Thứ Tư, 11/12/2013 7:45:17 (GMT+7)

Kinh tế năm 2013 – Bứt tốc về đích sớm

Ở thời điểm, còn gần 2 tháng nữa mới kết thúc năm 2013, tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá đã có nhiều chỉ tiêu kinh tế hoàn thành sớm; góp phần đưa tỉnh ta “lấy lại” đà tăng trưởng, ước đạt 7,89%, vượt chỉ tiêu kế hoach năm 2013 và cao hơn bình quân cả nước (4,9%). Điều đó đã khẳng định sự nỗ lực, vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh trong việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để tạo nên những thành công trên.

Công ty cổ phần Ống thép Việt – Đức là một trong những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thép hàng đầu ở Việt Nam. Công ty nâng cao hiệu quả và có sản lượng sản xuất tăng so cùng kỳ. Ảnh D.H

Bước vào thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2013, cùng với các địa phương trong cả nước, tỉnh ta tiếp tục chịu ảnh hưởng những bất lợi do những khó khăn chung của kinh tế thế giới, nhất là trong nước. Tuy nhiên, lường trước những khó khăn, chủ động nắm bắt thời cơ, để vượt qua thách thức, UBND tỉnh đã sớm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời bám sát và cụ thể hóa kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh… với quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng tình ủng hộ của các thành phần kinh tế và sự đồng thuận của nhân dân nền kinh tế của tỉnh năm 2013 tiếp tục thu được nhiều kết quả hết sức khả quan. Theo báo cáo thống kê, tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP) tăng 7,89%, trong đó giá trị gia tăng các ngành đều đạt chỉ số dương. Cụ thể như: Nông, lâm nghiệp tăng thuỷ sản tăng 5,09%; công nghiệp – xây dựng tăng 10,34%; dịch vụ tăng 7,9%.

Bứt tốc về đích sớm phải kể 2 lĩnh vực thu hút đầu tư và thu ngân sách. Trước khi bước vào thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2013, đây là những chỉ tiêu kinh tế được xem khó hoàn thành. Tuy nhiên, chỉ mới trải qua hơn ¾ thời gian năm 2013, hai chỉ tiêu này đã thu được những kết quả ngoài mong đợi, trong khi các địa phương khác trong cả nước đang phải vật lộn và đối mặt với không hoàn thành 2 chỉ tiêu này.

Về thu hút đầu tư, 9 tháng năm 2013, toàn tỉnh đã thu hút 34 dự án đầu tư mới, trong đó 18 dự án FDI với số vốn đăng ký 229,6 triệu USD, tăng 3,4 lần số dự án, 2,6 lần số vốn đăng ký và 18 dự án DDI với số vốn đăng ký 6.048 tỷ đồng, tăng 20% số dự án, 11 lần lần về số vốn. Ước năm 2013, toàn tỉnh thu hút được 42 dự án (FDI, DDI) gồm: 21 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 314,8 triệu USD (gồm 181,8 triệu USD cấp mới và 133 triệu USD tăng vốn), tăng 3,5 lần về số dự án và 206% về số vốn đăng ký so với năm 2012, đạt 157% kế hoạch và 21 dự án DDI với 6.247 tỷ đồng vốn đăng ký (gồm 4.467,7 tỷ đồng cấp mới và 1.579,3 tỷ đồng tăng vốn), bằng 95% về số dự án và tăng 3,34 lần về vốn đăng ký so với năm 2012, đạt 416% kế hoạch đề ra. Luỹ kế đến hết năm 2013, trên địa bàn tỉnh có 675 dự án còn hiệu lực, gồm: 137 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 2.767,6 triệu USD và538 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 31.727 tỷ đồng. Đặc biệt hơn, thu ngân sách Nhà nước, riêng thu nội địa qua 10 tháng năm 2013 đã thực hiện 13.113,9 tỷ đồng, đạt 110,4% so với dự toán pháp lệnh, đạt 108,1% so với dự toán phấn đấu và bằng 170,5% so với cùng kỳ năm trước; đã có tới 13/13 chỉ tiêu thu đạt 100% và vượt so với số thu cùng kỳ năm 2012, trong đó có các chỉ tiêu chủ yếu vượt cao so với cùng kỳ như: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu doanh nghiệp ngoài quốc doanh, thu từ các khoản thu từ đất, thu cố định tại xã và thu phí lệ phí năm 2013. Ước tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2013 đạt 18.596 tỷ đồng, tăng 38,4%so năm 2012 và đạt 115% dự toán HĐND tỉnh giao (đạt 123% dự toán điều chỉnh), trong đó: thu nội địa ước đạt 15.200 tỷ đồng, tăng 55,4% và đạt128% dự toán.

Góp phần vào thắng lợi chung của năm 2013 còn phải kể đến lĩnh vựcnông, lâm nghiệp, thuỷ sản; ước năm 2013 tăng 5,26% so với năm 2012; giá trị tăng thêm (theo giá SS 2010) tăng 5,09% so với năm 2012, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 3,8%). Tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng so với cùng kỳ năm 2012 như đàn lợn tăng 3,84%, đàn trâu tăng 0,1%, đàn bò tăng 1,48% và đàn gia cầm 6,29%; giá trị nuôi trồng thuỷ sản cũng tăng4,4% so với năm 2012.

Lĩnh vực công nghiệp được cho một năm với nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp. Tuy vậy, ước năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11,3% so với năm 2012 và bằng 106,4% kế hoạch. Hầu hết các doanh nghiệp chủ lực của tỉnh như: Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio, phanh Nissin, VPCI1, Microshine, thép Việt Đức, tập đoàn Prime… đều đã chủ động khai thác thị trường tiêu thụ, duy trì số lượng đơn hàng, nâng cao hiệu quả sản xuất và có sản lượng sản xuất tăng khá so cùng kỳ.

Góp phần tạo nên những “gam màu” sáng cho bức tranh kinh tế của tỉnh còn phải kể đến đóng góp của các ngành dịch vụ, trong đó, hầu hết các ngành dịch vụ vẫn có được sự tăng trưởng so với năm 2012 như: Ngành thương mại sửa chữa tăng 18,7%; ngành vận tải kho bãi tăng 8,2%; ngành thông tin liên lạc tăng 11,0%; ngành quản lý nhà nước và an ninh quốc phòng tăng 8,5%; ngành y tế và dịch vụ cứu trợ xã hội tăng 6,5%; ngành dịch vụ giáo dục đào tạo tăng 10,2%… Tuy nhiên, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh (giảm 24,1%) và một số ngành có mức tăng thấp như tài chính ngân hàng và bảo hiểm tăng 2,2%, kinh doanh bất động sản tăng 3%, khoa học công nghệ tăng 4%… Do vậy, năm 2013, tăng trưởng chung của khu vực dịch vụ chỉ tăng 7,9% so với năm 2012.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu tăng cao mặc dù kinh tế trong và ngoài nước vẫn gặp khó khăn, phục hồi chậm, nhu cầu ở mức thấp nhưng do các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng mới, mở rộng thị trường nên hầu hết các mặt hàng chủ yếu của tỉnh đều tăng so cùng kỳ, nhất là mặt hàng linh kiện điện tử tăng đột biến (tăng 238,54%). Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 982,3 triệu USD, tăng 47,6% so cùng kỳ và bằng 125,9% kế hoạch. Kim ngạch nhập khẩu tăng khá, ước đạt 1.986,4 triệu USD tăng 16% so với năm 2012 và bằng 97% kế hoạch. Năm 2013, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về du lịch, về con người Vĩnh Phúc hưởng ứng ‘‘Năm du lịch đồng bằng Sông Hồng’’; chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức các lễ hội và nhất là tổ chức thành công Tuần Văn hóa – Du lịch năm 2013 với nhiều hoạt động thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân. Ước tổng lượt khách du lịch đạt khoảng 1,899 triệu lượt, tăng 2,5% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 776,1 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ…

Năm 2014, tỉnh xác định là năm “Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thu hút đầu tư và thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển; tập trung cho các công trình trọng điểm và xây dựng nông thôn mới”. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 6,5 – 7,0% so với năm 2013; trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 2,5-3,0%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 6,0 – 6,5%; khu vực dịch vụ tăng khoảng 9 – 9,5%; thuế nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng khoảng 2%. Để thực hiện tốt những mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, nhiệm vụ của năm 2014 cần tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, chính sách đã phát huy tác dụng trong năm 2013 và trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV về mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp: Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, đảm bảo duy trì mức tăng trưởng hợp lý; thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, thu hút mọi nguồn lực, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trước mắt ưu tiên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông huyết mạch của tỉnh; tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng;đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; chủ động quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; tăng cường quản lý hiệu quả giá cả thị trường…

Theo Văn Cường - Báo Vĩnh Phúc