNVVN chiếm 96%. Mặc dù chưa có một kết quả điều tra chính thức, toàn diện về việc tăng quy mô vốn chủ sở hữu, doanh thu thuần, lợi nhuận, tổng tài sản… của khu vực DNVVN những năm gần đây, nhưng thực tế cho thấy những chỉ tiêu này của DNVVN tăng khá mạnh. Nhiều DN có vốn đầu tư ban đầu tuy không lớn nhưng được hình thành và phát triển rộng khắp ở cả thành thị và nông thôn, ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực, tạo điều kiện khai thác mọi tiềm năng, tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn. Sự phát triển tích cực của khu vực DN này còn góp phần cơ bản tạo việc làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp, đóng góp quan trọng vào thu ngân sách, huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
Sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong nhiều năm qua đã góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khu vực DNVVN. Nhân tố chính góp phần gia tăng nhanh chóng số lượng DN chính là nhờ môi trường kinh doanh tích cực được cải thiện. Hiện tại, các DNVVN khởi sự kinh doanh dễ dàng hơn nhiều so với trước đây. Thủ tục, thời gian và chi phí liên quan thành lập DN đã thực sự được cắt giảm, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của DNVVN cũng ngày càng được hoàn thiện. Một loạt các chính sách trợ giúp DN được triển khai có tác động tích cực tới sự phát triển của cộng đồng DNVVN. Điển hình như chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các DNVVN của tỉnh, sau 5 năm đã tổ chức được 151 khóa học với 5.232 lượt hội viên của các DN, kinh phí Nhà nước hàng năm từ 300 – 400 triệu đồng. Cùng với tổ chức các khóa tập huấn về tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người sử dụng lao động, Hiệp hội DN tỉnh còn mở các lớp đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ kế toán, kế toán trưởng DN, đào tạo theo địa chỉ và đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề.
Thời gian qua, tỉnh đã dành hàng tỷ đồng ngân sách địa phương hỗ trợ DNVVN thông qua các chương trình như: Truyền nghề, tham gia hội chợ, triển lãm… Nhiều địa phương tạo điều kiện cho DNVVN tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển các khu, cụm CN, làng nghề. Những việc làm đó thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn của các cấp chính quyền địa phương trong việc trợ giúp DNVVN. Hai chính sách hỗ trợ lãi suất và miễn, giảm thuế cho DN đã giúp nhiều DNVVN vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động. Do tác động của khủng hoảng, suy thoái kinh tế, sản xuất của hai nhà máy gạch tuynen ở Vĩnh Yên và Hạ Hòa (Phú Thọ) của Công ty CP Vigracera Hợp Thịnh bị chững lại. Nhờ có sự trợ giúp về vốn và nỗ lực vươn lên của DN, 9 tháng đầu năm 2016, công ty đã phục hồi sản xuất, làm ăn có lãi. Lãnh đạo Công ty Vigracera Hợp Thịnh cho rằng, từ sự chân thành của chủ DN, quan hệ với Ngân hàng Đầu tư và phát triển Vĩnh Phúc đã tạo được sự bền vững, qua hàng chục năm, khi SXKD thuận lợi cũng như lúc khó khăn, DN luôn có ngân hàng đồng hành.
Thời gian gần đây, chất lượng quản trị, điều hành trong các DNVVN đã được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Quy mô nhỏ, chủ yếu thành lập trên cơ sở góp vốn của nhiều người trong gia đình, người chủ sở hữu đồng thời là người quản lý, giám đốc, quản đốc,… Do vậy, hình thức quản trị, điều hành còn mang tính gia đình, không phát huy được tính tự chủ, sáng tạo của nhân viên. Còn xa lạ với việc xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh lâu dài và bền vững, mà “lao theo” những cơ hội kinh doanh ngắn hạn, nhất thời.
Ngoài những khó khăn trong nội tại doanh nghiệp, một số nội dung vướng mắc do các DNVVN trên địa bàn tỉnh phản ánh, tập trung đề nghị Nhà nước quan tâm hỗ trợ thông qua cơ chế, chính sách về đất đai, nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thuê giá rẻ, cung cấp lao động qua đào tạo, cải thiện hạ tầng cung cấp điện, môi trường sinh thái…Anh Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Constech bộc bạch, công ty khởi nghiệp phải thuê lại đất của một công ty khác xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng không nung tại xã Kim Long (Tam Dương) công suất 15 triệu viên/năm, chất lượng sản phẩm và tiêu thụ tốt; thu nhập của người lao động đạt 7 triệu đồng/người/tháng. Sau 3 năm sản xuất ổn định, công ty mong muốn được các sở, ngành chức năng, các cấp chính quyền quan tâm để doanh nghiệp được tiếp cận đất đai, mở rộng mặt bằng sản xuất, nâng cấp công nghệ, giải quyết việc làm cho 40 lao động địa phương.
Để DNVN phát triển bền vững, theo ông Phan Bá Sang, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, đóng góp của DNVVN cho phát triển kinh tế rất đáng kể, trong đó có vai trò “bà đỡ” của Nhà nước, nhưng trước hết là sự nỗ lực vươn lên của chính các DN. Nhà nước đã ban hành về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, đưa ra những nhóm giải pháp rất cụ thể về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và thực hiện thể chế, chính sách về khởi nghiệp. 9 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã có 614 DN khởi nghiệp đi vào hoạt động với tổng số vốn đăng ký 3.900 tỉ đồng. Bằng các chính sách khuyến khích khởi nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai thuận lợi, cơ chế tài chính, thuế, nguồn nhân lực…để khơi dậy và cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, tinh thần đổi mới, sáng tạo của các DNVVN. Hiệp hội DN tỉnh thực hiện chức năng cầu nối với cấp ủy, chính quyền các cấp và DN, triển khai dự án khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho DNVVN liên doanh, liên kết, hội nhập và phát triển bền vững.
Các tin khác:
- Tập huấn nâng cao nghiệp vụ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
- Đoàn doanh nghiệp Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm tìm hiểu đầu tư tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH iMarket Việt Nam ký Bản ghi nhớ về nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng KCN và sân Golf tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023