Nỗ lực giải phóng mặt bằng, tạo đột phá trong thu hút đầu tư
Xác định công tác giải phóng mặt bằng là khâu then chốt, tạo đột phá trong thu hút đầu tư, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm tạo quỹ đất sạch, xây dựng hạ tầng, đưa các khu công nghiệp sớm đi vào hoạt động.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Sông Lô I được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 387/QĐ-TTg, giao Công ty TNHH Đầu tư Phát triển hạ tầng Sông Lô làm chủ đầu tư với tổng số vốn đầu tư hơn 1.250 tỷ đồng. Dự án có quy mô sử dụng đất hơn 177,36 ha, thuộc địa phận các xã: Tứ Yên, Đồng Thịnh và Đức Bác, huyện Sông Lô. Với quyết tâm sớm đưa các dự án đi vào hoạt động để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đầu năm 2023, UBND huyện Sông Lô đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sông Lô lập phương án, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể để vận động người có đất bị thu hồi chấp hành chủ trương, bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Theo đó, thời gian qua, Ban đã tập trung tối đa nhân lực, đẩy nhanh tiến độ kiểm kê, rà soát hồ sơ, lập phương án thẩm định, phê duyệt đối với phần đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với chính quyền các xã, chủ đầu tư có cơ chế chính sách linh hoạt, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong công tác giải phóng mặt bằng. Đến nay, toàn bộ diện tích 177,36 ha của Khu công nghiệp Sông Lô I đã quy chủ xong 138 ha; đã kiểm kê vào biên bản được 113,5ha; lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng công khai 85,6 ha; hoàn thành xong hồ sơ giao cơ quan chuyên môn xem xét thẩm định được 43 ha.
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sông Lô Nguyễn Thế Phương cho biết: Dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, song quá trình thực thi vẫn gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại. Nguyên nhân là do tài liệu hồ sơ địa chính, bản đồ các xã đang sử dụng trước đây chưa chính xác, công tác lưu trữ tài liệu chưa đầy đủ, việc chỉnh lý biến động về đất đai không kịp thời dẫn đến việc xác định nguồn gốc đất theo quy định chậm, chưa kịp thời. Khu vực dự án Khu công nghiệp Sông Lô I chủ yếu đồng chiêm trũng diện tích nhỏ lẻ không có bờ cõi, nước ngập sâu, trong bản đồ thu hồi đất và quy chủ, đa số diện đơn vị tư vấn không xác định được chủ sở hữu nên xác định mất rất nhiều thời gian. Mặt khác, nhiều diện tích của các hộ dân cùng một thửa nằm trong cả Nhà máy nước Phú Bình và khu công nghiệp, người dân yêu cầu phải thu hồi hết mới đồng ý đã gây khó khăn cho việc thực hiện. Bên cạnh đó, 2 khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng tại khu công nghiệp này hiện chưa triển khai do chưa bố trí được vốn.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc và đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân có đất thu hồi, đến nay, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng Dự án Khu công nghiệp Tam Dương I – Khu vực 2 đạt gần 52%. Trên khu đất được giao, chủ đầu tư dự án đang triển khai san lấp mặt bằng, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp. Vốn đầu tư thực hiện đến tháng 10/2023 đạt khoảng 14 tỷ đồng. Theo dự kiến, dự án sẽ đi vào hoạt động trong quý III/2024, tuy nhiên, một số vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đang gây ảnh hưởng đến tiến độ chung triển khai thực hiện dự án.
Ông Hồ Văn Việt, Giám đốc Dự án Khu công nghiệp Tam Dương I – Khu vực 2 cho biết: Tính đến hết tháng 10/2023, Tập đoàn Sơn Hà đã chuyển kinh phí cho Hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng huyện Tam Dương để chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 100 ha. Để tăng tốc thực hiện xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Tam Dương I – Khu vực 2, Tập đoàn Sơn Hà tiếp tục phối hợp với UBND huyện Tam Dương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là thường xuyên đối thoại trực tiếp với người dân để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân khi bị thu hồi đất.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 19 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 5.487 ha. Thời gian qua, mặc dù tỉnh rất quan tâm đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các khu công nghiệp, song đến nay, vẫn còn tới 12 khu công nghiệp đang thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Thậm chí, một số khu công nghiệp đã triển khai, đi vào hoạt động nhiều năm nhưng vẫn còn diện tích đất chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng xong để tiếp tục triển khai dự án theo quy hoạch được phê duyệt. Cùng với đó là nhiều vụ việc tồn tại kéo dài chưa được giải quyết triệt để dẫn đến thiếu quỹ đất sạch với đầy đủ cơ sở hạ tầng để thu hút thêm các đầu tư.
Trước những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất thực hiện dự án hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp. Các cấp, ngành phải có quyết tâm, trong đó, thực hiện tốt 8 nhiệm vụ giải pháp Nghị quyết số 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện các biện pháp đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh; cần xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nhất là chính quyền địa phương, trong đó, trách nhiệm chính thuộc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu doanh nghiệp. Các chủ đầu tư khu công nghiệp, các cơ quan thực hiện đầy đủ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ UBND tỉnh đã chỉ đạo giao nhiệm vụ.
Đối với những vướng mắc liên quan đến đầu tư xây dựng dự án tái định cư, giao đất tái định cư, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh giải quyết vướng mắc về chênh lệch giá đất tái định cư và giá đất ở thu hồi của các dự án trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, yêu cầu Quỹ Phát triển đất tỉnh khẩn trương ứng vốn cho các địa phương để bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng khu tái định cư, khu nghĩa trang phục vụ giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp. Trước mắt, ứng vốn ngay cho UBND các huyện Tam Đảo, Bình Xuyên, Lập Thạch, Sông Lô thực hiện các dự án tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp: Bá Thiện II, Thái Hòa – Liên Hòa – Liễn Sơn, Tam Dương II – Khu A, Sông Lô I. Về xác định giá thuê đất của các khu công nghiệp, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành việc xác định giá thuê đất của các khu công nghiệp: Tam Dương I – Khu vực II, Sông Lô II, Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa. Trong trường hợp phải thực hiện bảo vệ thi công và cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc để giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh và các sở, ngành liên quan tăng cường phối hợp, hỗ trợ các địa phương.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh