Thứ Năm, 29/05/2014 14:47:33 (GMT+7)

Kinh tế – xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2014

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

1. Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

a. Về trồng trọt và chăn nuôi:

Trồng trọt: Trong tháng Năm, các địa phương trong tỉnh tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và rau màu vụ đông xuân. Sản xuất vụ đông xuân năm nay diễn ra chậm hơn so với khung thời vụ, do liên tục có rét đậm, rét hại vào đầu vụ, thời tiết ít nắng nên thời gian sinh trưởng và phát triển của cây lúa bị kéo dài, thời gian thu hoạch dự kiến sẽ chậm hơn so các năm. Sơ bộ, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân đạt 62.510 ha, giảm 0,15% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân giảm là do một phần diện tích được chuyển đổi sang trồng rau màu, những loại cây trồng mang giá trị kinh tế cao hơn. Do đó diện tích trồng rau các loại tăng khá so với cùng kỳ. Tổng diện tích rau các loại đạt 7.134 ha, tăng 18,33%, một số loại rau có giá trị kinh tế cao và được trồng nhiều như bí đỏ 1.758 ha (tăng 108,48%), dưa chuột 540 ha ( tăng 8,29%) so với cùng kỳ.

Hiện nay thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát sinh và gây hại trên các loại cây trồng, do đó các địa phương cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật, phương pháp phòng trừ, sử dụng các loại thuốc đặc hiệu, đảm bảo phun đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách để hạn chế tối đa ảnh hưởng của sâu bệnh đến kết quả sản xuất, góp phần cho sản xuất vụ đông xuân đạt kết quả tốt.

b. Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi trong tỉnh tháng năm tiếp tục được duy trì ổn định. Công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm được thực hiện chặt chẽ, công tác phòng chống dịch bệnh vật nuôi được tích cực triển khai và tuyên truyền rộng rãi… Đến nay, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn phát sinh.

c. Về lâm nghiệp:

Diện tích rừng trồng mới tập trung trong tháng Năm dự kiến đạt 150 ha, cộng dồn năm tháng đầu năm toàn tỉnh trồng được 501 ha (đạt 56,86% kế hoạch năm, tăng 229 ha so với cùng kỳ năm trước). Công tác chăm sóc bảo vệ rừng tiếp tục được duy trì. Năm tháng đầu năm, các đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh chăm sóc lần 1 cho 382 ha rừng, đạt 93,62% kế hoạch, giảm 13,35% so với cùng kỳ do nhiều diện tích rừng đã hết thời kỳ chăm sóc; diện tích rừng được giao khoán bảo vệ là 9.553 ha, đạt 100% kế hoạch.

Trong tháng Năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy rừng ở xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo làm cháy 0,2 ha cây bạch đàn. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay đã xảy ra 11 vụ cháy rừng, tăng 10 vụ so với cùng kỳ, diện tích rừng bị cháy là 17,6 ha. Hiện nay, thời tiết bắt đầu nắng nóng gay gắt, nguy cơ cháy rừng cao. Do vậy, công tác phòng chống cháy rừng cần phải được tăng cường hơn nữa để hạn chế tối đa nguy cơ cháy rừng, bảo vệ diện tích rừng hiện có.

d. Về thuỷ sản:

Sản xuất thủy sản tiếp tục được duy trì ổn định. Các hộ nuôi trồng đang tập trung thả cá giống vào chân ruộng 1 lúa 1 cá; các ao hồ thả cá vẫn tiếp tục đánh tỉa, thả bù và chăm sóc. Dự kiến đến hết tháng Năm, diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 5.230 ha, giảm 0,51% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản đạt 7.281 tấn, tăng 3,50% so với cùng kỳ (trong đó sản lượng nuôi trồng là 6.739 tấn, sản lượng khai thác là 542 tấn).

Hiện nay đang vào vụ nuôi trồng mới nên nhu cầu con giống cho sản xuất tăng cao. Dự kiến đến hết tháng Năm, số lượng con giống sản xuất ước đạt 1.148 triệu con, tăng 6,28% so với cùng kỳ; trong đó cá bột 602,7 triệu con, cá hương 239,6 triệu con, cá giống 305,6 triệu con.

2. Về Sản xuất Công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng Năm tăng 9,99% so với tháng trước và tăng 1,29% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng tăng nhẹ là do các doanh nghiệp tuy đã ổn định sản xuất nhưng lượng sản phẩm tồn kho vẫn tương đối nhiều, một số mặt hàng tiêu thụ chậm.

Chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bốn tháng đầu năm 2014 giảm 3,89% so cùng kỳ. Các ngành có chỉ số tiêu thụ sản phẩm tăng là: Ngành dệt tăng 20,80%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 16,38%; sản xuất xe có động cơ tăng 8,27%; sản xuất trang phục tăng 9,60%. Ngành có chỉ số tiêu thụ sản phẩm giảm là: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 16,20%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 12,67%.

Dự kiến năm tháng đầu năm 2014, các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn sản xuất được 104.349 m3 đá các loại, tăng 18,58% so với cùng kỳ; 4.458 tấn chè, giảm 20,63%; 49.999 tấn thức ăn gia súc, giảm 13,48%; 17.170 nghìn quần áo các loại, tăng 0,30%; 30.576 nghìn m2 gạch ốp lát, tăng 14,3%; 14.681 xe ô tô các loại, tăng 20,74%; 872.762 xe máy các loại, giảm 14,16%; 601 triệu kwh điện thương phẩm, tăng 8,91%; 4.657 nghìn m3 nước uống được, tăng 3,22% so với cùng kỳ năm 2013.

3. Về tình hình đầu tư

a. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI):

Trong tháng 5/2014 (Từ ngày 21/4 đến 20/5/2014): Không phát sinh dự án cấp mới; Điều chỉnh tăng vốn cho 01 dự án là Công ty TNHH Power logics Vina tại Khu công nghiệp Khai Quang: 5 tr USD (Từ 11 triệu USD lên 16 triệu USD)

Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 155 dự án, tổng vốn đầu tư 2.828 triệu USD, diện tích sử dụng đất 180,2 ha, dự kiến sử dụng lao động 7.223 người.

b. Đầu tư trực tiếp trong nước (DDI):

Trong tháng 5/2014 tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 01 dự án điều chỉnh quy mô đầu tư và giảm vốn 6,0 tỷ VNĐ của Công ty TNHH TM&DV Mạnh Long tại Xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc và 01 dự án giải thể DN, rút GCNĐT là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vĩnh Phúc, bán lại tài sản cho Công ty TNHH Minh Thành với tổng vốn đầu tư 14,95  tỷ VND; diện tích: 2,079 ha; lao động 32 người.

Lũy kế đến 20/5/2014 toàn tỉnh có 549 dự án, tổng vốn đầu tư 33.214,4 tỷ VND.

c. Đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước:

Tính chung năm tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 1.469 tỷ đồng, giảm 6,94% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh là 821 tỷ đổng, chiếm 55,91%; nguồn vốn ngân sách cấp huyện là 356 tỷ đồng, chiếm 24,22%; nguồn vốn ngân sách cấp xã là 292 tỷ đồng, chiếm 19,87% trong tổng số.

4. Về thương mại, giá cả và dịch vụ

a. Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Năm dự kiến đạt 2.629 tỷ đồng, tăng 1,79% so với tháng trước và tăng 24,95% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh tế cá thể tăng 7,88%, kinh tế tư nhân tăng 47,49%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,92 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung năm tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 13.484 tỷ đổng, tăng 22,38% so với cùng kỳ năm 2013.

b. Xuất, nhập khẩu hàng hoá: 

Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng Năm dự kiến đạt 115,8 triệu USD, tăng 5,84% so với tháng trước và tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là khu vực xuất khẩu chủ yếu, chiếm hơn 90% giá trị trong tổng số với 108,7 triệu USD, tăng 6,02% so với tháng trước và tăng 47,15% so với cùng kỳ; kinh tế tư nhân thực hiện 6,9 triệu USD, tăng 3,01% so tháng trước và bằng 80,55% cùng kỳ. Tính chung năm tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 506,3 triệu USD, tăng 63,8% so với cùng kỳ; trong đó kinh tế nhà nước đạt 589 nghìn USD, kinh tế tư nhân đạt gần 38 triệu USD, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 467,7triệu USD.

Tổng kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tháng Năm dự kiến đạt 157,2 triệu USD, tăng 3,06% so với tháng trước và tăng 22,03% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 322 nghìn USD, tăng 33,06%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 150,7 triệu USD, tăng 36,06%; kinh tế tư nhân giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 6,17 triệu USD và bằng 34,63% cùng kỳ. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu trong tháng là các nguyên, vật liệu để gia công sản xuất như: vải may mặc, hàng điện tử, sắt thép, linh kiện ô tô, xe máy… Tính chung năm tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 728,4 triệu USD, tăng 10,8% so cùng kỳ năm 2013.

c. Chỉ số giá tiêu dùng: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,06% so với tháng trước và tăng 3,23% so với cùng tháng năm trước. Nguyên nhân chính làm CPI tháng này giảm là do giá một số nhóm mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm giảm… Các nhóm còn lại giá tương đối ổn định và biến động nhẹ. Tính chung năm tháng đầu năm 2014 CPI tăng 7,59% so với cùng kỳ.

d. Vận tải hành khách và hàng hoá: Năm tháng đầu năm 2014, tổng doanh thu vận tải đạt 1.287 tỷ đồng, tăng 19,23% so với cùng kỳ

5. Một số vấn đề xã hội

a. Về Y tế: 

Tình hình sốt phát ban dạng sởi trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế. Theo thống kê của Sở Y tế, đến ngày 14/5/2014, số bệnh nhân dương tính với sởi là 118 người, tổng số bệnh nhân phát ban dạng sởi đang điều trị tại các bệnh viện là 78 người. Tính đến nay, 19 xã có bệnh nhân mắc bệnh sởi không ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh mới sau 21 ngày kể từ ca mắc cuối cùng. Toàn tỉnh đã tổ chức tiêm phòng vét vắc xin sởi cộng dồn mũi một cho 4.182 trẻ, đạt 97% và tiêm phòng sởi mũi hai cho 5.295 trẻ trong độ tuổi, đạt 100%.

Trong khi dịch sởi có dấu hiệu tạm lắng thì từ đầu năm đến nay, số ca mắc tay, chân, miệng và sốt xuất huyết lại có dấu hiệu gia tăng. Nếu như đối với bệnh sởi, cách phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm phòng thì đối với bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay, chân, miệng vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, người dân cần chủ động phòng bệnh cho con em mình bằng cách tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường…

b. Về giáo dục:

Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT và tuyển sinh năm 2014, chiều 15/5/2014 tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh năm 2014 tổ chức hội nghị triển khai công tác chuẩn bị, xây dựng phương án thực hiện để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn và đạt kết quả cao nhất.

Bên cạnh việc chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp, công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp bậc Tiểu học, THCS, THPT và các trường ĐH, CĐ cũng được UBND tỉnh chỉ đạo tới các huyện, thành, thị và các sở, ban ngành liên quan.

c. Về văn hóa:

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức với quy mô lớn để ca ngợi chiến thắng lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, làm nên vẻ vang của dân tộc:

– Chương trình biểu diễn nghệ thuật mang tên ” Chiến thắng Điện Biên – bản hùng ca bất diệt” do Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Công ty Cổ phần thương mại Sông Hồng Thủ đô tổ chức vào tối 06/5/2014 tại khu công viên quảng trường tỉnh.

– Cùng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm, sáng 07/5/2014, Hội đồng đội tỉnh tổ chức Liên hoan Chiến sỹ nhỏ Điện Biên năm  học 2013-2014. Có 60 Chiến sỹ nhỏ tham dự Liên hoan là những học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập và hoạt động đội, đại diện cho trên 300.000 học sinh tiểu học các huyện, thành, thị.

Hưởng ứng các hoạt động chung của Liên Hiệp Quốc, năm 2014, lần thứ hai Việt Nam được đăng cai tổ chức Đại lễ Tam Hợp lần thứ XI tại khu du lịch chùa Bái Đính (Ninh Bình). Cùng chung với cả nước, sáng 10/5/2014, tại Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, Ban đại diện Phật giáo huyện Sông Lô tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2558 – dương lịch 2014. Tiếp theo đó, ngày 12/5/2014 tại chùa Hà Tiên (Thành phố Vĩnh Yên), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã tổ chức Đại lễ Phật đản.

 

Vân Anh – IPA Vinh Phuc (Tổng hợp từ Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tháng 4/2014 của Cục Thống kê Vĩnh Phúc)