Thứ Sáu, 09/06/2023 15:31:00 (GMT+7)

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư giai đoạn mới

Vĩnh Phúc có 251.000 công nhân, lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp. Trong đó, lao động làm việc trong doanh nghiệp nhà nước chiếm 0,5%; lao động trong doanh nghiệp ngoài nhà nước hơn 37%; lao động trong doanh nghiệp FDI hơn 62%. Đặc biệt, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng dần qua các năm, từ 24,8% năm 2018, tăng lên 25,1% năm 2019, 28,2% năm 2020 và đạt xấp xỉ 35% năm 2021.

Sẵn sàng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, những năm qua, Vĩnh Phúc đã ưu tiên đầu tư xây mới, nâng cấp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thực hiện phân luồng học sinh; ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích lao động học nghề; đưa công nhân, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học. Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, mở rộng quy mô đào tạo các ngành, nghề theo nhu cầu thị trường; tăng các tiết dạy thực hành, định hướng nghề nghiệp cho học sinh…

Theo đánh giá của các ngành chức năng, trình độ tay nghề của người lao động ngày càng được nâng cao, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 20 của BCH Trung ương Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Hiện đội ngũ công nhân của tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng; trình độ lý luận, ý thức tổ chức, kỷ luật ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, những năm qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện, quy chế dân chủ ở cơ sở. Tiến hành gần 1.600 cuộc kiểm tra đồng cấp và cấp dưới về việc chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam; kiểm tra 37 tổ chức về công tác quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của các ngành chức năng tại 26/180 doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn và 329/1.400 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh mới đây cho thấy, có gần 27% doanh nghiệp lớn, trên 16% doanh nghiệp nhỏ và vừa phản ánh thiếu hụt lao động phổ thông, lao động chất lượng cao. Đặc biệt, dù tỷ lệ lao động qua đào tạo có xu hướng tăng qua các năm nhưng số lao động có trình độ cao đẳng trở lên trong lĩnh vực công nghệ cao còn thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp công nghệ cao.

Trước những khó khăn, bất cập này, UBND tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động sang các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực và phát triển doanh nghiệp ở khu vực nông thôn; đổi mới công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Cùng với đó, tăng cường hợp tác, liên kết, đặt hàng đào tạo với các trường đại học; thực hiện chương trình đào tạo mới theo chuẩn khu vực và quốc tế. Kịp thời điều chỉnh công tác giải quyết việc làm, giáo dục nghề nghiệp theo sự thay đổi, biến động của thị trường lao động và phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thanh Nga - vinhphuc.gov.vn