Nỗ lực cải thiện chỉ số Tiếp cận đất đai, nâng sức hút với nhà đầu tư
Xác định Tiếp cận đất đai là chỉ số quan trọng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điểm đến hấp dẫn, tin cậy cho nhà đầu tư, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung cải cách thủ tục hành chính về đất đai theo hướng đơn giản hóa, công khai, minh bạch, chủ động điều tiết quỹ đất, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp cận đất đai, triển khai dự án.
Nếu như năm 2021, Tiếp cận đất đai là một trong những chỉ số được cải thiện tốt nhất của tỉnh khi tăng đến 54 bậc và xếp ở vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố thì đến năm 2022, chỉ số này có sự sụt giảm đáng kể, chỉ xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố với 6,99 điểm, giảm 0,57 điểm và giảm 24 bậc so với năm 2021, không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Theo nhận định của các ngành chức năng, nguyên nhân sụt giảm chỉ số Tiếp cận đất đai của tỉnh có phần do yếu tố khách quan. Hiện, đơn giá bồi thường của tỉnh còn thấp hơn rất nhiều so với Hà Nội, cơ chế, chính sách và đơn giá bồi thường, hỗ trợ còn nhiều bất cập, gây khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, chính sách, pháp luật về đất đai thay đổi nhiều qua các thời kỳ, nguồn gốc đất do lịch sử để lại rất phức tạp. Công tác xác định giá đất, giá tài sản trên đất phục vụ công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập về thời gian thực hiện, đơn giá để tính bồi thường, dẫn đến người dân có đất thu hồi không đồng thuận. Mặt khác, sự vào cuộc của các cấp chính quyền có nơi, có lúc chưa được quyết liệt; công tác quản lý đất đai tại một số địa phương còn buông lỏng, hồ sơ quản lý đất đai thiếu đồng bộ, không có đủ hồ sơ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có ranh giới rõ ràng, qua nhiều chủ sử dụng đất…
Để khắc phục những hạn chế, tích cực khơi thông nguồn lực đất đai, tạo đòn bẩy thu hút đầu tư, đầu năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 03 quy định đơn giá bồi thường, hỗ trợ đối với cây trồng và vật nuôi là thủy sản phục vụ công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh năm 2023; ủy quyền cho UBND cấp huyện thực hiện một số công việc trong xác định giá cụ thể để tính bồi thường cho một số dự án khi Nhà nước thu hồi đất. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các huyện, thành phố giải quyết 32 vụ việc vướng mắc cụ thể, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng tại Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc; các khu công nghiệp: Nam Bình Xuyên, Tam Dương II cùng một số dự án tại huyện Tam Dương, thành phố Phúc Yên…
Năm 2023, huyện Yên Lạc có 24 công trình dự án (bao gồm cả công trình mới và chuyển tiếp) phải giải phóng mặt bằng với tổng diện tích 90 ha, trong đó có nhiều dự án lớn, quan trọng mà huyện ký cam kết thực hiện với Tỉnh ủy như: Cụm công nghiệp Trung Nguyên; Cụm công nghiệp làng nghề Đồng Văn; Dự án đường trục Bắc Nam đô thị Vĩnh Phúc đoạn từ Quốc lộ 2A tránh thành phố Vĩnh Yên đến đường vành đai 4… Đến thời điểm hiện tại, địa phương đã thực hiện xong hơn 117 ha, đạt 130% so với kế hoạch. Công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng bảo đảm đúng quy trình, chính sách quy định của Nhà nước; việc tổ chức thanh toán chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng kịp thời, đúng đối tượng.
Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng và Phát triển quỹ đất huyện Yên Lạc Phạm Văn Hùng cho biết: Có được kết quả này nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự phối hợp kịp thời của các ban, ngành, đoàn thể trong việc tháo gỡ khó khăn, tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu, đồng thuận với chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng như ý nghĩa của việc triển khai các dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Hằng tuần, hằng tháng, Chủ tịch UBND huyện nghe cơ quan, đơn vị chuyên môn báo cáo tiến độ kết quả cũng như các khó khăn vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, vận dụng linh hoạt, đầy đủ các cơ chế, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định. Cùng với đó, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm đếm, quy chủ, lập phương án bồi thường, thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với các hộ cố tình chây ỳ, không chấp hành các quy định của Nhà nước về công tác giải phóng mặt bằng; công khai, minh bạch mọi thủ tục, đơn giá, chính sách liên quan đến quyền lợi của người dân bị thu hồi đất theo quy định.
Trong bối cảnh Vĩnh Phúc đang tập trung thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có tiềm lực, đủ khả năng thực hiện các dự án lớn, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai; tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đầu tư cơ sở dữ liệu đất đai để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, minh bạch quy trình giải quyết, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, quy trình thực hiện. Đối với UBND các huyện, thành phố, tiếp tục tăng cường công tác vận động, tuyên truyền chính sách pháp luật về đất đai đến người dân có đất thu hồi, trong đó nêu cao vai trò công tác “dân vận khéo” của các tổ chức đoàn thể chính quyền địa phương. Đồng thời, chủ động phối hợp với chủ đầu tư trong việc xây dựng kế hoạch, quy trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và chủ động giải quyết vướng mắc ngay trong quy trình thực hiện; tăng cường bố trí cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; giải quyết thỏa đáng, kịp thời đối với các trường hợp khiếu nại, tố cáo để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng, tạo lập trái phép tài sản xây dựng, vật nuôi và cây trồng trên đất nhằm mục đích trục lợi khi Nhà nước thu hồi đất; thực hiện nghiêm việc cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất và bảo vệ thi công đối với các trường hợp cố tình chống đối, không chấp hành Quyết định thu hồi đất của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Phấn đấu chỉ số Tiếp cận đất đai năm 2023 nằm trong top 10 các tỉnh, thành trong cả nước, góp phần đưa Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thăng hạng.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh