Thứ Năm, 18/06/2020 2:47:45 (GMT+7)

Năng lực quản trị của doanh nghiệp Vĩnh Phúc qua góc nhìn DDCI 2019

Vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức hội nghị công bố kết quả khảo sát, đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) năm 2019.

DDCI Vĩnh Phúc 2019 đã bắt đầu áp dụng bộ chỉ số đánh giá năng lực quản trị và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong lồng ghép đánh giá DDCI. Bộ chỉ số được thiết kế với 10 chỉ tiêu thông tin đánh giá, giúp có cái nhìn khách quan hơn về thực trạng sức khỏe doanh nghiệp cũng như góc nhìn từ khía cạnh năng lực của doanh nghiệp. Qua góc nhìn này, năng lực doanh nghiệp Vĩnh Phúc thể hiện qua 03 chỉ số: Năng lực quản trị, Trách nhiệm xã hội, Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của doanh nghiệp; Trong đó, năng lực quản trị của doanh nghiệp là một trong những chỉ số phản ánh chân thực tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp, cho biết khả năng quản trị các quy trình hoạt động bên trong doanh nghiệp giúp doanh nghiệp có thể đạt được mục tiêu đề ra cũng như góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững.

Chỉ số năng lực quản trị của doanh nghiệp trong DDCI Vĩnh Phúc 2019  được đánh giá dựa trên 06 chỉ tiêu thông tin đánh giá và kết quả như sau:

(1) Doanh nghiệp đã ban hành và thực thi đánh giá kết quả công việc của cán bộ và bộ phận thông qua hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả công việc: 29,89%. Điểm số chuẩn hóa: 4.68.

(2) Doanh nghiệp triển khai các biện pháp quản lý rủi ro với các DN đối tác trong chuỗi cung ứng mà DN có thể ảnh hưởng (ví dụ đa dạng hóa nguồn cung, thị trường bán, xuất khẩu…): 37,5%, Điểm số chuẩn hóa: 5,92.

(3) Doanh nghiệp thực thi các biện pháp quản lý rủi ro từ thiên tai và các hiện tượng bất thường nhằm đảm bảo kinh doanh bền vững: 38,38%; Điểm số chuẩn hóa: 4,28.

(4) Doanh nghiệp triển khai việc thu thập, tổng hợp dữ liệu thị trường, khách hàng, thông tin đầu vào, đầu ra: 55,42%. Điểm số chuẩn hóa: 6,70.

(5) Khi gặp các khó khăn, vấn đề phát sinh trong quá trình kinh doanh, sau khi xử lý hậu quả doanh nghiệp tập trung rà soát và điều chỉnh quy trình hoạt động: 57,65%. Điểm số chuẩn hóa: 6,69.

(6) Doanh nghiệp đánh giá thưởng phạt, đào tạo, đề bạt cho cán bộ dựa trên kết quả và hiệu quả công việc: 65,63%. Điểm số chuẩn hóa: 8,34.

Trong số 06 chỉ tiêu đánh giá, bên cạnh 03 chỉ tiêu được doanh nghiệp áp dụng khá cao là chỉ tiêu (4), (5), (6) với tỷ lệ từ 55% đến trên 65% thì vẫn còn những nỗi lo tồn đọng khi có 03 chỉ tiêu khá thấp chưa đến 40% là chỉ tiêu (1) (2) (3). Điều này cho thấy năng lực quản lý nội bộ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn yếu và chưa được chú trọng áp dụng thường xuyên. Có đến 60% số doanh nghiệp chưa từng áp dụng đánh giá KPIs (hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả công việc). Tuy tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng đánh giá thưởng phạt, đào tạo, đề bạt cho cán bộ, công nhân dựa trên kết quả và hiệu quả công việc đạt 65,63% song việc áp dụng của doanh nghiệp mới chỉ dựa trên kinh nghiệm quản lý của cá nhân, theo thói quen, cảm tính, chưa theo tiêu chuẩn của hệ thống chỉ tiêu KPIs.

Bên cạnh đó, việc triển khai và thực thi các biện pháp quản lý rủi ro vẫn còn chưa được doanh nghiệp thực sự quan tâm. Theo kết quả đánh giá, chỉ có 37,5% doanh nghiệp triển khai các biện pháp quản lý rủi ro với các doanh nghiệp đối tác trong chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp có thể ảnh hưởng (ví dụ đa dạng hóa nguồn cung, thị trường bán, xuất khẩu…)  và 38,38% doanh nghiệp thực thi các biện pháp quản lý rủi ro từ thiên tai và các hiện tượng bất thường nhằm đảm bảo kinh doanh bền vững.  Hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều có tỷ lệ áp dụng thấp dưới mức trung bình, chỉ trong khoảng 30-45%. Kết quả này đã phản ánh thực trạng các doanh nghiệp còn khá chủ quan trước những biến động từ môi trường kinh doanh hay những thay đổi khó lường từ thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào; nếu không có các biện pháp đảm bảo thì doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng và tổn thất lớn, có khi còn dẫn đến tạm ngừng, tạm dừng kinh doanh, phá sản…Như tác động của đại dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu là một ví dụ.

Về chỉ số thành phần Năng lực quản trị doanh nghiệp theo địa phương, doanh nghiệp ở huyện Bình Xuyên và Tam Đảo được đánh giá làm tốt với điểm số chuẩn hóa tương ứng là 9,12 và 8,10. Đứng ở tốp dưới là nhóm doanh nghiệp tại các địa phương: Lập Thạch, Yên Lạc, Vĩnh Tường. Nhóm này cần phải có sự cải thiện mạnh mẽ hơn nữa khi điểm số có sự chênh lệch tương đối lớn so với nhóm dẫn đầu và so với điểm số trung bình của toàn tỉnh.

Nhìn nhận nguyên nhân của những tồn tại yếu kém này, lý do đầu tiên nằm ở vấn đề nhận thức của doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng của vấn đề quản trị doanh nghiệp hiện nay còn chưa cao. Nhiều doanh nghiệp đã hoạt động nhưng chưa có điều lệ hay bộ quy tắc quản trị công ty, chưa chú trọng nhiều đến công tác làm việc theo quy trình, hệ thống.. Người quản lý, điều hành có thể có trình độ học vấn cao nhưng chưa đúng chuyên ngành hoặc chưa nắm rõ kỹ năng quản lý doanh nghiệp. Đây chính là nguyên nhân cho sự phát triển theo tỷ lệ nghịch giữa quy mô doanh nghiệp với khả năng quản trị công ty.

DDCI là chiếc gương phản chiếu chính xác cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân về các mặt và công tác quản lý, điều hành kinh tế của các cấp chính quyền địa phương. Kết quả các chỉ tiêu đánh giá năng lực quản trị của doanh nghiệp trong DDCI Vĩnh Phúc 2019 vừa giúp chỉ ra những điểm tốt, những điểm còn hạn chế, từ đó cho thấy những khía cạnh doanh nghiệp cần phải thay đổi; Vừa là cơ hội để thúc đẩy nhận thức và hành động nhằm cải thiện công tác quản lý, điều hành kinh tế tại địa phương, với mục đích mang lại lợi ích tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Điều này cũng trực tiếp mang lại lợi ích về cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Vĩnh Phúc.

Nguyễn Thị Hải Yến