Thứ Hai, 04/04/2016 13:59:09 (GMT+7)

Nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI): Khi chính quyền sát cánh cùng doanh nghiệp

Trong 2 năm gần đây, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh liên tục đứng thứ hạng cao: Năm 2014 xếp thứ 6 và năm 2015 xếp thứ 4/63 tỉnh, thành, thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành rất tốt. Góp phần tạo nên thành công đó, ngoài việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thời gian qua Vĩnh Phúc đã tập trung vào 2 giải pháp mang tính đột phá, đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và sát cánh cùng doanh nghiệp.

Nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI): Khi chính quyền sát cánh cùng doanh nghiệp

Với việc triển khai thành công Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS, Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc đã giúp các doanh nghiệp xuất khẩu giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Cải cách TTHC được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong giai đoạn 2013-2015. Thực hiện nội dung này, hàng năm, các sở, ban, ngành đều tổ chức rà soát, kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh, loại bỏ các cơ chế chính sách không phù hợp, thiếu tính khả thi làm cản trở đến hoạt động và sự phát triển của doanh nghiệp; ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, thực hiện các quy định mới, đặc biệt liên quan đến các Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp… với các nội dung còn vướng mắc, có nhiều cách hiểu khác nhau được thống nhất để áp dụng trên địa bàn tỉnh, hạn chế việc giải quyết theo từng trường hợp cụ thể, hoặc trông chờ, ỷ nại vào hướng dẫn của Trung ương. Để giải quyết có hiệu quả các TTHC, yếu tố con người đóng vài trò hết sức quan trọng và mang tính quyết định. Chính vì thế, đội ngũ cán bộ công chức, nhất là đội ngũ cán bộ làm ở bộ phận một cửa của các sở, ngành, địa phương thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, pháp luật đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong quá trình hội nhập. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách TTHC, các sở, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông. Nhờ vậy, sau 3 năm triển khai Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đến nay, có trên 90% các thủ tục đã được giải quyết đúng và trước hạn. Minh chứng rõ nét về hiệu quả cải cách TTHC qua cơ chế một cửa liên thông (MCLT) ở Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA). Theo ông Nguyễn Tiến Hạnh, Giám đốc IPA cho biết: Ngay khi bước vào hoạt động (năm 2013), IPA Vĩnh Phúc đã xây dựng đưa vào phần mềm điện tử một cửa liên thông. Theo đó, nhà đầu tư, chủ đầu tư chỉ cần truy cập vào phần mềm là biết được tình trạng hồ sơ đã được giải quyết như thế nào, do vậy, nhà đầu tư và chủ đầu tư sẽ đóng vai trò giám sát các cơ quan Nhà nước trong giải quyết TTHC. Qua hệ thống này, các TTHC được minh bạch, rõ ràng, không còn hiện tượng “ngâm” hồ sơ, thời gian đảm bảo đúng và trước hạn. Đồng thời, với phần mềm điện tử MCLT là công cụ đắc lực để IPA kiểm tra, đôn đốc các cơ quan giải quyết TTHC về đầu tư đúng quy định. Qua thống kê, từ năm 2013 đến tháng 2/2016 IPA, Vĩnh Phúc đã tiếp nhận và xử lý 3.635/3.873 hồ sơ trước và đúng hạn, chiếm 94%. Với sự hỗ trợ đắc lực từ phần mềm MCLT tại IPA, hầu hết các nhà đầu tư đều đánh giá cao và cảm thấy rất hài lòng khi đầu tư tại tỉnh. Bà Kim Sun Sook, Giám đốc Công ty TNHH Vina Korea, KCN Khai Quang (TP. Vĩnh Yên) cho biết: “Quá trình đầu tư SXKD chúng tôi luôn được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm cả về cơ chế chính sách cùng với giải quyết các TTHC một cách nhanh nhất; đồng thời, trực tiếp các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành thường xuyên xuống công ty động viên, thăm hỏi, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp góp phần mang lại hiệu quả chung cho cả doanh nghiệp và của tỉnh Vĩnh Phúc. Chúng tôi mong muốn, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục quan tâm, nhất là nguồn nhân lực để công ty mở rộng SXKD hiệu quả, đóng góp ngân sách nhiều hơn nữa cho địa phương”.

Với việc triển khai thành công Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS, Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc đã giúp các doanh nghiệp xuất khẩu giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu.

 

Với quan điểm luôn đồng hành, tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, 3 năm triển khai Đề án cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành, thị đã tích cực tổ chức nhiều hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có điều kiện gặp gỡ, đối thoại, trao đổi thông tin đến lãnh đạo UBND tỉnh cũng như lãnh đạo các sở, ban, ngành để kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Các giải pháp trợ giúp phát triển doanh nghiệp được triển khai một cách đồng bộ như: Công khai, minh bạch các TTHC; đào tạo trợ giúp nguồn nhân lực; hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đổi mới công nghệ; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ thương mại điện tử, thông tin quảng bá doanh nghiệp; mặt bằng SXKD. Có nhiều chính sách tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp vay vốn.

Điểm nhấn trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh là sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong việc giải quyết tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Hàng quý, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Hội Doanh nghiệp tỉnh, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư khảo sát một số doanh nghiệp để nắm bắt những khó khăn vướng mắc, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo; đặc biệt với những vướng mắc thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh cần giải quyết ngay. Vào thứ 6 hàng tuần, lãnh đạo UBND tỉnh duy trì lịch làm việc với doanh nghiệp, trực tiếp nghe, làm việc với doanh nghiệp và chỉ đạo kịp thời các cấp, các ngành có liên quan giải quyết kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, yêu cầu các ngành tham mưu đề xuất UBND tỉnh báo cáo với các cơ quan Trung ương để tháo gỡ. UBND tỉnh thành lập tổ công tác chỉ đạo giải quyết một số dự án lớn, hàng tuần, các sở, ngành có liên quan đều có báo cáo tình hình triển khai, nếu có vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai sẽ tổ chức hội nghị để đưa ra phương án chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Đồng hành hỗ trợ tích cực các nhà đầu tư, thời gian qua, ngoài thực hiện hiệu quả bộ phận MCLT, IPA Vĩnh Phúc đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp đề xuất với UBND tỉnh triển khai chương trình khảo sát, nắm bắt tình hình hoạt động SXKD của các doanh nghiệp, trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc IPA Vĩnh Phúc cho biết: Trong 2 năm 2014 và 2015, IPA Vĩnh Phúc đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, tổ chức 4 cuộc khảo sát nắm bắt tình hình hoạt động SXKD của gần 200 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát, lãnh đạo tỉnh kịp thời giao nhiệm vụ và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định đầu tư sản xuất. Qua đó, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã có phản hồi tích cực, đánh giá cao sự lãnh đạo, điều hành của chính quyền đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình SXKD tại tỉnh. Đồng tình với quan điểm trên, ông Phan Bá Sang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng: Cùng với kịp thời nắm bắt, giải quyết khó khăn, vướng mắc, đề xuất của nhà đầu tư, doanh nghiệp, UBND tỉnh đã kịp thời điều chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chuyên môn trong các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp. Điều này làm cho chất lượng điều hành của các sở, ban, ngành, các địa phương ngày càng nâng cao. Qua đó, tạo sự tin tưởng, gắn bó giữa cộng đồng doanh nghiệp với tỉnh, với các ngành trong tỉnh, tạo động lực để doanh nghiệp SXKD hiệu quả, đóng góp tích cực cho ngân sách địa phương.

Ông Nguyễn Đức Tài, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT khẳng định: Với hành động và sự quyết tâm của UBND tỉnh cũng như sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương trong việc cải cách TTHC và sát cánh cùng doanh nghiệp đã được các nhà đầu tư, doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao, thể hiện chất lượng điều hành của tỉnh trong những năm qua ngày càng được cải thiện và xếp thứ hạng cao, năm 2015 Vĩnh Phúc vươn lên thứ 7, thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành rất tốt. Điều này đồng nghĩa với môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng minh bạch, thông thoáng và đây cũng chính là lợi thế so sánh để thu hút đầu tư vào tỉnh trong bối cảnh các ưu thế về vị trí địa lý và lao động giá rẻ không còn là lợi thế giữa các địa phương trong thời điểm hiện nay.

Theo Văn Cường - Báo Vĩnh Phúc