Nhật Bản – Đối tác đầu tư chiến lược của Việt Nam
Nhật Bản là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới, nhưng Nhật Bản là một trong những quốc gia có công nghệ cao hàng đầu trên thế giới. Cho đến nay, Việt Nam đang nhận được sự hỗ trợ rất to lớn và toàn diện của chính phủ, các bộ, ngành và nhân dân Nhật Bản.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong Quý I năm 2013 đã có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,159 tỷ USD, chiếm 52,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam (Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,278 tỷ USD, chiếm 37,8% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 156,99 triệu USD, chiếm 2,6% tổng vốn đầu tư)
Như vậy, tính đến ngày 20/3/2013, Nhật Bản vẫn là quốc gia đứng trong top đầu tư về số dự án đầu tư tại Việt Nam (1.900 dự án) và đứng đầu về số vốn đăng ký đầu tư (31,8 tỷ USD).
Tại Vĩnh Phúc, các dự án của Nhật Bản đóng góp vai trò hết sức quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong những năm qua. Trong số 122 dự án FDI của các nhà đầu tư từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ, Nhật Bản có số vốn đầu tư lớn thứ hai (669 triệu USD) với 19 dự án. Nhật Bản là quốc gia đầu tiên có dự án đầu tư vào Vĩnh Phúc (Công ty Toyota và Honda Việt Nam) và đã đặt nền tảng cho sự phát triển ngành công nghiệp ô tô, xe máy trên địa bàn tỉnh. Các dự án Nhật Bản đều hoạt động kinh doanh có hiệu quả và tuân thủ các quy định của Chính phủ Việt Nam. Ước quý I/2013, doanh thu của các dự án Nhật Bản đạt 1.037,11 triệu USD, giá trị hàng xuất khẩu đạt 45,35 triệu USD, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 22.537,58 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 3.104,06 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 3 năm 2013, tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được 122 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt gần 2,5 tỷ USD, Vốn thực hiện lũy kế đến tháng 3 năm 2013 đạt hơn 1,17 tỷ USD.
Tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang tập trung nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, triển khai thực hiện nhiều giải pháp đột phá nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút nguồn vốn FDI, trong đó có Nhật Bản – đối tác đầu tư chiến lược của tỉnh./.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh