Thứ Hai, 15/09/2014 8:28:29 (GMT+7)

Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại và thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI

5 năm trở lại đây, suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế. Với Vĩnh Phúc, tỷ trọng công nghiệp chiếm khá lớn nên đã chịu ảnh hưởng khá năng nề. Tuy nhiên, với việc phát huy thuận lợi và từng bước khắc phục khó khăn, tập trung cao độ trong lãnh đạo, chỉ đạo, cùng sự đoàn kết thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh nên tình hình kinh tế vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định và bền vững. Đây là tiền đề quan trọng đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại và thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI . Nhân dịp này, phóng viên Báo Vĩnh Phúc phỏng vấn với ông Nguyễn Kim Khải, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại và thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI

Phòng “Một cửa” - Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Vĩnh Phúc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Xin ông cho biết những thành tựu kinh tế nổi bật của tỉnh trong 5 năm trở lại đây?

Đây là giai đoạn nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn do những diễn biến từ các cuộc khủng hoảng về chính trị, kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực, tình hình về thiên tai, dịch bệnh,… Song nhờ có sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát có hiệu quả của HĐND tỉnh, sự điều hành quyết liệt, tập trung, kịp thời có hiệu quả của UBND tỉnh và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị nên tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh được duy trì, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm (GRDP- giá ss 2010) bình quân giai đoạn 2011-2013 đạt 6,6%/năm, trong đó ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,3%, công nghiệp – xây dựng tăng 8,1%/năm và dịch vụ tăng 4,2%/năm. Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục có được sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Đến năm 2013, giá trị tăng thêm (GRDP) theo giá thực tế bình quân đầu người đạt khoảng 56,0 triệu đồng/người; thu ngân sách đạt trên 19,2 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 15,7 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt trên 1 tỷ USrfD. Sản xuất công nghiệp tiếp tục là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo nguồn thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đóng góp quan trọng cho đảm bảo an ninh lương thực, ổn định an sinh xã hội; chăn nuôi đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại theo phương thức công nghiệp. Khu vực dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu về sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân. Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư có nhiều đổi mới, trong đó đặc biệt chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ; giai đoạn 2011-2013 đã thu hút được 38 dự án đầu tư FDI, số vốn đăng ký 546,6 triệu USD và 86 dự án DDI, số vốn đăng ký gần 9,8 nghìn tỷ đồng…

Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế như thế nào thưa ông?

Giai đoạn này, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do thị trường đầu ra bị thu hẹp, sản lượng hàng tồn kho cao. Nhiều doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư nhưng không đi vào hoạt động sản xuất, một số dự án phải giãn, dừng không thực hiện, đặc biệt, hai tập đoàn Compal (sản xuất máy tính) và tập đoàn Hồng Hải (sản xuất điện thoại di động) đã không tiếp tục đầu tư, kéo theo các công ty vệ tinh của hai tập đoàn này cũng không tiếp tục đầu tư… Vì vậy, nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh đạt thấp so mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011-2015 đã đề ra như tốc độ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là năm 2012 tăng trưởng âm so với năm 2011; quy mô giá trị tăng thêm theo giá thực tế đến năm 2013 đạt 58,4 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 69% kế hoạch 5 năm và ước đến năm 2015 sẽ không đạt mục tiêu 85-86 nghìn tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người theo giá thực tế đến năm 2013 mới chỉ đạt 56 triệu đồng, bằng 75% mục tiêu đề ra đến năm 2015 (là 75 triệu đồng/người/năm). Kim ngạch xuất khẩu ước đến năm 2015 chỉ đạt khoảng 50% mục tiêu 3-3,5 tỷ USD; Huy động vốn đầu tư phát triển ước cả giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt khoảng 59,5% mục tiêu. Thu hút dự án đầu tư FDI không đạt mục tiêu 100 dự án, vốn đăng ký là 1,5 tỷ USD và thu hút 250 dự án DDI,…

Trước khó khăn trên, tỉnh đã chủ động khắc phục khó khăn như thế nào?

Vĩnh Phúc đã chủ động, vận dụng một cách sáng tạo, khoa học và cụ thể hóa tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tập trung thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, triển khai nhiều biện pháp để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, duy trì bộ phận một cửa, một cửa liên thông ở các sở, ngành, cấp huyện; thành lập Ban Hỗ trợ và Xúc tiến đầu tư nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục; vận hành Cổng thông tin đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền để kịp thời giải đáp các câu hỏi, kiến nghị của doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư, kiên quyết thu hồi đối với các dự án chậm tiến độ, không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích thuê đất để giải quyết cho những doanh nghiệp có nhu cầu thiết thực. Quan tâm đến công tác đào tạo nghề theo hướng chuyển sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của người lao động và yêu cầu của thị trường…

Với chính sách cụ thể, rõ ràng và một thông điệp gần gũi “Các nhà đầu tư đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc”, trong bối cảnh khó khăn của suy thoái kinh tế, Vĩnh Phúc vẫn được coi là một điểm đến đầu tư khá hấp dẫn.

Việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI đã tác động như thế nào đến nhịp độ tăng trưởng của tỉnh thưa ông?

Khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có xu hướng giảm, ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của môi trường đầu tư và kinh doanh trên địa bàn tỉnh, ngay từ đầu năm 2013, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, đặc biệt là cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Phúc. UBND tỉnh đã ban hành Đề án cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Phúc giai đoạn 2013 – 2015 và có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện cụ thể; Ban hành một số cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án… Với việc triển khai quyết liệt các giải pháp trên, đến cuối năm 2013, chỉ số PCI của tỉnh đã tăng 17 bậc và xếp hạng 26/63 tỉnh thành. Điều này cho thấy chất lượng điều hành kinh tế xã hội của tỉnh đã có những cải thiện đáng ghi nhận, môi trường đầu tư của tỉnh đã được cải thiện một cách đáng kể. Sau 7 tháng năm 2014, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 47 dự án đầu tư, trong đó có 22 Dự án DDI với tổng vốn đăng ký 3.825,27 tỷ đồng (trong đó có 1.490,3 tỷ đồng của 05 dự án tăng vốn) so với cùng kỳ đạt 157,1% về số dự án và bằng 65,2% về vốn đầu tư; và 241,1 triệu USD của 25 dự án FDI (trong đó có 36,7 triệu USD của 04 lượt dự án tăng vốn) so với cùng kỳ bằng 192% về số dự án và bằng 131% về vốn đầu tư. Lũy kế đến hết tháng 7 năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 719 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 165 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 2.989 triệu USD và 554 dự án DDI với tổng vốn đăng ký 35.079 tỷ đồng.

Những bài học kinh nghiệm rút ra trong lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế của tỉnh?

Một là, phải tạo được sự đoàn kết nhất trí trong công tác lãnh, chỉ đạo và sự đồng thuận của nhân dân. Xây dựng được chiến lược lâu dài, phải xác định rõ nhiệm vụ cụ thể cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong từng giai đoạn, từng năm để tạo bước đột phá cho sự phát triển. Vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào địa phương, đồng thời tranh thủ tốt sự ủng hộ của Trung ương, của Chính phủ và các bộ, ngành.

Hai là, phải quan tâm đến quy hoạch, đây là vấn đề có tính chiến lược, là gốc, giúp cho sự định hướng phát triển của tỉnh, do đó phải quản lý, giám sát quy hoạch chặt chẽ, nâng cao chất lượng quy hoạch, thực hiện đầu tư theo quy hoạch, thường xuyên nghiên cứu điều chỉnh để làm tiền đề cho sự phát triển tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Đồng thời, phải làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư.

Ba là, biết khai thác và phát huy lợi thế, tiềm năng của tỉnh. Đổi mới các hoạt động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, có kế hoạch cụ thể, rõ ràng. Đẩy mạnh cải cách hành chính và xác định đây là khâu đột phá để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nguồn lực. Phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn nhằm thu hút hiệu quả vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Bốn là, đảm bảo giữ tốc độ tăng trưởng ở mức hợp lý, đi kèm với giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, giảm dần bất bình đẳng về thu nhập, bảo tồn các giá trị truyền thống và thân thiện với môi trường.

Năm là, trong thu hút đầu tư phải lựa chọn các dự án đầu tư ưu tiên những ngành công nghệ cao, chế tạo cơ khí, công nghiệp phụ trợ; phải xem xét kỹ năng lực của các nhà đầu tư, tránh việc quan tâm đến số lượng dẫn đến việc không tiết kiệm quỹ đất, công nghệ gây ô nhiễm môi trường và dự án chậm triển khai, sử dụng đất không đúng mục đích, không hiệu quả.

Sáu là, trong công tác bồi thường GPMB phải có sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên và sự phối hợp kịp thời, có hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành và các cơ quan đoàn thể.

Mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế trong 5 năm tới là gì thưa ông?

Với mục tiêu, tiếp tục nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa- xã hội; đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo; đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; huy động sức mạnh tổng hợp hướng tới mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI. Trên cơ sở các mục tiêu trên tỉnh đã đề ra một số giải pháp chủ yếu:

+ Thứ nhất, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các chính sách của tỉnh về phát triển kinh tế, nhất là Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020 của tỉnh; Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030; Văn kiện Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI; Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 04/11/2011 của Tỉnh ủy về phát triển dịch vụ, du lịch giai đoạn 2011-2020; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 14/1/2013 về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020…

+ Thứ hai, thực hiện tốt các nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh….

+ Thứ ba, đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình trọng điểm để tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội

+ Thứ tư, nâng cao chất lượng các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm. Đẩy mạnh xuất khẩu lao động, trong đó tập trung vào thị trường mới, có tiềm năng, an toàn và có thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… Tăng cường hỗ trợ trực tiếp tạo việc làm thông qua cho vay vốn từ Quỹ quốc gia

+ Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình cải cách hành chính của tỉnh đến năm 2020. Từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện tốt việc phân cấp, làm rõ chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, cá nhân, đặc biệt là của người đứng đầu.

+ Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tập trung giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo của công dân, không để xảy ra các điểm nóng tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội. Tích cực triển khai phòng chống tham nhũng, xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Bảo đảm ổn định và trật tự an toàn xã hội.

Theo Văn Cường - Báo Vĩnh Phúc