Thứ Tư, 03/08/2016 14:33:27 (GMT+7)

Nhiều doanh nghiệp CHLB Đức quan tâm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và tỉnh Vĩnh Phúc

Thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư tại Cộng hòa liên bang Đức, từ ngày 27/7 đến ngày 30/7/2016, đoàn công tác của tỉnh Vĩnh Phúc do Đồng chí Nguyễn Văn Trì – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã thực hiện một số hoạt động xúc tiến đầu tư tại thủ đô Berlin và thành phố Frankfurt, Cộng hòa liên bang Đức.

Nhiều doanh nghiệp CHLB Đức quan tâm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và tỉnh Vĩnh Phúc

Đồng chí Nguyễn Văn Trì - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi tọa đàm "Gặp gỡ Vĩnh Phúc" tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Đức.

Phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, chiều ngày 29/7/2016, đoàn công tác đã tổ chức buổi tọa đàm “Gặp gỡ Vĩnh Phúc” tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam. Tham dự hội thảo có Đồng chí Đoàn Xuân Hưng – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Đức; Ông Daniel Müller – Giám đốc khu vực Đông Nam Á, thuộc Hiệp hội các doanh nghiệp Liên bang Đức tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Berlin; Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Berlin, cùng nhiều doanh nghiệp Đức tại thủ đô Berlin và địa phương lân cận.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng tóm tắt quan hệ giữa Đức và Việt Nam trong thời gian vừa qua. Đại sứ cho biết: Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở Châu Âu, chiếm khoảng 19% xuất khẩu của Việt Nam sang EU và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hoá Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Trong những năm trở lại đây, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng gấp đôi, từ 4,1 tỷ USD năm 2010 lên 7,8 tỷ USD năm 2014. Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất sang Đức là giày dép, dệt may, cà phê hạt, đồ gỗ, thủy sản, đồ da, điện tử. Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp của Đức vào Việt Nam còn khiêm tốn, hiện mới đạt 1,41 tỷ USD, đứng thứ 5 trong Liên minh châu Âu. Đặc biệt, trong hơn 3,45 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh Vĩnh Phúc, số vốn đầu tư của Đức chỉ chiếm 250.000 USD, một con số còn rất nhỏ so với khả năng của các nhà đầu tư Đức.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì – Trưởng đoàn công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh đã giới thiệu khái quát về tỉnh Vĩnh Phúc, cơ hội đầu tư, chính sách ưu đãi tới các doanh nghiệp khách mời của Hội thảo. Đồng chí cũng nhấn mạnh những lợi thế của tỉnh về vị trí địa lý, nguồn lao động dồi dào, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và đặc biệt là cam kết mạnh mẽ trong hỗ trợ đầu tư của lãnh đạo tỉnh. Ngoài mục tiêu thu hút các dự án đầu tư trực tiếp, tỉnh Vĩnh Phúc còn mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức của Đức trong nhiều lĩnh vực khác như: xử lý chất thải rắn, nước thải, chuyển giao công nghệ và đào tạo nghề…

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Hạnh – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc (IPA Vinh Phuc) đã phân tích 6 điểm thuận lợi về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, nhấn mạnh các chính sách thu hút đầu tư và hỗ trợ của tỉnh Vĩnh Phúc đối với các nhà đầu tư, đồng thời giới thiệu cụ thể những ngành, lĩnh vực, dự án mà tỉnh Vĩnh Phúc đang mời gọi đầu tư.

Đại diện cho các tổ chức, doanh nghiệp Đức tham dự tọa đàm, Ông Daniel Müller cảm ơn UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp Đức tham dự buổi tọa đàm về cơ hội đầu tư, hợp tác tại Vĩnh Phúc. Ông Müller cho biết, Hiệp hội các doanh nghiệp Liên bang Đức tại khu vực Châu Á – Thái bình dương (OAV) là tổ chức hàng đầu của Cộng hòa liên bang Đức trong việc kết nối cơ hội hợp tác đầu tư – kinh doanh trên khu vực Châu Á – Thái Bình dương. Hiệp hội có trụ sở tại thành phố Hamburg, hiện là mái nhà chung cho hơn 500 doanh nghiệp Đức. Theo đánh giá của OAV, Việt Nam hiện là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp trong hiệp hội bởi những lợi thế cạnh tranh về vị trí địa lý quan trọng, môi trường kinh doanh đầu tư cởi mở, thông thoáng,… Đặc biệt, trong số 63 tỉnh, thành trên cả nước, OAV đặc biệt đánh giá cao Vĩnh Phúc. Theo ông Müller, những thông tin về tỉnh Vĩnh Phúc được các doanh nghiệp thành viên của OAV đánh giá rất cao, đặc biệt là về vị trí địa lý thuận lợi, cận kề với sân bay quốc tế Nội Bài cùng nguồn lao động trẻ.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết, đối tượng phù hợp để đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc không phải các tập đoàn lớn mà tỉnh nên tập trung tiếp cận các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Ngoài ra, thông tin về các lĩnh vực đầu tư trên địa bàn tỉnh cần phải cụ thể hơn nữa, đáp ứng được yêu cầu trao đổi thông tin của doanh nghiệp.

Hai bên cũng trao đổi nhiều về các vấn đề cùng quan tâm như: quy định của nhà nước Việt Nam về đầu tư, hợp tác về đào tạo nghề, cử lao động sang CHLB Đức học nghề điều dưỡng viên, công nghiệp phụ trợ, xử lý chất thải rắn,… Kết thúc hội thảo, Ông Daniel Müller cho biết sẽ tới thăm Vĩnh Phúc trong thời gian gần nhất để tìm hiểu cụ thể hơn về cơ hội đầu tư kinh doanh.

Đoàn công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc chụp ảnh lưu niệm với các doanh nghiệp Đức tại Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Frankfurt.

Đoàn công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc chụp ảnh lưu niệm với các doanh nghiệp Đức tại Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Frankfurt.

Trước đó, ngày 27/7/2016, đoàn công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc đã có buổi làm việc với 02 doanh nghiệp Đức tại Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Frankfurt về dự án sản xuất vật liệu mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì đánh giá cao ưu việt của công nghệ vật liệu mới mà nhà đầu tư Đức giới thiệu, vật liệu nhẹ và có khả năng chống cháy cao, sử dụng trong thi công dân dụng, làm đường và trong lĩnh vực quân sự. Theo lời mời của Chủ tịch UBND tỉnh, 2 doanh nghiệp sẽ có chuyến công tác sớm nhất trong tháng 9/2016 đến Vĩnh Phúc để khảo sát kỹ hơn trước khi đưa ra quyết định đầu tư./.

Tiến Việt - IPA Vinh Phuc