Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp
Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân. Trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, bên cạnh triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đã tập trung rà soát quy hoạch, dồn ghép, tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế từng vùng, từng địa phương và nhu cầu thị trường tiêu thụ. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm.Từ năm 2016 – 2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi được trên 7.500 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau, củ, quả cho hiệu quả kinh tế cao; xây dựng hơn 1.300 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm quy mô lớn và sản xuất nhỏ lẻ; hình thành một số vùng sản xuất rau, quả an toàn thực phẩm theo quy trình VietGAP và đưa một số sản phẩm có thương hiệu xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, góp phần tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác lên 140 triệu đồng/ha, tăng khoảng 5,9% so với năm 2015.
Đặc biệt năm 2020, trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và diễn biến bất thường của thời tiết, tỉnh đã dành kinh phí hỗ trợ hơn 11.000 ha giống lúa chất lượng cao, hỗ trợ chi phí sản xuất cho 2.100 ha rau, củ, quả an toàn theo VietGAP và hơn 400 máy sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân. Đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi nhân giống lợn ngoại, bò thịt, bò sữa chất lượng cao; hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với đàn trâu, bò cho các hộ nông dân thuộc 8 huyện, thành phố; hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học với tổng kinh phí 35 tỷ đồng. Nhờ đó, năm 2020, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 145 triệu đồng/ha, thu nhập đạt 65 triệu đồng/ha.
Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn như: Vùng rau, quả an toàn theo quy trình VietGAP tại các huyện: Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch; chăn nuôi ở Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Tam Đảo; mô hình chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ rau, quả an toàn, rau quả sạch. Trong đó, đã có một số sản phẩm mang thương hiệu và được xuất khẩu như: Thanh long ruột đỏ, trà hoa vàng, ớt, chuối tiêu hồng… Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi an toàn sinh học cho thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm.
Với mục tiêu tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1,5% trong năm 2021, thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ khí hoá nông nghiệp, sản xuất hàng hoá gắn kết với thị trường, chế biến và xuất khẩu, nâng cao thu nhập và đời sống người dân vùng nông thôn. Huy động nguồn lực để chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ. Đồng thời, khai thác tối đa cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, tạo điều kiện xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực; tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp. Nghị quyết 87 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 được ban hành cuối năm 2019 và Nghị quyết số 20 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2025 ban hành cuối năm 2020 sẽ tiếp tục tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng là sẽ là cú hích lớn trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh