Thứ Hai, 19/09/2016 8:29:24 (GMT+7)

Hiệu quả từ nghề may công nghiệp trong giải quyết việc làm cho lao động địa phương

Những năm gần đây, nghề may công nghiệp là một trong những nghề “hot” được nhiều phụ nữ quan tâm. Đây là cơ hội giải quyết việc làm cho các lao động có tay nghề may ở nhiều địa phương.

Hiệu quả từ nghề may công nghiệp trong giải quyết việc làm cho lao động địa phương

Lớp đào tạo nghề may công nghiệp do Công ty Cổ phần may Kim Nguyễn tổ chức thu hút 140 học viên tham gia. Ảnh Thu Thủy

Ngay khi vừa rời ghế nhà trường, biết học lực và điều kiện kinh tế gia đình mình hạn hẹp, chị Nguyễn Thị Trang, xã Nghĩa Hưng (Vĩnh Tường) đã chọn cho mình nghề may công nghiệp. Gần 5 năm gắn bó với nghề, chị Trang đã nắm vững kiến thức, kỹ năng về may công nghiệp. Chị thành thục các phương pháp may và lắp ráp các chi tiết trên sản phẩm may thông dụng; kiểm tra được sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu may công nghiệp. Đáng quý hơn, nghề này còn giúp chị rèn giũa được tính kỷ luật lao động và tác phong trong công nghiệp.

Sau khi lấy chồng và sinh con, chị Trang không đi may cho các doanh nghiệp nữa mà mua máy may công nghiệp và nhận may các mẫu quần âu, áo sơ mi cho các cửa hàng thời trang. Ban đầu, số lượng hàng nhận về chỉ đủ một mình chị Trang làm. Tuy nhiên, do chất lượng may và giá thành sản phẩm tốt, nhiều cửa hàng thời trang đã tìm đến và tin tưởng đặt may với số lượng lớn.

Chị Trang cho biết: Em chủ yếu nhận vải, kiểu dáng may (mẫu áo, quần) rồi hoàn thiện theo mẫu. Trung bình, mỗi đơn hàng em nhận được vài hàng trăm, thậm chí hàng nghìn sản phẩm. Những năm gần đây, số lượng hàng nhận được ngày càng nhiều nên em phải tuyển thêm thợ về làm cùng.

Để đảm bảo tiến độ giao hàng, chị Trang đã đầu tư gần 10 máy may công nghiệp, đồng thời tuyển và nhận dạy may thường xuyên cho các chị em phụ nữ nhàn rỗi có nhu cầu học ở địa phương. Mặc dù chưa phải cơ sở may công nghiệp lớn, tuy nhiên bước đầu chị Trang đã thành công và đang là bà chủ nhỏ ở cơ sở may quy mô hộ gia đình. Trung bình mỗi ngày, chị Trang và các chị em hoàn thiện được khoảng trên dưới 100 sản phẩm. Tiền công cho mỗi sản phẩm từ 40-50 nghìn đồng. Như vậy, với 100 sản phẩm, mỗi ngày chị Trang có thu nhập từ 4- 5 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí công nhân, nguyên vật liệu, mỗi ngày chị dư ra trên 1 triệu đồng. Mỗi tháng, bình quân có thu nhập từ 15-20 triệu đồng. Đối với người học nghề và làm công cho chị Trang, tùy theo số lượng sản phẩm làm ra, mức lương đảm bảo từ 5 -8 triệu đồng/người/tháng.

Được biết, toàn tỉnh hiện đang có khoảng trên 20 doanh nghiệp may công nghiệp lớn hoạt động và tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục nghìn lao động trên khắp các huyện, thành, thị trong tỉnh… Điển hình như Công ty TNHH Vina Kum Yang; công ty TNHH Vina Korea, khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên)… đang giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động.

Xác định nghề may công nghiệp không chỉ là hướng giải quyết lao động cho nhiều địa phương mà còn góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc, vào đầu tháng 8/2016, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc (Sở Công thương) phối hợp với Công ty cổ phần may Kim Nguyễn (thị trấn Yên Lạc) khai giảng khóa đào tạo nghề may công nghiệp. Hoạt động này nhằm hỗ trợ và khuyến khích địa phương phát triển nghề và giải quyết lao động nông nhàn với phương châm “phối hợp tuyển dụng học sinh và đào tạo nghề tại chỗ”. Khóa học đã thu hút 140 học viên và đối tượng hầu hết đều là phụ nữ ở các xã lân cận thị trấn Yên Lạc.

Có mặt tại Công ty cổ phần may Kim Nguyễn, chúng tôi ghi nhận xưởng may rất rộng rãi, khang trang do mới được doanh nghiệp đầu tư và đưa vào sử dụng. Theo anh Phan Văn Hoan, nhân viên quản lý sản xuất phân xưởng may Công ty Kim Nguyễn cho biết: Xưởng may này mới được đầu tư gần 200 máy may công nghiệp, chia thành 4 chuyền may phục vụ đào tạo và sản xuất. Các học viên sau khi được học nghề tại đây sẽ được tuyển vào làm việc. Thời điểm này, các học viên đang làm theo các đơn hàng, do đó sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ lương theo khối lượng công việc. Theo tính toán, lương hỗ trợ cho mỗi học viên đạt từ 3,5 – 3,8 triệu đồng/người/tháng. Sau khi thạo việc sẽ tăng lên 4,5 – 5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đào tạo nghề miễn phí, học viên còn được doanh nghiệp hỗ trợ bữa ăn trưa tại công ty.

Mặc dù mới học may được khoảng 1 tháng, song các học viên đều đã rất tự tin trong thực hành may. Chị Nguyễn Thị Chức (34 tuổi), xã Tam Hồng (Yên Lạc) cho biết: Từ trước đến nay tôi chỉ biết đến công việc đồng áng và ở nhà trông con. Các con tôi giờ đã lớn và đều đi học hết nên tôi cũng muốn học một cái nghề. Nghe các chị ở địa phương mách có lớp học nghề may miễn phí ở đây nên tôi đã mạnh dạn tham gia. Sau 1 tháng, tôi cơ bản biết sử dụng máy may công nghiệp và thực hiện các đường may cơ bản như: Đường vắt sổ, may viền, may túi, thùa khuyết, đính cúc đúng yêu cầu kỹ thuật… Tôi mong muốn sau khi học nghề xong sẽ được doanh nghiệp nhận vào làm cho gần nhà.

Em Nguyễn Thị Linh (18 tuổi), xã Trung Kiên phấn khởi cho biết: Hiện nay chúng em đang vừa học vừa làm. Trung bình mỗi ngày, em làm được khoảng 150 – 200 sản phẩm, công đoạn chính là may túi quần. Mỗi khi có đơn hàng mới, chúng em được học các công đoạn mới và bắt tay vào làm ngay trên sản phẩm. Em mong muốn, sau khóa đào tạo này mình có tay nghề và được tuyển vào làm tại doanh nghiệp.

Có thể thấy, với những ưu điểm như: Dễ học, điều kiện làm việc khá tốt (do không phải làm ở ngoài trời), có thể làm thuê cho doanh nghiệp hoặc nhận hàng về nhà làm, phụ nữ từ 18 đến 45-50 tuổi vẫn có thể làm được… nên may công nghiệp là nghề phù hợp với nhiều chị em. Để khuyến khích doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia đào tạo, học nghề may công nghiệp, trong năm 2016 tỉnh có cơ chế hỗ trợ 50 triệu đồng/lớp may. Chính sách này thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với nghề may công nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chủ động nguồn lao động có tay nghề đã qua đào tạo và giải quyết được lao động nhàn rỗi ở các địa phương.

Theo Hà Trần - Báo Vĩnh Phúc