Thứ Sáu, 28/03/2014 7:55:34 (GMT+7)

Năm 2013 Vĩnh Phúc tiến bộ 17 bậc về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

PCI (Provincial Competitiveness Index – Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh. Chỉ số PCI được thực hiện bởi dự án hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (Dự án do cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ – USAID, tài trợ).

Chỉ số PCI được đánh giá, xếp hạng lần đầu tiên (thử nghiệm), đối với 42 tỉnh, thành phố trực thuộc TW vào năm 2005, với tám chỉ số thành phần. Từ năm 2006, cơ cấu chỉ số PCI được đánh giá, xếp hạng ở tất cả các tỉnh/thành phố trực thuộc TW trong toàn quốc nhưng các chỉ số thành phần được bổ sung tăng lên hoặc thay đổi sát thực với thực tế. Năm 2013, Chỉ số PCI được đánh giá bởi 10 chỉ số thành phần, gồm: (1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; (2) Doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đất đai; (3) Tính minh bạch của thông tin; (4) Thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính và thanh tra kiểm tra hạn chế nhất; (5) Chi phí không chính thức ở mức tối thiểu; (6) Lãnh đạo tỉnh năng động và tiên phong; (7) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, do khu vực nhà nước và tư nhân cung cấp; (8) Có chính sách đào tạo lao động tốt; (9) Hệ thống pháp luật và tư pháp để giải quyết tranh chấp công bằng và hiệu quả; (10) Cạnh tranh bình đẳng trong đầu tư và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thành phố Vĩnh Yên. Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Xây dựng

Theo Hồ sơ công bố Chỉ số PCI năm 2013 cho thấy tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong nhóm tỉnh, thành phố thuộc nhóm khá, đạt 58,86 điểm (tăng 3,71 điểm  so năm 2012), xếp thứ 26/63 trong toàn quốc. Sau đây là bảng xếp hạng PCI và điểm số các chỉ số thành phần PCI của tỉnh từ năm 2005 đến năm 2013:

Nội dung\Năm

2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013
Gia nhập thị trường

7,59 8,37 8,38 6,6 8,72 9,05 7,67
Tiếp cận đất đai

6,75 6,47 6,93 6,02 5,41 5,78 6,41
Tính minh bạch

7,0 7,39 6,78 5,61 6,44 4,8 6,28
Chi phí thời gian

4,48 4,99 6,65 6,91 7,15 6,1 6,62
Chi phí không chính thức

7,58 7,94 7,0 5,84 7,12 7,22 5,76
Tính năng động

7,32 8,23 7,97 8,08 6,39 2,93 5,38
Hỗ trợ doanh nghiệp

6,92 8,17 4,31 5,17 3,78 4,14 5,15
Đào tạo lao động

7,36 7,37 5,62 5,69 4,59 5,33 5,94
Thiết chế pháp lý

4,31 5,5 5,78 5,29 5,15 3,17 5,49
Cạnh tranh bình đẳng

5,14
Điểm số PCI 65,1 61,4 66,06 69,37 66,65 61,73 62,57 55,15 58,86
Xếp hạng toàn quốc

5

8

7

3

6

15

17

43

26

Nhóm xếp hạng

 

Tốt Tốt Tốt Rất tốt Rất tốt Tốt Tốt Khá Khá

 

(Nguồn: Tổng hợp từ Hồ sơ công bố chỉ số PCI – Website: www.pcivietnam.org)

So sánh kết quả xếp hạng năm 2013 với năm 2012: Có 7 chỉ số thành phần PCI được cải thiện tích cực, tăng điểm, gồm: Tiếp cận đất đai (tăng 0,63 điểm), Tính minh bạch (tăng 1,48 điểm), Chi phí thời gian (tăng 0,52 điểm), Tính năng động (tăng 2,45 điểm), Hỗ trợ doanh nghiệp (tăng 1,01 điểm), Đào tạo lao động (tăng 0,61 điểm), Thiết chế pháp lý (tăng 2,32 điểm). Tuy nhiên, hai chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2012, gồm: Gia nhập thị trường (giảm 1,38 điểm), Chi phí không chính thức (giảm 1,46 điểm).

Về kết quả xếp hạng các chỉ số thành phần PCI của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2013 cho thấy có sự chênh lệch khá lớn giữa các chỉ số, bên cạnh một số chỉ số xếp hạng cao (Minh bạch thông tin xếp thứ 9, Đào tạo lao động xếp thứ 11), còn có chỉ số xếp hạng rất thấp (Tiếp cận đất đai xếp thứ 44, Chi phí không chính thức xếp thứ 47). Sau đây là bảng xếp hạng từng chỉ số thành phần của tỉnh năm 2012-2013:

 

STT

Chỉ số thành phần

Điểm số năm 2012

Xếp hạng năm 2012

Điểm số năm 2013

Xếp hạng năm 2013

Tăng, giảm thứ hạng (+,-) năm 2013 so năm 2012

1

Gia nhập thị trường

9,05

20

7,67

26

-6

2

Tiếp cận đất đai

5,78

53

6,41

44

+9

3

Chỉ số minh bạch

4,80

59

6,28

9

+50

4

Chi phí thời gian

6,10

23

6,62

23

0

5

Chi phí không chính thức

7,22

13

5,76

47

-34

6

Chỉ số cạnh tranh bình đẳng

 

5,14

38

 

7

Chỉ số năng động

2,93

58

5,38

37

+21

8

Hỗ trợ doanh nghiệp

4,14

23

5,15

35

-12

9

Đào tạo lao động

5,33

12

5,94

11

+1

10

Thiết chế pháp lý

3,17

45

5,49

36

+9

(Nguồn: Tổng hợp từ Hồ sơ công bố chỉ số PCI – Website: www.pcivietnam.org)

Cũng từ Bảng số liệu Kết quả tổng hợp Chỉ số PCI và các chỉ số thành phần của tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 2005-2013 cho thấy: kể từ khi chỉ số PCI được đánh giá, xếp hạng (năm 2005) 5 năm liền tỉnh Vĩnh Phúc có chỉ số PCI được xếp hạng ở tốp 10 tỉnh có điểm số cao nhất (đặc biệt năm 2008 xếp thứ 3) toàn quốc. Tuy năm 2013, tỉnh Vĩnh Phúc được xếp ở nhóm các tỉnh có điểm số PCI ở mức khá nhưng Chỉ số PCI của tỉnh đã tăng 17 bậc so với năm 2012.

Để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, gồm: (1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quán triệt nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức. (2) Gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành trong nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư. (3) Kịp thời công khai các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư. (4) Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, thực hiện tốt mô hình “một cửa liên thông” trong đầu tư và đăng ký kinh doanh. (5) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành. Xây dựng các đường dây “nóng” và các diễn đàn để tiếp nhận ý kiến đóng góp, phản hồi của doanh nghiệp đối với công tác quản lý và phát triển kinh tế – xã hội. (6) Công khai, minh bạch quỹ đất trên địa bàn tỉnh, tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai; thực hiện nhất quán về chủ trương giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh. (8) Phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm đối với doanh nghiệp theo hướng thành lập đoàn liên ngành để giảm thời gian tiếp và làm việc của doanh nghiệp. (9) Nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. (10) Tiếp tục củng cố và phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nghề và giới thiệu việc làm; Giải quyết tốt các vấn đề đình công, lãn công; tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm xã hội, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động. (11) Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức; kịp thời xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. (12) Nâng cao tính năng động và tiên phong của đội ngũ lãnh đạo các cấp, các ngành, đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, tạo sự tin tưởng cho doanh nghiệp vào thiết chế pháp lý của địa phương. Gắn kết quả chỉ đạo, điều hành nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường của tỉnh với quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương IV ”Một số vấn đề cấp về xây dựng Đảng hiện nay”.

Hy vọng thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp trên, môi trường đầu tư và chỉ số năng lực cạnh tranh của Vĩnh Phúc tiếp tục được cải thiện./.

Bùi Mỹ Linh IPA VINH PHUC