Ngành Thuế đồng hành cùng doanh nghiệp
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do tác động của suy thoái kinh tế thế giới và trong nước song đại đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì được mức tăng trưởng và chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế, góp phần đưa tổng thu NSNN năm 2014 của tỉnh vượt ngưỡng 20 nghìn tỷ đồng và còn có thể đạt cao hơn trong năm 2015. Đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt chặng đường nhiều thử thách, Ngành Thuế Vĩnh Phúc đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi tối đa, giúp doanh nghiệp, doanh nhân và người nộp thuế thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình.
Năm 2014, thu NSNN của tỉnh Vĩnh Phúc vượt mốc 20 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 7 cả nước về tổng thu, thứ 2 miền Bắc về thu nội địa và ước đến năm 2015 tổng thu đạt 22,1 nghìn tỷ đồng (riêng khu vực FDI đạt 17,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,8% tổng thu), bình quân giai đoạn 2011 – 2015 tăng 7,6%/năm, trong đó, thu nội địa tăng 12,1%/năm; riêng thu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,3%/năm. Tỷ lệ thu ngân sách Nhà nước/GRDP bình quân đạt 30,2%, vượt mục tiêu đề ra… Những con số ấn tượng liên tục được thiết lập và cán mốc mới đã góp phần tạo nên một Vĩnh Phúc “Tên tuổi” trong bảng xếp hạng và minh chứng về sự nỗ lực, quyết tâm của mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương và toàn thể các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, trong đó có sự góp sức tích cực của Ngành Thuế.
Có thể khẳng định, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Tổng cục Thuế, Cục Thuế Vĩnh Phúc liên tục đạt được những thành công. Với bộ máy trên 500 cán bộ, trải đều ở khắp các chi cục và đơn vị trực thuộc, Cục Thuế Vĩnh Phúc đang thực hiện công tác quản lý thu đối với gần 4.900 doanh nghiệp hoạt động thường xuyên và trên 10.000 hộ kinh doanh cá thể (trong đó có hơn 3.600 hộ thuộc diện nộp thuế), trên 270.000 hộ nộp thuế phi nông nghiệp và hơn 420.000 tổ chức, cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân. Đây là một áp lực khá lớn về con người, cường độ làm việc trong điều kiện số lượng người nộp thuế gia tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Xác định được những khó khăn đó, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, Ngành Thuế Vĩnh Phúc xây dựng đội ngũ công chức, viên chức theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong giai đoạn mới.
Ngành Thuế đã chủ động, sáng tạo, triển khai nhiều chương trình, nhiều nhóm giải pháp nhằm hướng tới một môi trường quản lý minh bạch, trên cơ sở đổi mới, thân thiện và cởi mở; đặc biệt là tạo ra được tiếng nói chung để đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp. Việc thực hiện chương trình cải cách hành chính thuế, trong đó có nộp thuế điện tử của Cục Thuế được tỉnh chọn là một trong ba đơn vị thực hiện thí điểm và tạo được thành công, được đánh giá cao và tạo được lòng tin đối với doanh nghiệp cũng như người nộp thuế. Đây cũng là bước đột phá của Ngành Thuế trong công cuộc hiện đại hóa, cải cách công tác thuế. Với phần mềm quản lý tập trung TMS, bao trùm toàn bộ các khâu quản lý thuế như: Đăng ký, quản lý hồ sơ, kế toán, quản lý nợ…, TMS được triển khai đồng bộ, thống nhất trong toàn Ngành Thuế, tạo ra một hệ thống liên kết chặt chẽ, đạt hiệu quả cao.
Hệ thống nộp thuế điện tử giúp cho doanh nghiệp nộp thuế ở mọi lúc, mọi nơi. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp không bị hạn chế bởi không gian cũng như thời gian trong việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho NSNN. Tính đến thời điểm 15/7/2015, toàn tỉnh đã có 3.481/3.814 doanh nghiệp đăng ký tham gia nộp thuế điện tử, đạt 91,27% (vượt chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao); trong đó có 815 lượt giao dịch nộp tiền vào NSNN với tổng số tiền thông qua hình thức này là 104,2 tỷ đồng. Ngoài ra, các đơn vị quản lý thu cũng như các bộ phận thực hiện các chức năng hỗ trợ, tuyên truyền kịp thời và đầy đủ các chủ trương, chính sách mới về thuế đến doanh nghiệp; mở rộng các kênh tư vấn, hỗ trợ chính sách và giải quyết những vướng mắc phát sinh; tiếp nhận và giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính thuế.
Cùng với việc ứng dụng khoa học công nghệ, cải cách hành chính thuế theo cơ chế “Một cửa”, những năm qua, Cục Thuế Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao trình độ, năng lực và đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành. Ngoài trình độ, năng lực được tuyển chọn từ khâu đầu vào chặt chẽ, đội ngũ cán bộ Thuế thường xuyên được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng quản lý, văn hóa giao tiếp, ứng xử…, để có phương pháp làm việc chuyên nghiệp, khoa học, đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ và nhu cầu của người nộp thuế.
Tiếp tục góp phần huy động nguồn lực cho việc phát triển KT- XH của tỉnh, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, doanh nhân tăng cường đầu tư vào Vĩnh Phúc, phát triển SXKD, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, tăng nguồn thu cho NSNN, Ngành Thuế đang và sẽ tiếp tục có những bước đi chiến lược để nâng cao công tác điều hành, quản lý thu theo hướng chuyên sâu và hiện đại; tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện tốt chính sách thuế và giảm chi phí quản lý cho cơ quan Thuế, góp phần nâng cao năng lực chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh và thu NSNN trên địa bàn; đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trình đổi mới theo hướng CNH – HĐH đất nước.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh