Thứ Năm, 25/11/2021 22:18:24 (GMT+7)

Liên doanh Công ty Vinamilk, Vilico, Tập đoàn Sojitz Nhật Bản hợp tác đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc

Ngày 25/11/2021, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam – Nhật Bản, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã trao bản nghi nhớ hợp tác đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc với liên doanh Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty thành viên Vilico, Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản về đầu tư, phát triển dự án bò thịt tại Vĩnh Phúc.

Liên doanh Công ty Vinamilk, Vilico, Tập đoàn Sojitz Nhật Bản hợp tác đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc

Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam – Nhật Bản là sự kiện nằm trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác từ ngày 23 đến 25/11/2021. Tỉnh Vĩnh Phúc tham dự có đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác tỉnh Vĩnh Phúc.

Dự án do liên doanh Công ty Vinamilk, Vilico và Tập đoàn Sojitz đầu tư tại Vĩnh Phúc với các nội dung: Triển khai nghiên cứu thực hiện dự án liên doanh, đầu tư cơ sở trang trại chăn nuôi – chế biến – phân phối sản phẩm thịt bò cung cấp cho thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Tổng giá trị Dự án qua các giai đoạn trong bản ghi nhớ đạt trên 500 triệu USD.

Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư 1.670 tỷ đồng (khoảng 74 triệu USD), dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2023, có quy mô công suất chăn nuôi khoảng 20.000 con bò thịt/năm tương đương 10.000 tấn thịt thương phẩm/năm, với cơ sở chế biến khép kín, công nghệ hiện đại.

Giai đoạn 2 của dự án Nhà đầu tư dự định đầu tư mở rộng tổng mức đầu tư lên đến 500 triệu USD trong các lĩnh vực: Đóng gói thịt, sản xuất và kinh doanh các loại thịt khác nhau; Xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển thực phẩm protein và nhà máy chế biến các sản phẩm thịt cao cấp.

Bên cạnh lợi thế về phát triển công nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi, chế biến: Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực, chủ động của người dân, doanh nghiệp, kinh tế nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển mới, toàn diện, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả ngày càng cao; Vĩnh Phúc có vị trí địa lý thuận lợi, gần sân bay quốc tế Nội Bài, giao thông nội tỉnh, giao thông giữa Vĩnh Phúc với các tỉnh miền núi phía Bắc, thủ đô Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng ngày càng thuận lợi, tạo cơ hội cho tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Vĩnh Phúc và phát triển thương mại nông sản với các địa phương khác. Vĩnh Phúc có cơ hội trở thành trung tâm thương mại, chế biến cho một số sản phẩm nông sản vùng miền núi phía Bắc; Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp hóa, đô thị hóa, thu nhập đầu người tăng tạo nên thị trường tiêu thụ nông sản đòi hỏi chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng cao, tạo cơ hội cho phát triển sản xuất và thương mại nông sản chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; Chiến lược phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị hóa của tỉnh tạo cơ hội cho việc rút lao động nông thôn khỏi nông nghiệp từ đó tạo điều kiện cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất xanh, sạch.

Với tiềm năng, lợi thế hiện có của tỉnh Vĩnh Phúc, mục tiêu dự án phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh trong giai đoạn mới, tạo ra sự thúc đẩy mạnh mẽ tới ngành nông nghiệp chăn nuôi của tỉnh.

Đây là dự án đầu tư thể hiện tinh thần hợp tác giữa các bên, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp, chăn nuôi, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương. Dự án phù hợp với Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 của tỉnh Vĩnh Phúc với mục tiêu: Tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ cao, chú trọng sản xuất những sản phẩm chăn nuôi có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, chăn nuôi hướng tuần hoàn, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo chuỗi liên kết, giảm giá thành sản phẩm, phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái./.

Nguyễn Nam