Lấy công nghiệp làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế, tạo nguồn lực để tái đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội
Trích tham luận của đồng chí Phạm Văn Vọng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội thảo “Tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn cốt yếu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa sau 30 năm đổi mới”.
Hôm nay, tỉnh Vĩnh Phúc rất vinh dự và phấn khởi được Nhóm Kinh tế của Ban Chỉ đạo Trung ương chọn là địa điểm tổ chức Hội thảo “Tổng kết một số vấn đề cốt yếu về công nghiệp hoá, hiện đại hoá sau 30 năm đổi mới”. Thay mặt Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và kính chúc sức khỏe đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Trung ương, các vị đại biểu cùng toàn thể các đồng chí về dự hội thảo hôm nay. Trân trọng gửi đến các đồng chí lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc. Chúc hội thảo thành công tốt đẹp!
Trong gần 30 năm qua, nhất là từ khi tái lập tỉnh đến nay, trên cơ sở những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tỉnh Vĩnh Phúc đã phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế, vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn của địa phương, đề ra nhiều chủ trương, cơ chế chính sách khá toàn diện trên mọi lĩnh vực, tạo tiền đề và thúc đẩy quá trình CNH, HĐH trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh đã xác định: Quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phải đi trước một bước; phát triển nhanh, mạnh công nghiệp để công nghiệp là nền tảng của nền kinh tế và tăng thu ngân sách; phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng; phát triển các ngành dịch vụ vừa làm đòn bẩy kinh tế, vừa tạo ra tăng trưởng kinh tế; trong đào tạo nguồn nhân lực lấy nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông làm nền tảng; lấy đào tạo nghề, đào tạo lao động chất lượng cao làm khâu đột phá; lấy nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp CNH, HĐH. Với quan điểm trên, trong những năm qua, Vĩnh Phúc đã khá thành công trong việc thực hiện CNH-HĐH trên cả 3 lĩnh vực chính là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ…
Qua tổng kết thực tiễn thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về CNH, HĐH, trên cơ sở những kết quả đạt được, tỉnh Vĩnh Phúc rút ra 5 bài học kinh nghiệm trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH ở địa phương, đó là:
Một là, nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng vào tình hình thực tế của địa phương để đẩy mạnh CNH, HĐH.Đảng bộ tỉnh luôn bám sát và quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng và Nhà nước về CNH, HĐH, không ngừng nghiên cứu, học tập và vận dụng sáng tạo vào thực tế của tỉnh, tạo ra bước đột phá trên nhiều lĩnh vực. Chủ động, kịp thời đề ra những chủ trương, giải pháp đúng đắn đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH của tỉnh như thu hút nhân tài, xúc tiến đầu tư, phát huy nội lực của các địa phương và tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương, các bộ, ban, ngành, sự đóng góp của nhân dân.
Đặc biệt, Vĩnh Phúc phát huy lợi thế gần thủ đô Hà Nội, gần sân bay quốc tế Nội Bài, có hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ và đường sắt chạy qua kết hợp với các chính sách ưu đãi để tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài đến đầu tư vào tỉnh. Chủ trương của tỉnh là phát triển mạnh công nghiệp, lấy công nghiệp làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế, đồng thời làm nguồn lực để tái đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.
Hai là, chủ động nhạy bén nắm bắt cái mới, chớp thời cơ, đề ra hướng đi đúng, bước đi thích hợp, cách làm sáng tạo
Khi tỉnh được tái lập cũng là khi đất nước chuyển mạnh sang thời kì CNH, HĐH, Vĩnh Phúc đã nhanh chóng tiếp thu đường lối của Đảng, thực hiện sớm hơn và hiệu quả hơn nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước trong công tác thu hút nhân tài và thu hút đầu tư.
Với phương châm “thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh”, Vĩnh Phúc đã chủ động lấy việc thu hút nguồn lực bên ngoài làm động lực chính để phát triển kinh tế, bằng cách tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn có tính cạnh tranh hơn so với một số tỉnh, thành khác. Các thủ tục hành chính được cải cách có hiệu quả, lãnh đạo tỉnh thường xuyên quan tâm chăm lo và gặp gỡ các doanh nghiệp để giải quyết khó khăn một cách kịp thời… Những chính sách của tỉnh cùng với lợi thế địa lý đã giúp tỉnh có được sự phát triển nhanh, mạnh, nhất là phát triển sản xuất công nghiệp.
Những năm gần đây, tỉnh chủ động lựa chọn các nhà đầu tư có chiến lược đầu tư dài hạn, đóng góp lớn cho ngân sách, có công nghệ hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng ít tài nguyên để kêu gọi đầu tư vào địa bàn. Đồng thời ban hành nhiều chính sách và dành một phần lớn nguồn lực nhằm phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ về giáo dục, y tế chất lượng cao, du lịch… để đảm bảo việc phát triển bền vững nền kinh tế của tỉnh.
Ba là, nhận thức rõ và phát huy tốt lợi thế so sánh, đồng thời có biện pháp tích cực để tiến hành CNH, HĐH.
Vĩnh Phúc là tỉnh đồng bằng, là miền chuyển tiếp, cầu nối giữa các tỉnh miền núi Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Ở vị trí cửa ngõ Thủ đô, nên những chủ trương, đường lối của Đảng, những cơ chế, chính sách mới của Chính phủ thường ảnh hưởng sớm vào các tỉnh lân cận, trong đó có Vĩnh Phúc.
Bên cạnh đó, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để tiến hành CNH. Đảng bộ tỉnh xác định, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là con đường ngắn nhất để CNH, HĐH, nhằm tận dụng, khai thác vốn, công nghệ, trình độ quản lí của các nước công nghiệp phát triển. Đồng thời, tạo ra nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, nhất là nông dân giành đất cho phát triển công nghiệp, coi đây là biện pháp hữu hiệu nhằm khai thác tối đa lợi thế về vị trí địa lí để tiến hành CNH, HĐH.
Bốn là, thường xuyên quan tâm xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; phát huy nhân tố con người, đổi mới phong cách làm việc.
Trong những năm qua, các cấp uỷ Đảng từ tỉnh đến cơ sở đã thường xuyên quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức rèn luyện cho cán bộ, đảng viên. Tập trung triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở yếu kém, gắn xây dựng tổ chức Đảng với việc củng cố xây dựng tổ chức bộ máy chính quyền, MTTQ và các đoàn thể; phát huy tốt vai trò giám sát của nhân dân, mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch. Nhờ vậy, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đại đa số cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ đã thể hiện rõ lập trường quan điểm vững vàng, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, kiên định con đường đi lên CNXH, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự thành công của công cuộc đổi mới. Nhiều cán bộ, đảng viên đã ra sức phấn đấu học tập và rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, có tinh thần trách nhiệm cao, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, trở thành những tấm gương tốt để quần chúng học tập và noi theo.
Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Nhờ làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp không ngừng được nâng lên, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước.
Năm là, kết hợp hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, đặc biệt là lợi ích của người dân, tạo đồng thuận trong xã hội.
Trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, Vĩnh Phúc luôn chủ trương kết hợp hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và của người dân, chính vì vậy, các chính sách của tỉnh luôn nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.
Điển hình cho các chính sách quan tâm đến người dân chính là Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nhờ kinh tế phát triển, tỉnh tích cực đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là nông dân và khu vực nông thôn. Kết quả, đến nay công tác xây dựng nông thôn mới của tỉnh thuận lợi hơn rất nhiều do đã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân từ năm 2006.
Bên cạnh việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi sản xuất, kinh doanh tại địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy luôn quan tâm đến lợi ích của người dân, cộng đồng dân cư. Ngoài các chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước, Vĩnh Phúc còn ban hành những cơ chế riêng, đặc thù để hỗ trợ cho người dân, cộng đồng như cơ chế cấp đất dịch vụ cho các hộ dân, cơ chế hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng cho các xã, thôn có đất nông nghiệp phải thu hồi. Chính vì vậy, các chính sách của tỉnh luôn nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân…
Để tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trong thời gian tới, tại hội thảo này, tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét, tham khảo một số giảp pháp sau:
Một là, cần đặc biệt coi trọng công tác giáo dục – đào tạo toàn diện con người vì giáo dục là quốc sách và con người là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Giải quyết tốt vấn đề giáo dục – đào tạo, không chỉ đào tạo được đội ngũ người lao động có đủ năng lực, có tay nghề, làm chủ được khoa học và công nghệ, có khả năng lãnh đạo, quản lý, có văn hoá… trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế ngày nay mà còn cân đối được giữa cung và cầu lao động trên từng lĩnh vực, ngành nghề, vùng miền, từ đó giải quyết tốt vấn đề lao động và việc làm. Không những vậy, làm tốt giáo dục thế hệ trẻ cũng đồng nghĩa với việc góp phần giảm tệ nạn xã hội, ngăn chặn đạo đức xã hội xuống cấp và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đưa đất nước ngày càng phát triển.
Hai là, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách để có những điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện một cách kịp thời (nhất là các lĩnh vực đang tồn tại nhiều bất cập như đất đai, xây dựng cơ bản, Luật Doanh nghiệp…) để tạo hành lang pháp lý minh bạch, thông thoáng, bình đẳng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.
Ba là, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển KT-XH đảm bảo sự hài hoà, dài hạn, không coi nhẹ kinh tế hay xã hội, theo hướng phát triển bền vững, có xét đến yếu tố vùng, miền, có sự phân công và phối hợp rõ ràng giữa các khu vực, các vùng, các địa phương, các tỉnh để tránh hiện tượng địa phương nào mạnh địa phương đó làm, gây nên hiện tình trạng chồng chéo, hay lối suy nghĩ ngắn hạn, trước mắt, cục bộ. Đồng thời, cần có những dự báo chính xác, những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô thích hợp, phù hợp với xu thế phát triển và có sự quan tâm thích đáng đến các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để cả nước cùng phát triển bền vững.
Bốn là, quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Trong quá trình phát triển hiện nay cần đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, đến việc áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất và kiểm soát chặt chẽ chất thải từ sản xuất công nghiệp, nuôi trồng trong nông nghiệp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, chú trọng công tác trồng rừng, bảo vệ rừng và bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên nước, đất và khoáng sản. Xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, lấn chiếm và sử dụng đất sai mục đích.
Năm là, tiếp tục duy trì và tạo lập quan hệ với các nước trên thế giới theo phương châm cùng có lợi, trên cơ sở đảm bảo độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Tranh thủ các nguồn lực, sự hỗ trợ từ bên ngoài, nhất là các nước phát triển để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Đi tắt, đón đầu trong việc tiếp cận và áp dụng khoa học công nghệ hiện đại của thế giới vào công cuộc CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế…
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh