Hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao
Đầu tháng 8 năm 2015, Công ty VinEco-Tập đoàn Vingroup đã tổ chức Lễ khởi công lắp đặt và xây dựng nhà kính đầu tiên gieo trồng để có các sản phẩm nông sản sạch từ sản xuất nông nghiệp tại tỉnh ta với quy mô 24,5ha, có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, sử dụng công nghệ của Israel, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp . Đây là cơ hội để sản phẩm nông nghiệp Vĩnh Phúc nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường và chủ động hội nhập kinh tế .
Đến nay, trồng trọt đã giữ ổn định sản xuất 3 vụ/năm, năng suất các loại cây trồng không ngừng tăng do áp dụng tiến bộ mới về giống và kỹ thuật thâm canh. Từng bước hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa cho thu nhập cao như: Bí đỏ đạt giá trị trên 64 triệu đồng/ha/vụ; ớt đạt 110 triệu đồng/ha/vụ; dưa chuột, bí xanh đạt 115 triệu đồng/ha/vụ; dưa hấu 127,5 triệu đồng/ha/vụ; cà chua 183 triệu đồng/ha/vụ; su su đạt gần 600 triệu đồng/ha/năm…đưa giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác đạt từ 30 triệu đồng/ha (năm 2006) lên gần 135 triệu đồng/ha (năm 2015).
Những năm gần đây, khi diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp để nhường chỗ cho phát triển công nghiệp, đô thị thì việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại khi hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án hỗ trợ mô hình rau, hoa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng, được thực hiện trong 2 năm (2014 – 2015). Đến năm 2015, dự án đã và đang triển khai hỗ trợ kinh phí cho 18 tổ chức, cá nhân tại các huyện: Yên Lạc, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Lập Thạch và thành phố Vĩnh Yên. Với mức hỗ trợ 200 triệu đồng cho mỗi mô hình nhà lưới có diện tích từ 500m2, các tổ chức, cá nhân đã có điều kiện sản xuất, nhân giống hàng nghìn cây ghép như cà chua ghép, dưa hấu ghép, mướp ghép cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh; tạo việc làm cho từ 20 – 40 lao động với mức lương trung bình trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Theo đánh giá của các hộ tham gia, mô hình trồng rau, hoa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao là hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra giá trị, hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để tham gia những mô hình này, đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư khá lớn, vì vậy, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ về vốn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất, chăm sóc cây giống để mô hình được nhân ra diện rộng, giúp bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ổn định đời sống và vươn lên làm giàu.
Theo Quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, bên cạnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở ưu tiên đầu tư cho các loại cây, con giống có hiệu quả kinh tế cao, Vĩnh Phúc xác định sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất là khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp. Trong đó, ưu tiên phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ biến đổi gen vào sản xuất; lấy khoa học công nghệ là điểm tựa chính để nâng cao nhanh năng suất, chất lượng và hiệu quả nông nghiệp trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp; đầu tư xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng nông sản, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…đưa độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2015 – 2020 đạt 3%; tổng GDP nông, lâm, thủy sản (theo giá so sánh) năm 2020 đạt 2.032 tỷ; GDP toàn ngành chiếm tỷ trọng 3,4% vào năm 2020.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số ngành liên quan thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp tại tỉnh ta cơ bản vẫn đang ở giai đoạn học hỏi và “chạy theo” các nước. Trên thực tế, năng suất nông sản đã tăng lên rất nhiều ở thời điểm trước khi tái lập tỉnh nhưng chất lượng vẫn chưa cao; các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít và nhỏ lẻ; người nông dân vẫn còn thụ động trong việc tiếp nhận công nghệ mới. Đặc biệt, công tác bảo quản, chế biến nông sản ở tỉnh còn hạn chế, mang tính tự phát, phân tán trong dân, công nghệ lạc hậu, chất lượng hàng hóa thấp, nhất là khâu chế biến nông sản vẫn khá đơn giản, sản phẩm đưa ra thị trường chủ yếu dưới dạng thô nên giá trị kinh tế thấp…
Giải bài toán trên, thời gian qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù, đồng thời cụ thể hóa bằng nhiều chương trình hợp tác, kêu gọi đầu tư với các nước có nền nông nghiệp phát triển trong khu vực và trên thế giới; đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ để các doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, hỗ trợ về máy móc, thiết bị giúp nông dân các địa phương trong tỉnh có điều kiện tiếp cận, đem những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại áp dụng vào sản xuất nông nghiệp…
Với nhiều dự án trong lĩnh vực nông nghiệp đang được các cấp, ngành, địa phương triển khai trên địa bàn tỉnh là minh chứng cụ thể cho thấy, dẫu còn nhiều khó khăn, thử thách ở phía trước nhưng khi có quyết tâm cao từ chính quyền, sự đồng thuận của người dân, chắc chắn con đường tiến tới một nền nông nghiệp công nghệ cao của Vĩnh Phúc sẽ không còn xa.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh