Kinh tế Vĩnh Phúc khởi sắc trở lại
Bất chấp những khó khăn của nền kinh tế thế giới và trong nước, kinh tế Vĩnh Phúc đã phục hồi nhanh chóng, lấy lại đà tăng trưởng, có đến 16/18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Vĩnh Phúc đang bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế đầy hứa hẹn với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 đạt 7,89%.
Vượt qua suy thoái, tăng trưởng ngoạn mục
Kinh tế Vĩnh Phúc đã vượt qua suy thoái tương đối nhanh, những chỉ số kinh tế cơ bản như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, xúc tiến đầu tư, thu-chi ngân sách đều thể hiện rõ những dấu hiệu tích cực. Các số liệu thống kê ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt trội trong một số ngành như nông nghiệp với năng suất lúa vụ xuân đạt cao nhất từ trước đến nay (60,3 tạ/ha), diện tích gieo trồng tăng 3.273 ha so với năm 2012; sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, trong đó khu vực nhà nước tăng 11,6%, khu vực ngoài nhà nước tăng 7,8%, khu vực FDI tăng 12%; thu ngân sách hơn 19.000 tỷ đồng, tăng 38,4%, trong đó 13/13 khoản thu nội địa đều đạt với khoảng 15.200 tỷ đồng, tăng 55,4%…
Một trong những yếu tố tích cực giúp cho kinh tế Vĩnh Phúc lấy lại đà tăng trưởng là nhờ các công ty lớn đứng chân trên địa bàn như: Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam… Năm 2012, do ảnh hưởng của động đất, sóng thần tại Nhật Bản, thêm vào đó, lũ lụt ở Thái-lan đã ảnh hưởng tới việc cung cấp các linh kiện điện tử cho các nhà sản xuất ô-tô, xe máy tại Việt Nam. Tuy vậy vào đầu năm 2013, Chính phủ ban hành chính sách không thực hiện việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện; giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô-tô chở người dưới 10 chỗ ngồi, nên đã sớm kích thích người tiêu dùng mua sắm ô-tô, cộng với sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản đã ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế của Vĩnh Phúc. Ðiều này thể hiện rõ trong việc tiêu thụ ô-tô, xe máy, nếu như năm 2012, sản lượng tồn kho xe ô-tô của Công ty Toyota Việt Nam gần 2.100 xe, Honda Việt Nam gần 120 xe; xe máy Honda khoảng 13.000 chiếc, Piaggio gần 15.000 chiếc thì tính đến tháng 10-2013 đã tiêu thụ 30.357 xe (đạt 102% kế hoạch); trong đó: Xe Toyota tiêu thụ 27.238 xe (đạt 97% kế hoạch); xe Honda tiêu thụ 3.119 xe (đạt 183% kế hoạch). Trung bình mỗi chiếc xe ô-tô sản xuất ra đóng góp cho ngân sách khoảng 300 triệu đồng, trong đó nộp ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc khoảng 180 triệu đồng.
Một yếu tố khác là việc thực thi các cơ chế chính sách của Chính phủ, cũng như của tỉnh trong phát triển kinh tế – xã hội đã và đang phát huy hiệu quả. Thêm một nhân tố nữa là Vĩnh Phúc tiếp tục là lực hút lớn so với các tỉnh lân cận về dòng vốn FDI. Năm 2013, số dự án thu hút (FDI, DDI) tăng cao so với năm 2012 và vượt kế hoạch đặt ra với tổng số 42 dự án. Trong đó có 21 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 314,8 triệu USD, tăng 3,5 lần về số dự án và 206% về số vốn đăng ký. Không chỉ vốn FDI đăng ký gia tăng, năm 2013 đã có thêm 14 dự án FDI đi vào sản xuất, kinh doanh, đưa tổng số dự án FDI đầu tư vào Vĩnh Phúc lên 112 dự án. Ðây là một nhân tố tích cực khiến hoạt động sản xuất tiếp tục được mở rộng, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2013.
Tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư
Năm 2007, Dự án Compal của Tập đoàn máy tính xách tay Ðài Loan (Trung Quốc) có giá trị đăng ký hơn 570 triệu USD giai đoạn 1 và sẽ nâng lên một tỷ, 1,5 tỷ USD trong các giai đoạn sau ở Khu công nghiệp Bá Thiện, huyện Bình Xuyên đã đem đến nhiều hy vọng cho tỉnh trong việc giải quyết việc làm, tăng trưởng kinh tế. Nhiều chính sách, ưu đãi được đưa ra, tuy nhiên dự án không triển khai, dân mất đất sản xuất, đào tạo nghề đón đầu cho người dân càng trở nên lãng phí. Vì vậy, năm 2013, tỉnh đã phải kiên quyết thu hồi đất để giải quyết cho những doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất, thuê hạ tầng dù diện tích nhỏ nhưng sẽ đem lại hiệu quả thiết thực. Tổng số diện tích thu hồi là gần 650 ha ở hai khu công nghiệp Bình Xuyên II và Bá Thiện. Ðó là bước đi đầu tiên và quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Phúc sau nhiều năm tụt hạng liên tiếp, trong đó có nguyên nhân tiếp cận đất đai.
Dây chuyền sản xuất của Nhà máy Piaggio Việt Nam tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: BÁO VĨNH PHÚC
Với chính sách cụ thể, rõ ràng và một thông điệp gần gũi “Các nhà đầu tư đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc”, trong bối cảnh hiện nay, Vĩnh Phúc vẫn được coi là một địa điểm đầu tư khá hấp dẫn. Vì vậy, bất chấp mọi rủi ro, khủng hoảng, bên cạnh vốn đầu tư được mở rộng trong lĩnh vực thương mại dịch vụ thì 70% số vốn tiếp tục được đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Ở những ngành công nghiệp chế tạo linh kiện, điện tử, vốn FDI tiếp tục tăng một cách đều đặn với sự tham gia của các nhà đầu tư từ các nước truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ngay từ đầu năm, tỉnh đã tập trung cao độ, dồn sức và thật sự quyết liệt trong công tác thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, triển khai nhiều biện pháp để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Giải quyết thủ tục hành chính các dự án đầu tư trực tiếp và đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách theo cơ chế một cửa liên thông, đã rút ngắn thời gian từ một phần ba đến một nửa so với quy định chung của Nhà nước. Bên cạnh đó, còn đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó thiết lập và đưa vào vận hành Cổng thông tin đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền để kịp thời giải đáp các câu hỏi, kiến nghị của doanh nghiệp. Và mọi việc nếu được làm một cách chuyên nghiệp thì chắc chắn Vĩnh Phúc sẽ thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư. Ðể giải quyết vấn đề này, từ đầu năm 2013, tỉnh đã thành lập ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc với hy vọng sẽ có ảnh hưởng tốt, tạo điều kiện thu hút dòng vốn đầu tư vào Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên, sẽ là quá vội vàng khi tin rằng con đường phát triển cho Vĩnh Phúc không còn những khó khăn và bấp bênh. Các doanh nghiệp ở địa phương nhỏ bé có sức cạnh tranh thấp, đứng trước những khó khăn đã có tới 30% số doanh nghiệp phải giải thể hoặc tạm dừng hoạt động. Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá nhưng chưa vững chắc, tăng trưởng chủ yếu do một số công ty lớn đầu tư nước ngoài. Ðây là yếu tố khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại khi lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu ô-tô đang cận kề (năm 2018 thuế nhập khẩu sẽ giảm xuống còn 0%) trong khi nguồn thu ngân sách của Vĩnh Phúc đang phụ thuộc tới 80% vào lĩnh vực này. Phải chăng đã đến lúc Vĩnh Phúc cần phải tìm cho mình một hướng đi mới.
Ðến năm 2015, mục tiêu phấn đấu đưa Vĩnh Phúc cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, vì vậy, tỉnh tiếp tục xác định sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển, tập trung nguồn vốn cho các công trình trọng điểm và xây dựng nông thôn mới. Nhưng để hướng tới sự phát triển ổn định và bền vững, phải có sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ hơn vào các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, vốn là tiềm năng và lợi thế của tỉnh còn đang bỏ ngỏ.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh