Thứ Tư, 30/11/2016 16:08:56 (GMT+7)

Khó khăn trong công tác thu phí môi trường đối với nước thải công nghiệp

Để bảo vệ nguồn nước, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2013/NĐ-CP (Nghị định 25) về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Sau hơn 3 năm thực hiện, công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải nói chung và nước thải công nghiệp nói riêng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai công tác này đang gặp phải không ít khó khăn.

Khó khăn trong công tác thu phí môi trường đối với nước thải công nghiệp

Cán bộ Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu, phân tích hàm lượng các chất gây ô nhiễm có trong nước thải công nghiệp của các cơ sở, doanh nghiệp để phục vụ công tác thu phí. Ảnh Chu Kiều

Ngay sau khi Nghị định 25 có hiệu lực, với chức năng nhiệm vụ được giao, Chi cục Bảo vệ môi trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đến các cơ sở, doanh nghiệp. Hàng năm, chi cục tổ chức rà soát, thống kê các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có phát sinh nước thải công nghiệp để phân loại, bổ sung thêm các đối tượng nộp phí; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở, doanh nghiệp kê khai, nộp phí theo đúng quy định…Nhờ vậy, công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Năm 2015, chi cục đã thu phí bảo vệ môi trường đối với 70 cơ sở, doanh nghiệp. Trong đó, thu phí cố định (một lần/năm) đối với 44 cơ sở, doanh nghiệp có mức xả thải bình quân dưới 30m3/ngày, đêm; thu phí biến đổi (thu hằng quý) đối với 26 cơ sở, doanh nghiệp có mức xả thải từ 30m3/ngày, đêm trở lên với tổng số tiền thu được 565 triệu đồng. Tuy nhiên, con số này so với tổng số các cơ sở, doanh nghiệp thực tế hoạt động trên địa bàn tỉnh có phát sinh nước thải công nghiệp còn khá khiêm tốn.

Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Chử Ngọc, cán bộ Phòng Tổng hợp, Chi cục Bảo vệ môi trường, người trực tiếp làm công tác thu phí cho biết: Công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là khó xác định được lưu lượng nước thải và hàm lượng các chất gây ô nhiễm có trong nước thải của các cơ sở, doanh nghiệp để phân loại đối tượng nộp phí và tính khoản thu đúng thực tế. Bởi, lưu lượng nước thải và hàm lượng các chất gây ô nhiễm có trong nước thải của các cơ sở, doanh nghiệp thường xuyên biến đổi. Trong khi đó, việc lấy mẫu phân tích phục vụ công tác thu phí cũng gặp trở ngại do nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chủ yếu xả thải vào buổi đêm hoặc sáng sớm như: Sản xuất sắt, thép; gạch ốp lát…dẫn đến thống kê số phí phải nộp không sát với thực tế. Hơn nữa, theo quy định, việc kê khai số phí phải nộp do các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện. Lợi dụng việc này, một số cơ sở, doanh nghiệp cố tình kê khai số phí thấp hoặc kê khai lấy lệ, gây khó khăn cho công tác phân loại đối tượng nộp phí và tính số phí phải nộp. Công tác thẩm định thì chủ yếu căn cứ vào thông tin do doanh nghiệp tự kê khai hoặc theo kết quả thanh tra (trong vòng 12 tháng) của các đơn vị có liên quan như: Thanh tra môi trường tỉnh, Cảnh sát môi trường, Tổng cục Môi trường…nên mức độ chính xác chưa cao. Ngoài ra, theo quy định, cơ sở, doanh nghiệp có lượng nước thải trung bình năm dưới 30 m3/ngày, đêm thì thu phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, đối với những cơ sở nhỏ lẻ có lượng nước thải trung bình năm rất nhỏ khoảng từ 1-3 m3/ngày, đêm nên khó áp dụng mức phí cố định này.

Một nguyên nhân nữa là việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sản xuất trong khi bộ máy nhân lực, cán bộ chuyên trách làm công tác này còn mỏng, nên khó kiểm soát hết. Quy trình, phương thức thu phí hiện nay còn rườm rà, cơ sở, doanh nghiệp tự kê khai trước, sau đó cán bộ phụ trách lĩnh vực này tiến hành xác minh, rà soát, lấy mẫu phân tích, gửi thông báo số phí cho cơ sở, doanh nghiệp mất nhiều thời gian và công sức. Một số cơ sở, doanh nghiệp đã chuyển đổi mục đích sản xuất, kinh doanh hoặc không còn hoạt động nhưng lại không thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước gây khó khăn cho công tác điều tra, cập nhập, phân loại các đối tượng phải nộp phí. Chính vì vậy, việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện triệt để theo quy định.

Trước thực trạng này, Chi cục Bảo vệ môi trường đã tham mưu cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tổ chức các đợt kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm không thực hiện nộp phí theo quy định.Chi cục kiến nghị với các bộ, ngành có liên quan cần rà soát và sửa đổi một số quy định nhằm đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện của địa phương.

Để khắc phục những khó khăn đó, mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 154/2016/NĐ-CP thay thế Nghị định 25/2013/NĐ-CP về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Theo đó, đối với nước thải công nghiệp, trường hợp có lượng nước thải trung bình năm tính phí dưới 20 m3/ngày, đêm số phí cố định phải nộp là 1,5 triệu đồng/năm; trường hợp có lượng nước thải trung bình trong năm từ 20 m3/ngày, đêm trở lên phải nộp phí biến đổi hàng quý. Khi nghị định này khi có hiệu lực sẽ khắc phục phần nào những hạn chế trong công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo Thanh Huyền - Báo Vĩnh Phúc