Thứ Bảy, 05/04/2014 18:19:22 (GMT+7)

Kinh tế Vĩnh Phúc quý I/2014 tăng trưởng chậm so cùng kỳ

Ba tháng đầu năm 2014, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: tiêu thụ sản phẩm chủ lực công nghiệp chậm, sản xuất nông nghiệp thời tiết không thuận lợi,… nên tốc độ tăng trưởng kinh tế Vĩnh Phúc quý I/2014 đạt thấp.

Tình hình thực hiện của các ngành, lĩnh vực  cụ thể như sau:

 

Về phát triển kinh tế

Về tăng trưởng kinh tế: Ước giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP – theo giá so sánh 2010) quý I/2014 tăng 2,98% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó: ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 6,44%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 2,27%, các ngành dịch vụ tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.

 

Về trồng trọt và chăn nuôi: Trong quý I/2014, toàn tỉnh đã tập trung thu hoạch trên tổng diện tích gieo trồng vụ đông đạt 20.387 ha, tăng 2,4% so với cùng kỳ, trong đó tăng chủ yếu do diện tích trồng rau các loại tăng. Về sản xuất vụ xuân, tính đến 20/3/2014, toàn tỉnh đã gieo trồng được 39.191,25 ha cây vụ xuân, ha đạt 95,59% so với KH, bằng 97,9% so với cùng kỳ, nguyên nhân giảm so với cùng kỳ, chủ yếu là do thời tiết từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 3/2014 có rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống thấp đột ngột, đã ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng, đặc biệt là với diện tích lúa Xuân muộn, toàn tỉnh đã có 3.143,6 ha lúa ảnh hưởng và 1.448,24 ha lúa bị chết rét phải cấy lại. Chăn nuôi gia súc, gia cầm được duy trì ổn định, đáp ứng được nhu cầu thực phẩm tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán của nhân dân; Đồng thời, trước tình hình dịch cúm gia cầm ở một số địa phương trên cả nước đang diễn biến hết sức phức tạp, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo quyết liệt trong việc tăng cường công tác phòng chống và sẵn sàng ứng phó với dịch cúm AH5N1; H7N9 và các chủng virut cúm từ gia cầm lây sang người; chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, … Kết quả, trong ba tháng đầu năm 2014 không có dịch bệnh bùng phát trên địa bàn.

 

Về sản xuất công nghiệp: nhìn chung vẫn còn khó khăn, sản lượng sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu như: ô tô từ 5 – 14 chỗ đạt 7.626 chiếc, tăng 12,4% so với cùng kỳ, đạt 21,1% so kế hoạch; gạch ốp lát các loại đạt 16,8 triệu m2, tăng 14,4%  so với cùng kỳ, đạt 22,4% so kế hoạch, … Riêng sản phẩm xe máy các loại do nhu cầu tiêu dùng giảm nên ba tháng đầu năm 2014 sản lượng xe máy ước chỉ đạt  624.911 chiếc, giảm 1,96% so với cùng kỳ, đạt 25,3% so kế hoạch; đây được coi là nguyên nhân chính làm cho tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp tăng thấp so với cùng kỳ năm 2013. Tính bình quân 3 tháng đầu năm 2014, chỉ số phát triển sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ tăng 1,73% so với cùng kỳ.

 

Các ngành dịch vụ có sự tăng trưởng ở 12/14 lĩnh vực thuộc ngành, như: thương mại sửa chữa tăng 8,4%; lưu trú và ăn uống tăng 12,8%, thông tin và truyền thông tăng 13,4%; kinh doanh bất động sản tăng 8,0%; khoa học công nghệ tăng 6%; giáo dục – đào tạo tăng 8,0%; y tế và dịch vụ cứu trợ xã hội tăng 5,0%… Các hoạt động du lịch, dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển nhanh, với chất lượng ngày càng tốt hơn.

 

Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 275,9 triệu USD, đạt 23,9% kế hoạch và tăng 75,8% so cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 415,1 triệu USD, bằng 20,6% kế hoạch và tăng 8,6% so cùng kỳ.

 

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ Quý I/2014 ước đạt 8.354,9 tỷ đồng, tăng 21,3% so cùng kỳ, bằng 23,4% kế hoạch năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 03/2014 có giảm nhẹ, so với tháng 02/2014 chỉ số chung toàn tỉnh giảm 0,29%, trong đó giá hàng lương thực tăng 1,22%, thực phẩm giảm 0,14%; nhóm hàng ăn uống ngoài gia đình giảm 4,77%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,41%; nhóm hàng nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,03%; nhóm hàng giao thông tăng 0,29%; nhóm hàng giáo dục tăng 0,39%… Bình quân 3 tháng đầu năm 2014 CPI tăng 8,72% so với cùng kỳ.

 

Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại đang tích cực thực hiện các chính sách liên quan đến lãi suất theo quy định của Chính phủ, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ, tinh thần Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/01/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2014. Ước tính đến 31/3/2014, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 25.750 tỷ đồng, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2013 và tăng 0,55% so với cuối năm 2013; tổng dư nợ cho vay đến ước đạt 22.345 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2013 nhưng giảm 1,87% so với cuối năm 2013, trong đó tỷ lệ nợ xấu hiện chiếm 3,15% trên tổng dư nợ.

 

Vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 3.665 tỷ đồng, bằng 21,7% kế hoạch năm, tăng 52,7% cùng kỳ năm 2013, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước ước đạt 895 tỷ đồng ; Vốn do các doanh nghiệp DDI đầu tư  ước đạt 270 tỷ đồng Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) ước đạt 533 tỷ đồng; Vốn của dân cư & DN dân doanh trong tỉnh ước đạt 1.720 tỷ đồng; Vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý  ước đạt 27 tỷ đồng và Vốn NS đầu tư của các Bộ, ngành Trung ương đầu tư trên địa bàn: ước đạt 220 tỷ đồng.

 

Về đầu tư nguồn ngân sách tỉnh quản lý năm 2014: ước đến hết 31/3/2014, khối lượng hoàn thành ước đạt 825 tỷ đồng, giải ngân ước đạt 895 tỷ đồng, bằng 19,1% kế hoạch, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2013. Nguồn vốn giải ngân tập trung chủ yếu ở nguồn vốn NSNN do địa phương quản lý, các nguồn vốn khác đã bắt đầu triển khai thực hiện nhưng khối lượng không nhiều.

 

Thu ngân sách đạt kết quả cao, tính đến hết 31/3/2013, tổng thu ngân sách ước đạt 4.880,4 tỷ đồng, tăng 21,1% so cùng kỳ, đạt 27,4% so dự toán năm HĐND tỉnh giao , trong đó: thu nội địa đạt 4.344,2 tỷ đồng, tăng 27,9% so cùng kỳ, đạt 30,2% so dự toán năm; thu thuế xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng hàng nhập khẩu đạt 483,9 tỷ đồng, giảm 22,8% so cùng kỳ, đạt 16,4% dự toán.

 

Tổng chi ngân sách trong quý I/2014 ước đạt 3.433,5 tỷ đồng, tăng 2,9% so cùng kỳ và đạt 35,9% so với dự toán năm HĐND tỉnh giao.

 

Về thu hút đầu tư tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực: Trong quý đã làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 22 dự án, trong đó: 13 dự án DDI, với số vốn đầu tư đăng ký là 1.327,5 tỷ đồng, so với cùng kỳ: tăng 116,7% về số dự án, tăng trên 8,8 lần về vốn đầu tư, so với kế hoạch: đạt 86,7% về dự án, đạt 88,5% về vốn đăng ký và 09 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 116,3 triệu USD đạt 60% kế hoạch cả năm về số dự án thu hút và đạt 64,6% kế hoạch cả năm về tổng vốn đầu tư . Luỹ kế đến hết Quý I/2014, trên địa bàn tỉnh có 697 dự án còn hiệu lực, gồm 547 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 32.591 tỷ đồng, vốn thực hiện ước đạt 42,5% vốn đăng ký và 150 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 2.866,8 triệu USD, vốn thực hiện ước đạt 46,6% vốn đăng ký.

 

Quý I/2014, tình hình phát triển doanh nghiệp dân doanh đã có dấu hiệu khởi sắc. Trong quý đã cấp 125 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tăng 27,6% so cùng kỳ 2013, với số vốn đăng ký đạt 357 tỷ đồng tăng 25,3% so cùng kỳ 2013, đồng thời đã có 520 doanh nghiệp sau thời gian khó khăn rơi vào tình trạng ngừng hoạt động nay đã quay trở lại hoạt động. Luỹ kế đến hết 31/3/2014 toàn tỉnh có 5.790 doanh nghiệp dân doanh với tổng số vốn đăng ký 39.556 tỷ đồng. trong đó, có 3.915 doanh nghiệp dân doanh hoạt động (chiếm 67,6%);

 

Về xã hội

Nhìn chung, đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo; Các hoạt động văn hoá thể thao mừng Đảng, mừng xuân được các cấp, các ngành chức năng và các địa phương tổ chức rộng khắp, sôi động; Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công Chương trình Xuân Quê hương 2014, đã để lại dấu ấn sâu sắc, ý nghĩa trong lòng kiều bào về quê đón Tết; Khai mạc Hội báo xuân Vĩnh Phúc năm 2014;…

 

Công tác giải quyết việc làm cho người lao động mặc dù đã được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, các cấp các ngành tích cực triển khai thực hiện, ba tháng đầu năm đã giải quyết việc làm được cho 5.140 lao động, tăng 8% so với cùng kỳ và đạt khoảng 24,5% so với kế hoạch.

 

Hoạt động hỗ trợ các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn được các cấp, các ngành tích cực quan tâm, thực hiện. Công tác thăm hỏi tặng quà được tổ chức chu đáo, trang trọng, đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính quyền địa phương với người có công. Ban Dân tộc và các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, trao quà cho các đối tượng là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh với 68 suất quà, trị giá 20,4 triệu đồng; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn cũng tích cực tham gia với 4.000 suất quà, trị giá 1.231 triệu đồng; kiều bào đã tặng 700 suất quà Tết cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh,  … Đảm bảo người dân là đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn đều được nhận quà trước Tết và đón xuân mới trong không khí phấn khởi, yên tâm, đã góp phần ổn định trật tự xã hội trên địa bàn.

 

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, phòng, chống dịch được tăng cường, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo, không có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm soát an toàn giao thông được đẩy mạnh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2014 với chủ đề “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng xe” ; ban hành kế hoạch tổ chức đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông Tết Dương lịch 2014, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và Lễ hội xuân 2014, đã góp phần hạn chế tai nạn giao thông trên địa bàn./.

 

Vũ Thị Vân Anh - IPA Vĩnh Phúc