Thứ Tư, 30/09/2015 14:34:59 (GMT+7)

Mối nguy hại từ rác thải điện tử

Ngành công nghiệp điện tử ngày một phát triển, kéo theo lượng rác thải từ ngành này ngày một nhiều, làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường. Trên địa bàn tỉnh ta hiện nay, các sản phẩm rác thải điện tử phần lớn được thu gom về các làng nghề thu mua phế liệu và được các hộ dân nơi đây phân loại, xử lý thô sơ để tái chế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân.

Mối nguy hại từ rác thải điện tử

Gia đình chị Lê Thị Vui, thôn Yên Thịnh, xã Bình Dương (Vĩnh Tường) thu gom gần 2 tấn phế liệu và bóc tách hàng trăm kg rác thải điện tử mỗi ngày

Rác thải điện tử được hiểu là các sản phẩm điện tử như: Tivi, tủ lạnh, điều hòa, điện thoại di động… bỏ đi do hỏng hóc hoặc do nhu cầu thay mới của người sử dụng. Đặc thù của rác thải điện tử là có những thành phần tái chế, có thể tái sử dụng nhưng bản thân chúng lại chứa những thành phần kim loại độc hại như: Chì, thủy ngân… những chất này có thể gây ung thư da cho người tiếp xúc nên sau khi bỏ đi hoặc không có nhu cầu sử dụng, bản thân các hộ gia đình cần phải thu gom và xử lý đúng cách. Tuy nhiên, với thói quen tiêu dùng của người Việt, các sản phẩm sau quá trình sử dụng trở thành rác thải thường được các hộ gia đình bán thanh lý cho những người đi thu mua phế liệu và các sản phẩm điện tử cũng không phải ngoại lệ. Từ đây, những mối thu gom phế liệu đơn lẻ tập trung “đổ buôn” về các cơ sở kinh doanh đồ phế liệu lớn ở: Tề Lỗ, Đồng Văn (Yên Lạc), Đông Mẫu, xã Yên Đồng (Yên Lạc) … Sau đó, rác thải điện tử được các cơ sở kinh doanh này tiến hành phân lọai, xử lý để lấy các thành phần có thể tái chế và sử dụng được; còn đối với các thành phần không có giá trị sử dụng, các chủ cơ sở sẵn sàng thải ra ngay trong khu dân cư hoặc chất thành đống, đốt cháy để tiêu hủy. Đúng ra, việc bóc tách, tái chế, tái sử dụng và thu gom với loại rác thải điện tử này phải có quy trình và công nghệ riêng thì các hộ dân tại đây lại thực hiện hết sức thô sơ, chủ yếu mang tính thủ công nên rất nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân.

Thôn Yên Thịnh, xã Bình Dương (Vĩnh Tường) có 522 hộ gia đình thì có tới hơn 200 hộ làm nghề thu mua phế liệu. Trung bình mỗi ngày, các hộ làm nghề tại đây thu gom và xử lý hàng chục tấn rác thải, trong đó rác thải điện tử không phải ít. Rác thải điện tử đổ về đây từ nhiều nguồn khác nhau nhưng chủ yếu là qua những người thu gom nhỏ lẻ. Để “Mục sở thị” các công đoạn bóc tách, xử lý rác thải điện tử, chúng tôi có mặt tại cơ sở chuyên thu mua đồ phế liệu của gia đình chị Lê Thị Vui, thôn Yên Thịnh, xã Bình Dương (Vĩnh Tường). Mỗi ngày, gia đình chị thu gom gần 2 tấn phế liệu các loại, trong đó, bóc tách, phân loại hàng trăm kg đồ điện tử, từ điện thoại, máy tính…đến đầu DVD, máy giặt, tủ lạnh… ,tất cả các công đoạn đều được làm thủ công. Trao đổi với chúng tôi, chị Vui cho biết: Đối với các sản phẩm đồ điện tử sau khi được thu mua về, gia đình chị phải dùng búa để đập bỏ phần vỏ bọc bên ngoài, sau đó bóc tách những thành phần có giá trị bên trong như: Dây điện, dây đồng… để bán, còn những thành phần không giá trị, chị Vui thẳng thắn thừa nhận là thường bỏ vào bao tải rồi đem ra bãi rác sinh hoạt của thôn hoặc chất đống ngay trước cửa sau đó đốt tiêu hủy. Hàng trăm triệu đồng/năm là số tiền gia đình chị Vui thu nhập từ việc bóc tách rác thải điện tử và thu mua phế liệu. Không thể phủ nhận, công việc này đem lại siêu lợi nhuận cho không chỉ gia đình chị Vui mà còn cho cả hàng trăm hộ dân nơi đây,nhưng những hệ lụy về môi trường cũng như bệnh tật thì thật khó có thể ước tính được.

Vì phải bóc tách để lấy các thành phần còn giá trị từ rác thải điện tử nên hộ làm nghề kinh doanh phế liệu phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại hàng ngày là không tránh khỏi. Đó là chưa kể, nước thải từ việc cọ rửa đủ thứ máy móc được đổ thẳng ra cống rãnh trong khu dân cư. Các thành phần sau khi bóc tách không có giá trị như: Xốp tủ lạnh, mặt kính tivi,… sẽ được các cơ sở chất đống, đốt ngay trước cửa nhà hoặc vận chuyển ra bãi rác thải sinh hoạt của thôn để đốt, gây ra mùi, khói bụi rất khó chịu. Thậm chí có một khoảng thời gian, việc các hộ dân tiến hành bóc tách các sản phẩm điện tử sau khi bỏ đi phần không có giá trị đã đốt ngay khu vực đường quốc lộ, gây hư hại mặt đường xung quanh khu vực ven sông Phan, xã Vân Xuân (Vĩnh Tường); hay như đám cháy từ việc đốt rác thải điện tử bốc cao đã khiến cho cánh đồng lúa thôn Phong Doanh xã Bình Dương bị cháy xém, khiến nhiều người dân nơi đây rất bức xúc, nhiều lần kiến nghị chính quyền làm rõ và xử lý tình dứt điểm tình trạng này.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Văn Khang, Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết: “ Tình trạng thu mua, bóc tách rác thải điện tử đã tồn tại ở thôn Yên Thịnh cũng như các làng nghề kinh doanh phế liệu như: Tề Lỗ (Yên Lạc), Đồng Văn (Yên Lạc),…từ lâu. Bởi lợi nhuận lớn, các hộ dân đổ xô đi thu mua phế liệu mà không quan tâm đến sức khỏe của bản thân, gia đình hay của cộng đồng.” Ông Khang cho biết thêm: Thời gian đầu, do chính quyền chưa thành lập được lực lượng vệ sinh môi trường, trong khi đó nhận thức của nhiều hộ dân còn hạn chếnên sau khi bóc tách, phân loại phế liệu, những thành phần không có giá trị được họ đóng vào bao tải rồi vứt ra các ao, hồ, rãnh thoát nước ngoài đồng hoặc đốt bừa bãi ngoài đường lớn. Để hạn chế tình trạng này, chính quyền xã đã xây dựng tổ vệ sinh môi trường riêng của từng thôn và yêu cầu các cơ sở thu mua phế liệu phải đem các thành phần không sử dụng được đổ ra bãi rác chung của thôn để xử lý. Tuy nhiên, việc đốt rác thải điện tử tạo ra mùi rất khó chịu cho các hộ dân trong khu dân cư và do chưa có bãi tập kết riêng nên rác thải điện tử vẫn được xử lý chung với rác thải sinh hoạt bằng hình thức chôn lấp hoặc đốt cháy để tiêu hủy. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường bởi rác thải điện tử có chứa nhiều kim loại nặng, trong quá trình phân hủy, các kim loại này ngấm vào đất sẽ gây hại cho môi trường sống của con người cũng như nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của người dân, từ đó, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của nhân dân địa phương. Nhận thức được tầm quan trọng về mối nguy hại của rác thải điện tử, UBND xã Bình Dương đã làm việc với Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên để tiến hành thu gom, phân loại và xử lý từng loại rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện nay mới chỉ có những lò xử lý rác thải sinh hoạt, chưa có một lò chuyên xử lý rác thải điện tử cũng như quy định thu gom, xử lý loại chất thải này. Trong khi, tỷ lệ loại bỏ rác thải điện tử của các hộ gia đình ngày càng tăng do nhu cầu thay mới và các làng nghề xử lý rác thải, nhất là rác thải điện tử mọc lên ngày càng nhiều do lợi nhuận lớn và không phải trả phí môi trường. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường cao và tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh nếu không được xử lý và khắc phục kịp thời. Được biết, để quản lý một cách chặt chẽ vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 16/2015/QĐ -TTg về việc thu hồi và xử lý một số sản phẩm thải bỏ từ rác điện tử nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh cho người dân. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Hy vọng rằng, với sự vào cuộc của chính quyền, các ban, ngành chức năng, tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải điện tử sẽ sớm được khắc phục và giảm thiểu.

Theo Ngọc Lan - Báo Vĩnh Phúc