Thứ Hai, 18/11/2013 7:57:52 (GMT+7)

Ngành may mặc Vĩnh Phúc đối mặt không ít khó khăn

Là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của tỉnh, trong bối cảnh tiêu dùng vẫn đang khá ảm đạm, xuất khẩu may mặc trở thành ngành có nhiều khởi sắc khi đơn hàng các doanh nghiệp nhận được đều gia tăng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là tình trạng bị phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên, phụ liệu sản xuất, thiếu lao động tay nghề và trình độ công nghệ – kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu… đã khiến cho không ít doanh nghiệp(DN) trong ngành lo lắng trước nguy cơ bị “vỡ” đơn hàng, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của may mặc Vĩnh Phúc.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực tế cho thấy, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), ngành may mặc Việt Nam nói chung và may mặc Vĩnh Phúc có nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ, thông tin, các dịch vụ cũng như phát triển mở rộng quy mô sản xuất. Với những lợi thế riêng như năng suất, chi phí nhân công thấp, đáp ứng được sự đa dạng về các chủng loại hàng may mặc,… may mặc Vĩnh Phúc đang ngày càng khẳng định được uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Có thể nói, may mặc là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh trong nhiều năm trở lại đây. Ngoài việc đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho tỉnh, việc phát triển sản xuất, xuất khẩu, hàng may mặc còn đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người lao động. Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra và dễ nhận thấy của các DN may mặc trong tỉnh đó là tình trạng bị phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất, thiếu lao động tay nghề và trình độ công nghệ – kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu… đã khiến không ít các DN trong ngành đang điêu đứng, đóđang là những thách thức lớn nhất đối với các DN cũng như các nhà làm quản lý ngành may mặc.

Được biết, nguồn nguyên liệu cho may mặc mà chúng ta đang phải nhập khẩu là ở các nước như: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… và nhiều nhất chính là từ Trung Quốc, cả một ngành công nghiệp may mặc gần như hoàn toàn chỉ phụ thuộc vào nước ngoài. Vì vậy, để sản xuất ổn định, hầu như các doanh nghiệp ngành dệt may đều phải chấp nhận gia công cho đối tác nước ngoài, dù lợi nhuận thấp. Bởi khi gia công, đối tác sẽ cung ứng kịp thời, đầy đủ nguyên phụ liệu.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thăng, Giám đốc công ty TNHH Thương mại Đại Lợi, khu công nghiệp thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường), một trong những DN xuất khẩu may mặc lớn của tỉnh cho biết: “Việc tìm kiếm và nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành may đang gặp nhiều khó khăn do có sự tranh mua nguyên liệu từ các nước chuyên gia công hàng may mặc xuất khẩu. Thêm vào đó, các nhà cung cấp cũng lợi dụng tình trạng khan hiếm nguồn nguyên, phụ liệu để cố tình trì hoãn việc giao hàng, nhằm đẩy giá tăng lên từ 10 đến 15%. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện những đơn hàng xuất khẩu đã ký kết trước đó của các DN như chúng tôi. Như doanh nghiệp của tôi, đã có những lúc phải trì hoãn nhiều đơn hàng giao cho khách vì nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt, đây là khó khăn chung của các doanh nghiệp may mặc chưa tìm ra cách giải quyết.”

Thực tế đó cho thấy, giá nguyên liệu tăng cùng nguồn cung ứng các nguyên phụ liệu cho sản xuất may mặc bị chậm lại đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ giao hàng và hoạt động sản xuất. Các doanh nghiệp đang ráo riết đi tìm nguồn cung nguyên liệu cho các tháng tới để kịp tiến độ giao hàng. Tuy nhiên, tình hình cũng không mấy khả quan do thị trường may mặc khởi sắc trở lại, đơn hàng gia tăng đã khiến cho lượng đơn hàng mà các nhà sản xuất đặt mua tăng lên và nhà cung ứng không đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Có thể nói, tình trạng thừa đơn hàng, thiếu nguyên liệu được xem như quy luật của ngành may mặc vốn chưa tự chủ được nguồn cung ứng nguyên liệu cho sản xuất. Thực tế này đã mang đến nhiều rủi ro cho DN trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt giữ uy tín với đối tác nhập khẩu. Cũng bởi, việc thiếu nguyên phụ liệu không những khiến cho DN khó duy trì được hoạt động sản xuất, đảm bảo duy trì đơn hàng, mà còn đứng trước nguy cơ thua lỗ do phải chấp nhận mua nguyên liệu giá cao, trong khi các đơn hàng thường đã được ký kết và thoả thuận về mức giá từ trước đó. Một khi đầu tư cho khâu nguyên, phụ liệu còn yếu, nguồn cung hạn chế, thì DN  may mặc của tỉnh sẽ còn đương đầu với vô vàn khó khăn xung quanh câu chuyện nhập khẩu các mặt hàng này.

Bên cạnh đó, khó khăn mà các DN may mặc còn gặp phải đó là tình trạng thiếu lao động tay nghề. Hiện nay, thu nhập trong ngành may mặc ở tỉnh không cao, mức bình quân tương đối thấp so với ngành nghề khác (chỉ đạt khoảng từ 2,5 – 3,5 triệu đồng/người/tháng). Với mức lương này, công nhân khó có thể đảm bảo cuộc sống. Chính vì vậy, tình trạng lao động bỏ việc, tự do chuyển chỗ làm khá phổ biến. Nhiều DN vừa tuyển được lớp công nhân mới, lại có lớp cũ bỏ đi làm chỗ khác. Những DN có chính sách đãi ngộ tốt với công nhân thì biến động lao động thấp hơn. May gia công chiếm nhiều lao động nhưng giá trị gia tăng của ngành chưa cao, do đó, nhiều DN không đủ khả năng để lo cho người lao động chế độ đãi ngộ tốt nên họ luôn có ý tìm kiếm việc làm với mức lương cao hơn, gây nên sự xáo trộn nguồn nhân lực trong ngành may. Thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề là chuyện không mới và được dự báo từ lâu đối với ngành may công nghiệp của tỉnh. Trong khi đó, ngành may công nghiệp đang có sự dịch chuyển theo hướng phát triển chiều sâu, tăng hàm lượng công nghệ nên yêu cầu lao động phải qua đào tạo nghề được đặt lên hàng đầu. Trong khi đó, chất lượng đào tạo của các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng đòi hỏi tay nghề của DN may. Nguồn lực lao động may cung không đủ cầu. Do thiếu lao động có tay nghề, một số DN đành tuyển lao động chưa học nghề để mở lớp đào tạo, tuy nhiên, cũng rất khó tuyển dụng đủ số lượng. Hầu hết DN dệt may chưa xây dựng được chiến lược nhân sự, thu hút, tuyển dụng và sử dụng lao động.

Ngoài ra, một khó khăn nữa mà các DNmay mặc gặp phải đó là trình độ công nghệ – kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu từ bạn hàng khiến cho các DN trong tỉnh chưa thể mở rộng sản xuất và phong phú hóa mẫu mã sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Theo tính toán sơ bộ, khoảng 70% hàng may mặc xuất khẩu của tỉnh được thực hiện theo phương thức cắt, ráp và hoàn thiện. Có thể nói, các DN của chúng ta vẫn nặng về phương thức gia công. Tình trạng này nếu không cải thiện trong ngắn và trung hạn sẽ khó khai thác được lợi các lợi thế vốn có của may mặc Vĩnh Phúc mang lại. Trong dài hạn, “gót chân Asin” của ngành may mặc không được cải thiện  thì các DN của chúng ta vẫn mãi chỉ là người theo sau các DN có vốn đầu tư của nước ngoài.

Trước bối cảnh mới, để tiếp tục duy trì vị thế, tạo dựng ngành may mặc phát triển ổn định, bền vững trong chuỗi may mặc toàn cầu và đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản… đòi hỏi may mặc Vĩnh Phúc phải có những thay đổi căn bản. Đó là chủ động được nguồn nguyên phụ liệu. Được biết, chương trình phát triển cây bông vải đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã triển khai hơn 2 năm nay, với mục tiêu đến năm 2015, diện tích trồng bông là 30 nghìn ha, định hướng đến năm 2020 tăng lên 76 nghìn ha, sẽ góp phần thay đổi diên mạo của ngành may mặc cả nước nói chung và của Vĩnh Phúc nói riêng. Bên cạnh đó, ngành thiết kế cần được củng cố và nâng cấp; khâu công nghệ kỹ thuật cũng phải được đầu tư bài bản; tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về đào tạo, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi ổn định cuộc sống người lao động, đặc biệt là đội ngũ lao động kỹ thuật may có trình độ, tay nghề cao; thị trường nội địa cần phải quản lý, khai thác triệt để; phương thức gia công phải được thu hẹp.

Để làm được như vậy là cả một quá trình dài và khó khăn, hy vọng rằng,các cấp, các ngành chức năng, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tạo mọi điều kiện cho sự phát triển của may mặc Vĩnh Phúc. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải liên kết tạo thành một vòng tròn cung ứng, giúp đỡ nhau để may mặc Vĩnh Phúc thực sự vững mạnh và phát triển ổn định, lâu dài.

Theo Ngọc Lan - Báo Vĩnh Phúc