Mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm làng nghề
Trước thực trạng các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã và đang gặp không ít khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, các ngành chức năng đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp hỗ trợ tìm kiếm các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 25 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề truyền thống với các nghề chính: mộc, mây tre đan, rèn, gốm, nuôi và chế biến rắn, chế tác đá… Việc duy trì và phát triển các làng nghề trong những năm qua đã giúp giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động ở nông thôn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới của nhiều địa phương.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu quả và doanh thu của các làng nghề vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Một số làng nghề hoạt động thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất, số hộ gia đình làm nghề có chiều hướng bị thu hẹp, thậm chí có làng nghề gần như ngừng hoạt động do khó khăn về đầu ra cho sản phẩm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do phần lớn các cơ sở sản xuất ở các làng nghề quy mô còn nhỏ, thiếu nhân lực trình độ kỹ thuật, tay nghề cao nên sản phẩm làm ra chưa đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường; các điều kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề đến với người tiêu dùng còn thiếu và yếu…
Xuất phát từ thực tế đó, Sở Công thương tỉnh đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử, hỗ trợ kinh phí xây dựng website thương mại điện tử cho hàng chục doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Phát triển Công thương tỉnh tích cực hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị, máy móc từ nguồn vốn của chương trình khuyến công; tư vấn xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề. Tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh như: Hội chợ Thương mại lễ hội Tây Thiên tại khu di tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên (Tam Đảo); Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc; Hội chợ Thương mại khu vực đồng bằng Sông Hồng; Hội chợ triển lãm hàng Công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc và các Hội chợ do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức. Qua đó, giúp các cơ sở, hộ sản xuất ở các làng nghề có điều kiện học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội đầu tư, liên doanh, liên kết, mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Hội Nông dân tỉnh cũng tích cực tổ chức các cuộc triển lãm, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm làng nghề; chủ động hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Đặc biệt, từ cuối năm 2019, Hội Nông dân tỉnh chính thức khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm Giao dịch, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản, làng nghề tại Km 6, xã Kim Long, huyện Tam Dương. Hiện Trung tâm đang trưng bày và bán hơn 100 mã sản phẩm đến từ các cơ sở sản xuất ở các làng nghề của tỉnh như: Mây tre đan Triệu Đề; rèn Lý Nhân, rắn Vĩnh Sơn, gốm Hương Canh, mộc Thanh Lãng, đá Hải Lựu… Nhờ vị trí “đắc địa”, nằm trên trục đường đi khu di tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên, khu du lịch Tam Đảo, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần không nhỏ trong việc quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm làng nghề. Trung bình mỗi tháng, Trung tâm có từ 4 – 5 nghìn lượt người đến tham quan, mua sắm. Ngoài các sản phẩm OCOP, nông sản an toàn, các sản phẩm làng nghề của tỉnh cũng được nhiều khách hàng, nhất là khách du lịch quan tâm lựa chọn.
Ngoài trưng bày và bán sản phẩm tại trụ sở, cuối năm 2020, Trung tâm Giao dịch, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản, làng nghề còn phối hợp với Sở Công thương tổ chức Triển lãm quảng bá một số sản phẩm làng nghề truyền thống gắn với sản phẩm du lịch, tham quan, trải nghiệm tỉnh Vĩnh Phúc. Triển lãm với quy mô hơn 90 gian hàng, trong đó, có hơn 10 gian hàng trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của các làng nghề, triển lãm đã giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh cá thể ở các làng nghề có cơ hội trao đổi thông tin, xúc tiến thương mại, quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá được các cấp, các ngành chức năng triển khai tích cực trong thời gian qua, đã góp phần thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa, mở rộng đầu ra cho sản phẩm làng nghề. Tuy nhiên, để sản phẩm làng nghề thực sự có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng thì mỗi cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong làng nghề phải không ngừng cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Các làng nghề cũng cần nâng cao trình độ cho người lao động, tiếp thu những công nghệ mới; phát huy thế mạnh của các nghệ nhân, thợ giỏi trong cải tiến mẫu mã, truyền nghề cho lớp trẻ; chủ động cơ cấu lại sản xuất theo hướng liên kết; tập trung xây dựng nhãn hiệu để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm… Có như vậy, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm làng nghề sẽ thuận lợi hơn.
Các tin khác:
- Tập huấn nâng cao nghiệp vụ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
- Đoàn doanh nghiệp Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm tìm hiểu đầu tư tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH iMarket Việt Nam ký Bản ghi nhớ về nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng KCN và sân Golf tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023