Kiên quyết đấu tranh với chuyển giá trong các doanh nghiệp đầu tư từ nước ngoài
Chuyển giá trong lĩnh vực thuế hiện nay không còn là một vấn đề mới, nhưng trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của nền kinh tế, nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, với việc đón dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) ngày càng lớn thì vấn đề chuyển giá của các doanh nghiệp (DN) FDI đang là vấn đề tạo ra sự bất bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các DN, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước (NSNN).
Chuyển giá được hiểu là các công ty, tập đoàn thành lập ra các công ty con hoặc các công ty liên kết ở các vùng, quốc gia có mức thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) khác nhau, thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản không theo giá thị trường trong các giao dịch liên kết nhằm chuyển lợi nhuận từ công ty thuộc vùng, quốc gia có mức thuế suất thuế TNDN cao về các công ty thuộc vùng, quốc gia có thuế suất thuế TNDN thấp hơn để tối thiểu hóa số thuế TNDN phải nộp và tối đa hóa lợi nhuận sau thuế của công ty, tập đoàn. Chuyển giá xuất phát từ quyền tự do định đoạt trong kinh doanh, các chủ thể hoàn toàn có quyền quyết định giá cả của một giao dịch kinh tế. Do vậy, các tập đoàn kinh tế hoàn toàn có quyền mua hay bán hàng hóa, dịch vụ với giá chuyển giao theo ý muốn cho các công ty liên kết nhằm tránh áp thuế suất cao và đảm bảo tối đa hóa lợi nhuận cho cả tập đoàn. Quyền này được pháp luật về kinh doanh của mọi quốc gia thừa nhận, nó chỉ bị hạn chế bởi các quy định pháp luật có liên quan, chẳng hạn như pháp luật về cạnh tranh, về thương mại hoặc chính bởi những điều luật về định giá chuyển giao. Chính vì vậy, thanh tra thuế đối với hoạt động chuyển giá luôn là vấn đề khó khăn, phức tạp, đó là cuộc đấu tranh lâu dài dựa trên cơ sở những bằng chứng pháp lý tin cậy về giá thị trường và những kỹ năng động viên, thuyết phục người nộp thuế buộc phải “chấp nhận”. Chống chuyển giá đang thực sự trở thành bài toán khó, đặt ra những yêu cầu và thách thức lớn cho ngành thuế trong việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và đội ngũ công chức thuế chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý giá chuyển nhượng và đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra chống chuyển giá.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 5.500 DN đăng ký cấp mã số thuế, với trên 250 DN có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động. Cục Thuế tỉnh hiện đang quản lý khoảng 180 DN có vốn đầu tư nước ngoài, tập trung vào một số ngành nghề và lĩnh vực như: Sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy (Công ty Honda Việt Nam, Công ty Toyota Việt Nam, Công ty Piaggio Việt Nam, Công ty TNHH xe buýt Daewoo Việt Nam); sản xuất linh kiện ô tô, xe máy (27 DN); sản xuất linh kiện điện tử (23 DN); dệt may (16 DN); da giày (2 DN); xây dựng và các lĩnh vực khác. Các DN đầu tư nước ngoài này đã có tầm ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh, đóng góp đáng kể vào số thu ngân sáchhàng năm của tỉnh (trên 80% số thu NSNN của tỉnh là từ khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài), góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn người lao động trong và ngoài tỉnh.
Thời gian qua, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh cho thấy, phần lớn các DN trong và ngoài nước đầu tư trên địa bàn tỉnh đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Việt Nam nói chung và chính sách thuế nói riêng và đóng góp số thu lớn cho NSNN. Bên cạnh đó, vẫn còn số ít DN hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng mở rộng song liên tục kê khai lỗ kéo dài, không phát sinh hoặc phát sinh rất nhỏ thuế TNDN phải nộp cho cơ quan quản lý thuế. Đây có thể coi là dấu hiệu rõ nét có liên quan đến hoạt động chuyển giá. Trong quá trình triển khai, đôn đốc và kiểm soát tình hình kê khai thông tin các giao dịch liên kết của tất cả các DN có giao dịch liên kết theo quy định, nổi lên các DN thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, sản xuất bao bì… có các giao dịch liên kết như công ty mẹ, công ty con hoặc lãnh đạo công ty có quan hệ đồng sở hữu vốn với DN bên nước ngoài, liên tục kê khai lỗ hoặc không có phát sinh thuế TNDN.
Theo đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra Thuế 1 (Cục Thuế tỉnh) cho biết, một số dấu hiệu chuyển giá có thể nhận biết ngay trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, như: Các DN nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng để sản xuất sản phẩm từ công ty mẹ hoặc từ các công ty liên kết khác ở nước ngoài với giá không đúng giá thị trường nhằm mục đích chuyển giá về công ty mẹ hoặc chuyển giá (lợi nhuận) về công ty liên kết ở nước có thuế suất thấp hơn; các DN nhập khẩu máy móc, thiết bị từ công ty mẹ để tạo tài sản cố định dưới hình thức góp vốn không theo giá thị trường nhằm mục tiêu chuyển giá (chuyển lợi nhuận) ra nước ngoài, làm giảm lợi nhuận và thuế TNDN trong nội địa thông qua việc tăng chi phí khấu hao tài sản cố định qua các năm; chuyển giá thông qua các hoạt động chuyển giao công nghệ, chi phí trợ giúp kỹ thuật, tiền bản quyền, chi phí cho quảng cáo cho thương hiệu của công ty mẹ không đúng với giá trị thực…
Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Thông tư số 66/2010/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành ngày 22 / 4 / 2010 về việc hướng dẫn xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên liên kết có hiệu lực thi hành, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động chuyển giá, Cục Thuế tỉnh đã tiến hành rà soát, phân loại, đánh giá rủi ro, lựa chọn đối tượng DN để xây dựng kế hoạch thanh tra, trong đó tập trung vào các DN có quy mô lớn, DN thua lỗ kéo dài, đặc biệt là các DN có tư cách pháp nhân độc lập nhưng do một số người cùng chung vốn đầu tư, các DN có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời thực hiện kiểm tra chuyển giá tại một vài DN đã đạt được những kết quả nhất định. Nổi bật như, năm 2012, Cục Thuế tỉnhđã tiến hành kiểm tra giá chuyển nhượng đối với Công ty TNHH Deawoo STC&Apparel, là DN có 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc (thời kỳ kiểm tra từ năm 2008 – 2011), qua phân tích, DN đã thừa nhận có kê khai thông tin giao dịch liên kết nhưng không đưa ra phương pháp xác định giá thị trường của các giao dịch này. Vì thế, sau khi kiểm tra, DN này đã chấp nhận giảm lỗ (từ năm 2008 – 2012) là 33,4 tỷ đồng, tăng thu nhập chịu thuế là 16 tỷ đồng, do DN đang trong thời gian được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế nên số thuế TNDN truy thu và xử phạt hành chính là 205 triệu đồng. Năm 2013, Cục Thuế tỉnh triển khai thanh tra giá chuyển nhượng đối với Công ty TNHH Vinakorea, ngành nghề kinh doanh thực tế là gia công may mặc (thời kỳ thanh tra từ năm 2008 – 2012). Sau khi tiến hành thu thập và phân tích thông tin, DN đã thừa nhận có kê khai thông tin giao dịch liên kết nhưng không đưa ra phương pháp xác định giá thị trường của các giao dịch liên kết phù hợp với giá thị trường, đồng thời chấp nhận phương án xác định giá giao dịch thị trường và phương án tỷ suất thu nhập thuần trước thuế TNDN trên tổng chi phí các năm mà Tổng Cục thuế đã phê duyệt, do DN đang trong thời gian được miễn giảm thuế TNDN nhưng vẫn phải điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế là 147,4 tỷ đồng, Cục Thuế tỉnh đã truy thu và xử phạt DN với số tiền 11,3 tỷ đồng. Năm 2014, Cục Thuế tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch thanh tra giá chuyển nhượng đối với Công ty TNHH Shinwon Ebeneze Việt Nam, kinh doanh may mặc (thời kỳ thanh tra từ năm 2007 – 2013). Kết luận thanh tra, DN đã thừa nhận có vi phạm về giá chuyển nhượng, đồng thời chấp nhận điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế là 93 tỷ đồng, phải nộp số tiền truy thu và xử phạt hành chính là 7,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh cũng thường xuyên cử cán bộ tham gia đầy đủ các khóa bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo về giá chuyển nhượng do Tổng cục Thuế tổ chức nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác thanh, kiểm tra. Đồng thời, tiến hành phân loại các DN có giao dịch liên kết theo nhóm ngành nghề, lĩnh vực và kết quả kinh doanh để thuận tiện trong quá trình theo dõi, kiểm tra.
Trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế đất nước có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ, quy mô và hình thức sản xuất kinh doanh của DN ngày càng đa dạng thì hành vi chuyển giá có xu hướng gia tăng, tinh vi và phức tạp hơn. Vì vậy, công tác cập nhật, lưu trữ thông tin DN là hết sức quan trọng, cơ quan quản lý Nhà nước về thuế tăng cường công tác thanh, kiểm tra chống chuyển giá, từ đó, góp phần tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho các DN, tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng để các DN trong nước cũng như DN có vốn đầu tư nước ngoài có thêm nhiều cơ hội giao thương và hợp tác phát triển.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh