Thứ Năm, 21/07/2022 8:45:04 (GMT+7)

Hội thảo trực tuyến giữa tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Tochigi – Nhật Bản

Hội thảo trực tuyến giữa tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Tochigi – Nhật Bản

Các đại biểu tham gia hội thảo trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc

Chiều ngày 15/7, hội thảo trực tuyến giữa tỉnh Tochigi, Nhật Bản và tỉnh Vĩnh Phúc được tổ chức với chủ đề “Triển vọng kinh tế Việt Nam và Môi trường đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc”. Hội thảo do UBND tỉnh Vĩnh Phúc, chính quyền tỉnh Tochigi và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại tỉnh Tochigi (JETRO Tochigi) đồng chủ trì. Tham dự hội thảo về phía tỉnh Vĩnh Phúc có đại diện các Sở, ngành: Kế hoạch & Đầu tư, Ngoại vụ, Công thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh. Về phía tỉnh Nhật Bản có đại diện lãnh đạo một số Sở, ngành tỉnh Tochigi, JETRO Tochigi và 25 doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh Tochigi trong các lĩnh vực: sản xuất, chế tạo, dịch vụ, công nghệ thông tin…Tham dự hội thảo còn có đồng chí Vũ Hồng Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng và môi trường đầu tư tại Việt Nam và phía tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã cung cấp các thông tin về môi trường đầu tư, các chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư  của tỉnh Vĩnh Phúc.

Về thu hút đầu tư, lũy kế đến hết tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh có 1.267 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó: 438 dự án FDI từ 20 quốc gia/vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư 7,3 tỷ USD; Nhật Bản có 59 dự án đầu tư trực tiếp tại Vĩnh Phúc với tổng vốn đăng ký khoảng 1,62 tỷ USD. Nhật Bản là quốc gia có số lượng dự án và vốn đăng ký xếp thứ 2 so với các nước đầu tư vào Vĩnh Phúc. Năm 2021, các doanh nghiệp Nhật Bản đóng góp vào ngân sách tỉnh hơn 16,8 nghìn tỷ đồng (0,7 tỷ USD). Một số doanh nghiệp Nhật Bản tiêu biểu tại Vĩnh Phúc gồm: Toyota, Honda, Sumitomo, Hitachi Astemo, Sojitz,…

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Huyền Trang – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp Vĩnh Phúc (Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc) cho biết: “Tỉnh Vĩnh Phúc ưu tiên phát triển các doanh nghiệp theo chuỗi cung ứng, nhất là các doanh nghiệp đầu chuỗi cung ứng thuộc các lĩnh vực: Xe máy (ưu tiên xe điện, xe chất lượng cao); Điện tử gia dụng; Máy nông nghiệp và cơ khí chế tạo; Ô tô, ô tô điện và linh kiện ô tô”. Vĩnh Phúc đã xây dựng được các chuỗi cung ứng tương đối hoàn chỉnh cho các lĩnh vực trên. Khung pháp lý và chính sách dành riêng cho công nghiệp chế biến chế tạo, chính sách hỗ trợ của Chính phủ  và các địa phương khi tập trung nguồn lực vào phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực này khá hoàn thiện, các nhà đầu tư không bị vướng mắc về thủ tục nhiều. Tỉnh Vĩnh Phúc là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong đầu tư, kinh doanh so với các tỉnh ở phía Bắc của Việt Nam.

Tochigi có vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế Nhật Bản là trạm trung chuyển giữa khu vực phía bắc và phía nam giữa phía đông và phía tây của Nhật Bản. Tỉnh Tochigi là nơi tập trung nhiều tập đoàn kinh tế và các khu công nghiệp, bao gồm cả Cụm công nghiệp Kiyohara, một trong những cụm công nghiệp lớn nhất Nhật Bản. Tochigi có quy mô GDP khoảng 85 tỷ USD, có thế mạnh trong lĩnh vực chế  tạo, y tế, du lịch, nông nghiệp. Hiện có 14 doanh nghiệp của tỉnh Tochigi hoạt động tại Việt Nam, chủ yếu là về lĩnh vực sản xuất các chế phẩm từ nhựa và kim loại. Bên cạnh lĩnh vực sản xuất nhựa và kim loại, tỉnh Tochigi có thế mạnh về nông sản, các phương pháp chăm sóc và cấy ghép dâu nổi tiếng, đây là thế mạnh thu hút rất nhiều du học sinh, nghiên cứu sinh tới tỉnh Tochigi. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch, với các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và sản phẩm lâm nghiệp.

Tháng 11/2021, tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Tochigi đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác hữu nghị giữa hai tỉnh. Nhằm triển khai các  nội dung biên bản ghi nhớ đã ký kết, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc mong muốn thu hút được doanh nghiệp tỉnh Tochigi đến đầu tư nhất là trên các lĩnh vực sản xuất, chế tạo và đặc biệt là nông nghiệp sạch, với các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và sản phẩm lâm nghiệp./.

Phạm Diệu Linh