Thứ Bảy, 24/12/2016 9:30:57 (GMT+7)

Khẳng định vai trò ngành kinh tế chủ lực

Sau 20 năm tái lập, với sự quan tâm và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp của tỉnh, đến nay, ngành Công nghiệp Vĩnh Phúc đã có bước phát triển lớn mạnh, khẳng định vai trò ngành kinh tế chủ lực trong phát triển KT – XH của tỉnh.

Khẳng định vai trò ngành kinh tế chủ lực

Công ty TNHH Exedy Việt Nam là một trong những doanh nghiệp của Nhật Bản đầu tư thành công tại Vĩnh Phúc, có đóng góp lớn cho ngân sách của tỉnh.

Sau khi tái lập tỉnh (năm 1997), Vĩnh Phúc bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển KT- XH trong điều kiện chồng chất khó khăn. Với xuất phát điểm là tỉnh thuần nông, sản xuất nông nghiệp chiếm tới 52,5% giá trị GDP; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm; thu ngân sách chưa đầy 100 tỷ đồng, phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương; cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng còn nghèo nàn… trong khi đó, nhu cầu xây dựng tại tỉnh rất lớn. Trước những khó khăn đó, tỉnh xác định, lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và phát triển doanh nghiệp là động lực phát triển KT-XH.

Với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”, những năm qua, tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp như: Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi; giảm giá thuê đất và gia hạn nộp thuế đất; huy động nguồn kinh phí ứng trước từ doanh nghiệp để giải phóng mặt bằng nhanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách các thủ tục hành chính; hoàn thiện hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp… Đặc biệt, những năm gần đây, trước tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu khiến không ít các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn, tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, duy trì bộ phận một cửa, một cửa liên thông ở các sở, ngành, cấp huyện; vận hành Cổng thông tin đối thoại doanh nghiệp – chính quyền để kịp thời giải đáp các câu hỏi, kiến nghị của doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư, kiên quyết thu hồi đối với các dự án chậm tiến độ, không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích thuê đất để giải quyết cho những doanh nghiệp có nhu cầu thiết thực; thực hiện mô hình “Cà phê doanh nghiệp” tổ chức định kỳ vào thứ sáu hàng tuần để UBND tỉnh đối thoại với các doanh nghiệp… Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh và có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng. Từ 1 khu công nghiệp với quy mô 50ha và 91 doanh nghiệp với vốn đăng ký 57 tỷ đồng năm 1997, đến nay, Vĩnh Phúc đã có 19 danh mục khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ưu tiên phát triển với diện tích 5,5 nghìn ha; 7.394 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký55,9 nghìn tỷ đồng, tăng 981 lần về vốn đăng ký so với năm 1997. Toàn tỉnh thu hút được 856 dự án, trong đó có 227 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 3,4 tỷ USD; 629 dự án DDI, tổng vốn đăng ký hơn 49 nghìn tỷ đồng… Nhiều nhà đầu tư, Tập đoàn hàng đầu thế giới đã đến Vĩnh Phúc đầu tư và rất thành công như các công ty: Toyta Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam… đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong số 13 tỉnh, thành phố có điều tiết về ngân sách Trung ương.

Theo ông Toshikazu Bohmuki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Exedy Việt Nam, với vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng khu công nghiệp khá đồng bộ. Bên cạnh đó, tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào và lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, lắng nghe chia sẻ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Sau hơn 10 năm có mặt tại Vĩnh Phúc, Công ty không ngừng lớn mạnh, từng bước khẳng định thương hiệu Exedy, trở thành đối tác tin cậy của nhiều hãng ôtô, xe máy như: Honda, Yamaha, Suzuki… Năm 2016, doanh thu của công ty ước đạt hơn 614 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2015; giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động, với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, Công ty tiếp tục đổi mới dây chuyền công nghệ; nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng sản lượng cung cấp sản phẩm cho Công ty Honda Việt Nam…,phấn đấu doanh thu năm 2017 tăng 8% so với năm 2016.

Cùng với phát triển các khu công nghiệp, lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, làng nghề cũng được tỉnh quan tâm đầu tư. Thông qua chương trình khuyến công, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng đào tạo, truyền nghề, xây dựng các mô hình trình diễn… giúp các làng nghề bảo tồn và phát triển. Đến nay, hầu hết các làng nghề đều phát triển mạnh, phát huy tiềm năng, không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều làng nghề truyền thống đã khẳng định được vị thế trên thị trường như: Làng nghề rắn Vĩnh Sơn; làng nghề đá Hải Lựu; các làng nghề mộc ở Thanh Lãng, Bích Chu, Thủ Độ; làng nghề mây tre đan Cao Phong… Sự phát triển của các làng nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động ở nông thôn, chuyển từ lao động nông nghiệp sang làm nghề với mức thu nhập tăng cao.

Để xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, du lịch của vùng, cả nước và là thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI, thời gian tới, tỉnh mở rộng sản xuất và tăng tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp chủ lực như ô tô, xe máy. Khuyến khích phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Phát triển ngành điện tử, dệt may, giày dép trở thành ngành mũi nhọn và xuất khẩu. Từng bước phát triển sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như điện tử gia dụng. Tập trung sản xuất lắp ráp các thiết bị tin học. Phát triển sản xuất sản phẩm có thế mạnh về vật liệu xây dựng có nguồn nguyên liệu tại chỗ. Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cho các KCN. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển dịch vụ, du lịch; đầu tư, quản lý và khai thác có hiệu quả khu danh thắng Tây Thiên, Đại Lải, Tam Đảo, các công trình văn hóa, phúc lợi kết hợp với hoạt động du lịch. Khuyến khích xây dựng các khu vui chơi, giải trí lớn, hiện đại; phát triển hệ thống kho bãi và dịch vụ logistic.

Theo Mai Liên - Báo Vĩnh Phúc