Thứ Sáu, 14/05/2021 20:36:55 (GMT+7)

Nghiên cứu đầu tư hạ tầng kết nối thủ đô Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc

Một trong những nguyên tắc quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững là phải đảm bảo việc kết nối hạ tầng, tạo sự liên kết, phát triển hài hòa, đồng bộ mọi lĩnh vực, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Nghiên cứu đầu tư hạ tầng kết nối thủ đô Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc

Quốc lộ 2A qua huyện Bình Xuyên (Ảnh: vnexpress.net)

Nhận thấy rõ tầm quan trọng và tính cấp thiết trong việc đầu tư hạ tầng kết nối thủ đô Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 13/5/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Văn bản số 3494/UBND-CN1 về việc đề nghị nghiên cứu đầu tư hạ tầng kết nối Thủ đô Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc gửi đến Thành ủy thành phố Hà Nội.

Căn cứ vào chiến lược phát triển hạ tầng của thành phố Hà Nội; quan điểm chỉ đạo về đầu tư kết nối hạ tầng đô thị ở Vĩnh Phúc được đưa ra trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 – 2025) và thực tế xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, đặc biệt là kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vận tải ở Vĩnh Phúc; UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị thành phố Hà Nội quan tâm đầu tư các công trình giao thông trong giai đoạn 2021 – 2025 để kết nối với hạ tầng giao thông phía tỉnh Vĩnh Phúc đang nghiên cứu và thực hiện đầu tư, cụ thể:

  • Đầu tư cầu Trung Hà (cầu Vân Phúc) kết nối với tuyến đường trục Bắc – Nam đô thị Vĩnh Phúc của tỉnh Vĩnh Phúc;
  • Đầu tư mở rộng giai đoạn 2 đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh đoạn thuộc thành phố Hà Nội, và kéo dài đầu tư tuyến từ Bắc Thăng Long – Nội Bài đến đường Nhật Tân – Nội Bài;
  • Đầu tư mở rộng tuyến đường thuộc huyện Sóc Sơn theo quy hoạch của thành phố Hà Nội, kết nối với tuyến đường từ Đại Lải, thành phố Phúc Yên đến Sóc Sơn đang được tỉnh Vĩnh Phúc nghiên cứu đầu tư;
  • Đầu tư đường vành đai 3 – Hà Nội, đoạn song song đường sắt Hà Nội – Lào Cai đến hết địa phận giáp ranh với Vĩnh Phúc, để tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư các tuyến kết nối.

Mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế xã hội, việc đầu tư hạ tầng giao thông phải được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Tỉnh Vĩnh Phúc rất mong nhận được sự quan tâm của thủ đô Hà Nôi đến những đề xuất đã nêu, để sớm kết nối hạ tầng giao thông hình thành liên kết kinh tế vùng giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở hai địa phương nói riêng và của cả nước nói chung./.

Nguyễn Thị Huyền Trang