Gỡ nút thắt, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu công nghiệp
Xác định việc xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp là điều kiện tiên quyết để tỉnh Vĩnh Phúc thu hút thêm các nhà đầu tư mới, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quyết liệt vào cuộc, xử lý dứt điểm các khó khăn, tồn đọng.
Dự án Khu công nghiệp Sông Lô II được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tại Quyết định số 229/2021 và được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt thành lập tại Quyết định số 600/2021, quy hoạch trên diện tích 165,65 ha, thuộc các xã Đồng Thịnh và Yên Thạch, huyện Sông Lô. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.520 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, dự án này sẽ được đưa vào khai thác một phần trong năm 2024. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án vẫn còn hơn 6,6 ha cần thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng do một số hộ dân chưa đồng ý về phương án bồi thường. Mặt khác, sau khởi công, tiến độ thi công đến nay mới chỉ đạt 50%, còn chậm so với cam kết với UBND tỉnh do khó khăn về nguồn cung vật liệu san lấp. Để phục vụ cho công tác san lấp mặt bằng, Dự án Khu công nghiệp Sông Lô II cần khối lượng vật liệu san lấp mặt bằng lớn, khoảng 4 triệu m3, song đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Cùng với đó là khó khăn liên quan tới việc xác định giá thuê đất.
Để sớm hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp, đón sóng đầu tư, ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc mong muốn các cơ quan liên quan tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại; quy hoạch các mỏ khai thác đất phục vụ việc san lấp mặt bằng dự án. Cùng với đó, tăng tốc thực hiện các công trình hoàn trả trạm bơm và hệ thống kênh mương thủy lợi cấp nước sản xuất nông nghiệp; hạ tầng khu tái định cư; hoàn trả đường giao thông, hệ thống cấp điện; hạ tầng nghĩa trang Nhân dân xã Đồng Thịnh và xã Yên Thạch phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ông Thắng cũng tin tưởng rằng, với những kết quả nổi bật, kinh nghiệm trong công tác thu hút đầu tư cùng những lợi thế riêng có và sự đồng hành, quan tâm sát sao hỗ trợ doanh nghiệp, dự án khi đi vào hoạt động sẽ là bến đỗ, điểm dừng chân hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Toàn tỉnh hiện có 19 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích hơn 5.487 ha, trong đó có 16 khu công nghiệp được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng diện tích 3.156,96 ha. Nhìn chung, tất cả các khu công nghiệp này đều có vị trí thuận lợi, nằm dọc các trục quốc lộ với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo sức hấp dẫn, cạnh tranh cao. Mặc dù những năm qua, tỉnh rất quan tâm đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các khu công nghiệp, song đến nay vẫn còn tới 12 khu công nghiệp đang thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Thậm chí, một số khu công nghiệp đã triển khai, đi vào hoạt động nhiều năm nhưng vẫn còn diện tích đất chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng xong để tiếp tục triển khai dự án theo quy hoạch được phê duyệt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thiếu quỹ đất sạch với đầy đủ cơ sở hạ tầng để thu hút thêm các đầu tư. Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, tính đến ngày 15/12/2023, số dự án thứ cấp còn hiệu lực đầu tư trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 458 dự án, được phân bố tại 9 khu công nghiệp.
Để các khu công nghiệp sớm hoàn thiện, đưa vào vận hành, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch để bảo đảm quy hoạch khu công nghiệp có tính ổn định, lâu dài và thực tiễn cao; rà soát những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp để kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án; đôn đốc các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và các khu công nghiệp mới có quyết định thành lập. Đồng thời, giám sát chặt chẽ các chủ đầu tư hạ tầng về năng lực và cam kết triển khai dự án, từ đó có biện pháp xử lý, kiên quyết thu hồi hoặc tìm kiếm nhà đầu tư mới đủ năng lực tiếp tục thực hiện dự án hoặc điều chỉnh quy hoạch giảm diện tích khu công nghiệp; nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Đối với các nội dung liên quan đến: Điện, nước, khu nhà ở công nhân, các công trình tiện ích phục vụ đời sống người lao động, các sở, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng theo hướng đồng bộ, tạo điều kiện cho các khu công nghiệp tiếp tục phát triển.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh