Hội nghị trực tuyến chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Nhiều bức xúc về đất đai, khoáng sản; Nóng chuyện nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại
Ngày 29/9/2014, tại phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII tổ chức hội nghị trực tuyến về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, chủ trì hội nghị. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành buổi chất vấn. Đồng chí Nguyễn Thế Trường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh chủ trì tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Cùng tham dự có các đồng chí Hồ Thị Thủy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh; Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành.
Buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã trả lời chất vấn của các đại biểu, trong đó tập trung làm rõ những thắc mắc xoay quanh nội dung: Trách nhiệm quản lý Nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai của công dân; công tác quy hoạch sử dụng đất, tình hình sử dụng đất trồng lúa và chủ trương chuyển đổi cây trồng đối với đất trồng lúa; biện pháp khắc phục tình trạng sử dụng đất lãng phí; kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã làm tốt công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bằng việc, đã tham mưu trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 nghị định; 5 quyết định trong quá trình triển khai Luật Khoáng sản. Công tác thanh tra, kiểm tra về hoạt động khoáng sản và kết quả xử lý sau thanh tra, kiểm tra thực hiện nghiêm túc. Năm 2013, Bộ phát hiện và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 đơn vị; phát hiện và đề nghị không gia hạn 15 giấy phép khai thác khoáng sản không đủ điều kiện gia hạn và thu hồi 1 giấy phép khai thác cấp không đúng quy định.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã thành lập 8 đoàn cán bộ đi kiểm tra tình hình cấp giấy phép hoạt động khoáng sản của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả, đã phát hiện các vi phạm và tồn tại, hạn chế trong việc cấp phép hoạt động của 22 địa phương. Sau khi báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 7 năm 2013 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 21, đến nay, hầu hết những vi phạm và tồn tại, hạn chế được xử lý, khắc phục kịp thời. Trong 8 tháng đầu năm 2014, Bộ xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 5,26 tỷ đồng; thu hồi 1 giấy phép khai thác do quá thời gian quy định mà không đưa mỏ vào hoạt động.
Trong lĩnh vực quản lý đất đai, bên cạnh công tác ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đẩy mạnh việc phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai; chỉ đạo đôn đốc, hướng dẫn tổ chức thi hành luật và những vấn đề mới giữa Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013. Đặc biệt vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai được Bộ chú trọng, thông qua việc thời gian thực hiện tất cả các thủ tục giảm so với quy định …
Đối với tình hình giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài trong thời gian qua, trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết: Trung bình những năm gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được khoảng 4 nghìn lượt đơn khiếu nại và tố cáo. Trong đó có: 98% lượng đơn thư thuộc lĩnh vực đất đai; hơn 80% đơn khiếu nại vượt cấp và chỉ khoảng 2% vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ. Theo quy định, cán bộ Thanh tra của Bộ đã phân loại, xử lý trả lời và hướng dẫn công dân gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, qua đó, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội. Đối với việc kiểm tra, rà soát giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài, Bộ đã tiến hành thẩm tra, xác minh, rà soát theo đúng kế hoạch 30/30 vụ việc được giao và có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Bộ và các địa phương đã giải quyết xong 17 vụ việc, đạt tỷ lệ 61%.
Sau khi nghe chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành buổi chất vấn cho rằng: Về cơ bản, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bám sát và giải trình khá đầy đủ tất cả những câu hỏi, thắc mắc của các đại biểu trong phiên chất vấn. Đồng thời, qua sự phân tích và giải thích thêm một số vấn đề của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho thấy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rất nghiêm túc trong công tác tham mưu cho Chính phủ. Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận sự thẳng thắn, nghiêm túc nhận trách nhiệm về những sai sót của người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường trong buổi chất vấn. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nỗ lực hơn nữa trong việc đề ra những giải pháp cụ thể nhằm giải quyết dứt điểm những hạn chế còn tồn tại trong thời gian qua. Chủ động tham mưu cho Chính phủ kịp thời xử lý những vướng mắc tại các địa phương. Tăng cường rà soát, cập nhật hiện trạng sử dụng diện tích đất trồng lúa phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước và địa phương. Chấn chỉnh công tác giao đất, cho thuê đất, xử lý nghiêm các trường hợp được giao đất nhưng không sử dụng, để đất hoang hoá. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hơn chính sách khai thác khoáng sản gắn với việc bảo vệ môi trường.
* Chiều 29/9/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trả lời chất vấn của các đại biểu xoay quanh nội dung: Thực hiện chính sách tiền tệ, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong thời gian qua; kết quả xử lý nợ xấu; việc cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng kinh tế năm 2014 và kế hoạch năm 2015. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết: Đến cuối tháng 7/2014, tổng nợ xấu của các ngân hàng trong toàn hệ thống là 162.200 tỉ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ. Nợ xấu có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2014, là do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Tuy nhiên, sau khi tăng mạnh 21,5% trong tháng 6/2014, số dư nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã tăng chậm trong tháng 7/2014, đồng thời, tỷ lệ nợ xấu cũng bắt đầu giảm, cho thấy, chất lượng tín dụng đang có chiều hướng cải thiện.
Liên quan đến hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, đến cuối tháng 8/2014, Công ty này đã mua được 3.281 khoản nợ, với tổng dư nợ gốc hơn 56.000 tỷ đồng nợ xấu, giá mua hơn 46.000 tỷ đồng; thu hồi được 1.462 tỉ đồng nợ xấu thuộc 31 tổ chức tín dụng; điều chỉnh lãi suất cho 4 khách hàng với tổng dư nợ được điều chỉnh là 226 tỉ đồng; giảm lãi, phí cho 16 khách hàng với tổng số tiền 60,91 tỉ đồng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 11 khách hàng với dư nợ gốc được cơ cấu là 446 tỉ đồng.
VAMC còn phối hợp với tổ chức tín dụng, cấp bổ sung hạn mức 950 tỉ đồng để hoàn thiện 2 dự án dở dang của 2 khách hàng; thực hiện bán nợ của 7 khách hàng với tổng dư nợ gốc của các khoản nợ là 623 tỉ đồng, giá bán nợ là 484 tỉ đồng; bán 11 tài sản bảo đảm của khách hàng, thu hồi được 212 tỉ đồng nợ gốc. Nhấn mạnh VAMC là định chế mới được thành lập và đi vào hoạt động với nhiều khó khăn, Thống đốc đánh giá, kết quả đạt được ban đầu của Công ty là rất đáng khích lệ, hỗ trợ tích cực cho đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong thời gian tới.
Sau khi nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước trả lời 37 câu hỏi của 19 đại biểu, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành buổi chất vấn khẳng định: Phiên chất vấn đã làm sáng tỏ được nhiều vấn đề cử tri quan tâm, khi người chất vấn và người trả lời chất vấn đều hỏi thẳng, trả lời thẳng vào trọng tâm của vấn đề. Qua phiên chất vấn, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận những cố gắng của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua, đã bước đầu khống chế, kiểm soát được lạm phát ở mức thấp nhất; tín dụng dù tăng trưởng chậm, nhưng được phân bố hợp lý và an toàn hơn; quá trình tái cơ cấu ngân hàng đã đạt được những kết quả ban đầu. Trong thời gian tiếp theo, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần triển khai ngay chính sách tiền tệ linh hoạt, tài khóa chặt chẽ; triển khai, giám sát chặt việc tái cơ cấu ngân hàng cổ phần, rà soát đánh giá nợ xấu trên mọi lĩnh vực, để tránh việc nợ xấu phát sinh và kịp thời có những giải pháp xử lý với từng trường hợp.
Các tin khác:
- Tập huấn nâng cao nghiệp vụ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
- Đoàn doanh nghiệp Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm tìm hiểu đầu tư tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH iMarket Việt Nam ký Bản ghi nhớ về nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng KCN và sân Golf tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023