Thứ Hai, 06/05/2024 8:26:06 (GMT+7)

Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao

Để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tích cực khuyến khích các tổ chức, hợp tác xã, nông dân ứng dụng công nghệ cao, các giải pháp sản xuất tiên tiến theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP…

Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao

Rau su su mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành cây trồng chủ lực của xã Hồ Sơn cũng như huyện Tam Đảo

Cây su su được du nhập vào Việt Nam và trồng ở thị trấn Tam Đảo từ gần 100 năm nay. Nhận thấy nhu cầu giá trị kinh tế mà rau su su đem lại vượt trội so với các loại cây trồng khác, người dân xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo đã tập trung nhân rộng phát triển loại cây trồng này ra toàn xã. Hiện Hồ Sơn có khoảng 1.500 hộ thì có tới hơn 600 hộ trồng rau su su, chiếm tỷ lệ 40%, tổng diện tích hơn 80ha, tập trung nhiều ở các thôn Làng Hà, Đồng Bả, Đồng Thanh. 

Theo tính toán, sau khi trừ chi phí, mỗi sào rau su su đem lại lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng/vụ kéo dài 5 – 6 tháng, cao hơn gấp 5 – 7 lần trồng các loại hoa màu thông thường. Đồng thời, nghề trồng rau su su còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động người già đến trẻ nhỏ làm các công việc như: Thu mua, vận chuyển, phân loại, nhặt rau, đóng gói… với mức thu nhập khá cao. Nhờ vậy, đời sống kinh tế của người dân xã Hồ Sơn được nâng lên rõ rệt, nhất là những thôn trồng nhiều loại cây trồng này. Điển hình như thôn Làng Hà, toàn thôn có 375 hộ thì có tới 15% là hộ giàu, 65% hộ khá, nhiều năm nay thôn không còn hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/người/năm, cao nhất xã. Các hộ dân trong thôn hầu hết đều đã xây dựng được nhà kiên cố theo kiến trúc mới, hiện đại, trong đó có hơn 50 hộ đã mua được ô tô để phục vụ nhu cầu đi lại, kinh doanh, buôn bán.

Đồng chí Lâm Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Hồ Sơn cho biết: “Trong số hơn 80ha su su tại Hồ Sơn thì có 45ha trồng theo tiêu chuẩn VietGap với sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Do áp dụng đúng quy trình sản xuất nên rau su su của Hồ Sơn có đầu ra ổn định và trở thành cây trồng chủ lực của địa phương. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục khuyến khích, đẩy mạnh nghề trồng rau, tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh và huyện, qua đó mở rộng diện tích cây su su trồng theo tiêu chuẩn VietGap để phát triển kinh tế địa phương”.

Hiện nay, toàn huyện có trên 130 ha trồng su su, tập trung ở 2 vùng sản xuất rau su su chuyên canh lớn là ở thị trấn Tam Đảo và vùng các xã ven chân núi. Để tiếp tục phát triển loại cây trồng này, huyện Tam Đảo đã và đang tập trung mở rộng diện tích trồng su su an toàn. Cùng với đó, xây dựng mối liên kết giữa 4 nhà gồm: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà kinh doanh trong việc sản xuất, bao tiêu sản phẩm, hướng tới tiếp tục phát triển thương hiệu rau su su Tam Đảo thực sự trở thành một loại nông sản nổi tiếng trong và ngoài nước, tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế nông thôn.

Nhờ các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của tỉnh được ban hành, nên số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến nhằm nâng cao giá trị nông sản ngày càng nhiều. Đơn cử như Công ty cổ phần chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh, trước đây, nguồn sữa bò ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường đều bán nguyên liệu thô nên giá cả bấp bênh, đặc biệt, thương hiệu sữa của địa phương ít được người dân biết đến do không có thành phẩm. Năm 2021, sau khi Công ty thành lập, sản phẩm sữa Vĩnh Thịnh đã có hướng phát triển mới với quy mô, giá trị cao hơn. Để tạo ra những sản phẩm chế biến từ sữa bò ngay tại địa phương, công ty đã đầu tư cơ sở hạ tầng, dây chuyền, thiết bị đồng bộ, hiện đại với công suất 1.500 – 2.000 tấn sản phẩm sữa/năm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, người nuôi bò trên địa bàn xã có đầu ra sữa tươi ổn định, mang lại thu nhập cao. Quy mô đàn bò sữa của xã không ngừng tăng lên.

Tiếp tục gia tăng giá trị sản phẩm sau chế biến từ sữa bò, mới đây, Công ty cổ phần chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh đầu tư hơn 2 tỷ đồng nâng cấp hệ thống máy thanh trùng, máy đồng hóa sữa công suất 1.000 lít/giờ không chỉ đem lại hiệu suất thanh trùng cao mà còn giữ nguyên được hương vị, dưỡng chất ban đầu của sữa bò tươi.

Bên cạnh đó, công ty cũng đầu tư hệ thống lò hơi đốt than để cung cấp nhiệt cho quá trình thanh trùng, vệ sinh trang thiết bị nhà xưởng thay cho hệ thống thiết bị sử dụng điện, giúp tiết kiệm điện năng và tối ưu hóa trong quá trình sản xuất. Với công nghệ mới này, ngoài tạo ra sản phẩm chất lượng từ sữa bò, tăng mức tiêu thụ sản phẩm sau chế biến mà còn góp phần tăng doanh thu từ 10 – 20%/năm, giảm 35% mức tiêu thụ điện năng.

Hiện nay, các sản phẩm của công ty sau chế biến như sữa tươi thanh trùng không đường, sữa tươi thanh trùng có đường, sữa chua Vĩnh Tường, sữa chua nếp cẩm Vĩnh Tường, sữa chua uống… đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La và thị trường tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.

Xác định việc hình thành các chuỗi liên kết, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt là điều kiện tiên quyết để phát triển khâu chế biến sâu cho các sản phẩm của cây trồng vật nuôi, nhằm ổn định đầu ra, thúc đẩy thị trường tiêu thụ, thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục rà soát, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, sớm trình cấp thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở cho việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung, ngành chế biến nông sản nói riêng. Đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của các nhóm sản phẩm chủ lực cũng như đặc sản, nông sản địa phương theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa. Qua đó, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu, góp phần cải thiện thu nhập và đời sống của người dân.

Theo Khắc Trí - vinhphuc.gov.vn