Thứ Ba, 03/02/2015 14:33:52 (GMT+7)

Mở ra hướng mới trong hợp tác về đào tạo, sử dụng lao động giữa tỉnh Vĩnh Phúc và CHLB Đức

Sáng ngày 02/02/2015, tại trụ sở HĐND – UBND tỉnh, Đồng chí Nguyễn Tiến Hạnh – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh đã tiếp và làm việc với ông Bernd Bruckner – Giám đốc Học viện Đào tạo nghề Bildungsinstitut Bruckner (BIB) – CHLB Đức. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo và đại diện của các Sở: Lao động Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại vụ, Văn phòng UBND tỉnh; Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc.

Mở ra hướng mới trong hợp tác về đào tạo, sử dụng lao động giữa tỉnh Vĩnh Phúc và CHLB Đức

Đồng chí Nguyễn Tiến Hạnh –Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh cùng lãnh đạo một số sở ngành tiếp và làm việc với Đoàn công tác Học viện Đào tạo nghề Bildungsinstitut Bruckner – CHLB Đức. Ảnh: Tuyết Nhung.

Tại buổi làm việc, Ông Bernd Bruckner – Giám đốc Học viện BIB – CHLB Đức đã giới thiệu Học viện BIB là một cơ sở đào tạo nghề tư nhân, hệ cao đẳng 2-3 năm, có kinh nghiệm lâu năm trong đào tạo nghề ở CHLB Đức và châu Âu. Học viện đào tạo nghề chính là Điều dưỡng (chăm sóc người cao tuổi), Vệ sĩ an ninh và Giáo viên mầm non; ngoài ra Học viện BIB còn liên kết đào tạo nghề cơ khí, điện tử, dịch vụ khách sạn nhà hàng. Tại Việt Nam, trong mấy năm gần đây Học viện đã liên kết đào tạo với một số cơ sở dạy nghề ở TP. HCM, Đà Nẵng và Hà Nội trong việc đào tạo nghề Điều dưỡng (chăm sóc người cao tuổi), sau khi tốt nghiệp học viên sẽ được cấp chứng chỉ nghề theo tiêu chuẩn của Đức và EU và có cơ hội làm việc tại Đức. Ông Bernd Bruckner cũng đã thông tin về tình hình lao động ở CHLB Đức: “Hiện nay dân số của Đức đã bị già hóa, dự báo đến năm 2030 nước Đức sẽ thiếu khoảng 50.000 nghìn người lao động, do vậy Đức đang cần một số lượng lớn lao động trẻ, có trình độ nghề, nên các Doanh nghiệp của CHLB Đức đang rất quan tâm đến nguồn lao động trẻ Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho lao động trẻ Việt Nam đã tốt nghiệp các trường nghề hoặc tốt nghiệp phổ thông nhưng chưa có việc làm”. Cũng theo Ông Bernd Bruckner thì ngoài chuyên môn, tay nghề đào tạo đạt chuẩn của Đức và châu Âu, thì lao động Việt Nam cần phải trình độ tiếng Đức ở cấp độ B1 mới có thể sang Đức làm việc”. Vì vậy, ông rất mong muốn tỉnh Vĩnh Phúc nghiên cứu những đề xuất của Học viện BIB để hai bên có hợp tác trong đào tạo những nghề mà Đức đang cần, lao động của Vĩnh Phúc sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ở Đức sẽ được Chính phủ Đức hỗ trợ làm việc lâu dài tại Đức.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hạnh – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh đánh giá cao năng lực, kinh nghiệm của Học viện BIB, chương trình liên kết đào tạo mà BIB đưa ra rất hữu ích và thiết thực cho Vĩnh Phúc trong điều kiện hiện nay. Đồng chí Nguyễn Tiến Hạnh  thông tin cho Ông Bernd Bruckner biết, Vĩnh Phúc đang có cơ cấu dân số vàng, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 62%, tương đương với 650.000 người; có khoảng 300.000 người ở Vĩnh Phúc thiếu việc làm, trong đó 11.000 lao động đã tốt nghiệp từ các trường Trung cấp, Cao đẳng và Đại học. Chính quyền tỉnh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, đưa lao động của tỉnh sang nước ngoài đào tạo kỹ năng nghề và làm việc có thời hạn. Tỉnh đã ban hành và tổ chức thực hiện tốt một số chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, chú trọng đưa lao động sang nước ngoài làm việc.

CHXNCH Việt Nam và CHLB Đức đã có mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp từ lâu. Chính phủ Đức đã có nhiều dự án hỗ cho Việt Nam trong giáo dục chuyên nghiệp và đào tạo nghề,… rất hiệu quả, trong có dự án hỗ trợ thiết bị đào tạo nghề tại Trường Cao đằng Nghề Vĩnh Phúc (tên cũ là Trường Cao đẳng Nghề Việt – Đức). Vì vậy, những thông tin mà BIB đưa ra, tỉnh Vĩnh Phúc rất hoan nghênh và mong muốn sớm được triển khai.

Tiếp đó, hai bên trao đổi ban đầu về cách thức hợp tác, đối tượng và chương trình hợp tác trong đào tạo nghề cho lao động tỉnh Vĩnh Phúc. Hai bên đã thống nhất cần có ngay những hành động cụ thể để thúc đẩy dự án tiến triển nhanh. Mục tiêu đạt được là Học viện BIB giúp Vĩnh Phúc đào tạo lao động các ngành nghề mà Đức đang cần, chương trình đào tạo theo chuẩn Đức và châu Âu. Sau hai đến ba năm đào tạo, học viên sẽ được cơ quan có thẩm quyền của Đức cấp chứng chỉ nghề. Các chứng chỉ này không chỉ có giá trị đối với thị trường Đức mà còn được công nhận tại các nước châu Âu. Buổi làm việc kết thúc, mở ra hướng mới hợp tác về đào tạo, sử dụng lao động giữa tỉnh Vĩnh Phúc và CHLB Đức./.

Tuyết Nhung - IPA Vinh Phuc