Hội thảo: Thực tiễn tốt trong cải thiện PCI khu vực Đồng bằng sông Hồng và Kinh tế trọng điểm phía Bắc
Ngày 20/8/2015 tại Bắc Ninh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID) tại Việt Nam tổ chức hội thảo: Thực tiễn tốt trong cải thiện PCI khu vực Đồng bằng sông Hồng và Kinh tế trọng điểm phía Bắc. Tham dự gồm lãnh đạo UBND tỉnh, các cơ quan xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp của một số tỉnh/thành trong khu vực. Đại diện thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã cử đại diện chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI đã nhấn mạnh yêu cầu phải quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh cấp quốc gia, cấp tỉnh trong giai đoạn Việt Nam đang hội nhập sâu và rộng với Thế giới. Chính phủ đã thể hiện quyết tâm chính trị, các bộ ngành TW, các địa phương cần phải nhận thức rõ và triển khai quyết liệt 2 nghị quyết 19 năm 2014 và 2015 của Chính phủ mới đạt yêu cầu đề ra. Đại diện địa phương đăng cai tổ chức, Ông Nguyễn Hữu Thành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã có bài phát biểu chào mừng.
Hội thảo chia thành 4 phiên:
Phiên 1: Trình bày tổng quan về môi trường kinh doanh các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Khu vực trọng điểm phía Bắc dưới sự chủ trì của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI trình bày về môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành khu vực đồng bằng sông Hồng và khu vực trọng điểm phía Bắc. Tiến sĩ Edmumd Malesky, Giáo sư Đại học Duke, Hoa Kỳ, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI trình bày về vai trò của minh bạch trong cải thiện môi trường kinh doanh tại các địa phương. Tiếp đó Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam trình bày về việc thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiên môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia: Vai trò của địa phương.
Phiên 2: Cải cách tủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh dưới dự chủ trì của Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.
Mở đầu, thay mặt địa phương luôn có PCI tốt nhất, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Xã hội TP. Đà Nẵng trình bày nội dung: Cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi cơ chế, chính sách: Kinh nghiệm từ Đà Nẵng. Tiếp theo, ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Kinh tế – Xã hội tỉnh Bắc Ninh, địa phương luôn có PCI trong nhóm tốt và rất tốt trình bày chủ đề: Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu: Giới thiệu cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp tại Bắc Ninh. Thay mặt tỉnh miền núi Lào Cai, tỉnh có PCI khá ổn định ở nhóm đầu, ông Lý Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày nội dung: Xây dựng bộ chỉ số đánh giá các huyện thị: Kinh nghiệm của tỉnh Lào Cai.
Phiên 3: Hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư do TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chủ trì.
Mở đầu, TS. Trần Đình Thiên trình bày về cải cách thể chế kinh tế: Những yêu cầu đặt ra cho các địa phương trong bối cảnh hội nhập kinh tế. Ông Thiên nhấn mạnh về vai trò đặc biệt của người đứng đầu ở mỗi địa phương, mỗi ngành quyết định đến môi trường đầu tư của mỗi tỉnh.
Bà Vũ Thị Kim Chi, Phó trưởng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) tỉnh Quảng Ninh, Tổ phó Tổ công tác PCI của tỉnh trình bày chuyên đề: Theo sát bước chân nhà đầu tư: Kinh nghiệm từ Quảng Ninh. Tiếp đó, ông Võ Văn Hùng, Giám đốc IPA tỉnh Quảng Nam trình bày nội dung: Quảng Nam và công tác Hỗ trợ doanh nghiệp.
Phiên 4: Tăng cường vai trò của các hiệp hội và cơ quan dân cử trong cải thiện môi trường kinh doanh. Ông Đậu Anh Tuấn chủ trì phiên này.
Ông Nguyễn Chí Dũng, chuyên gia đào tạo đại biểu dân cử trình bày: Tăng cường vai trò của đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp trong công tác giám sát hoạt động của chính quyền địa phương thông qua kết quả PCI.
Đại diện tỉnh Vĩnh Phúc, ông Đường Trọng Khang, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh trình bày chuyên đề: Đánh giá các sở, ngành, huyện, thành, thị và vai trò chủ động của Hiệp hội doanh nghiệp Vĩnh Phúc. Thay mặt tỉnh miền núi Tuyên Quang, ông Nguyễn Hữu Thập, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh trình bày: Cafe doanh nhân Tuyên Quang: vai trò của hiệp hội trong việc tạo kênh đối thoại chính quyền – doanh nghiệp. Đây là địa phương luôn có có PCI cuối bảng nhưng sau khi triển khai mô hình này môi trường đầu tư có cải thiện rõ rệt.
Kết thúc mỗi phiên, Người chủ trì cùng và các diễn giả thảo luận các nội dung vừa trình bày của phiên với các đại biểu tham dự. Nội dung trao đổi rất sôi động và thẳng thắn.
Đây là hội nghị có sự chuẩn bị và phân công chuẩn bị rất kỹ lưỡng của VCCI. Qua hội nghị các địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm từ thành công của mình, học tập được những kinh nghiệm của các địa phương khác để từ đó áp dụng vào tỉnh mình được hiệu quả, làm cho môi trường đầu tư của mỗi địa phương ngày càng tốt lên, góp phần vào nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước trong khu vực và trên Thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập của Việt Nam với Thế giới.
Dự hội thảo, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc đã cảm nhận rõ công tác chỉ đạo và hành động quyết liệt trong cải thiện MTĐT kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nhiều tỉnh, thành phố bạn; đồng thời tiếp thu những cách làm hay trong xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp cần đề xuất UBND tỉnh vận dụng ngay như: Tiếp doanh nghiệp định kỳ hàng tháng của Quảng Nam; Cafe doanh nhân ở Tuyên Quang; Xây dựng bộ chỉ số đánh giá cấp huyện của Lào Cai; Cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp ở Bắc Ninh./.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh