Thứ Ba, 13/09/2016 14:46:11 (GMT+7)

Giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh

Ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) là một trong những yếu tố tiên quyết giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường… Một vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh đã ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất.

Giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh

Nhờ áp dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, Công ty Cổ phần Prime Group (KCN Bình Xuyên) tiết kiệm được nhiên liệu, tăng năng suất lao động. Ảnh Nguyễn Lượng

Là doanh nghiệp trẻ, Công ty cổ phần Nghệ thuật gỗ Đông Á (Thôn Đền Thõng, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo) đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, cung cấp giống và chuyển giao công nghệ xây dựng mô hình chăn nuôi lợn rừng và lợn lai rừng theo hướng công nghiệp, góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Là hộ dân được công ty chuyển giao công nghệ, ông Chu Văn Sáu, ở thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo) nuôi 10 nái lợn rừng cho biết: Áp dụng các kỹ thuật trong chăn nuôi giúp tỷ lệ lợn đẻ và nuôi sống đạt cao, khả năng tiêu thụ lợn giống và lợn thương phẩm cao hơn hẳn. Hiệu quả chăn nuôi đã phát triển thêm nhiều hộ nuôi với quy mô nhỏ và vừa, đảm bảo chất lượng về giống cũng như thịt thương phẩm. Từ năm 2014 đến nay, Công ty cổ phần Nghệ thuật gỗ Đông Á tiếp nhận và vận hành các quy trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong việc lai tạo giống, ghép đôi giao phối, chăm sóc, thú y; công nghệ chế biến thức ăn tinh phù hợp với đặc điểm của từng giống lợn. Đồng thời, xây dựng 3 mô hình trang trại vệ tinh với 10 lợn bố mẹ/mô hình, tạo việc làm ổn định cho người dân trong vùng, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân. Điều quan trọng, đây là nguồn cung cấp cho thị trường thực phẩm sạch, an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Công ty TNHH thương mại Tuấn Anh (số 289, đường Mê Linh, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên) đã tiếp nhận công nghệ nuôi trồng nấm các loại theo hướng công nghiệp để tạo ra nguồn thực phẩm an toàn, có hàm lượng dinh dưỡng cao, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động nông thôn… Do nắm bắt nhu cầu thị trường, Công ty TNHH MTV sản xuất và thương mại Phát Đạt (trụ sở chính ở thị xã Phúc Yên) đã xây dựng, áp dụng thành công quy trình công nghệ trong chăn nuôi và cung cấp thịt lợn sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, doanh thu đạt từ 15 – 17 tỷ đồng/năm. Trang trại của công ty đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh chọn là cơ sở tham gia chuỗi cung cấp thịt lợn sạch, an toàn và được chi cục hướng dẫn áp dụng quy trình chăn nuôi lợn an toàn VietGAP, được cấp giấy chứng nhận sản phẩm sản xuất phù hợp quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt – VietGAP.

Được sự hỗ trợ của Nhà nước về kinh phí cũng như chuyển giao công nghệ tiên tiến, Công ty cổ phần SEIKO VINA ở khu 15, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên đã mở rộng nhà máy gia công cơ khí chính xác, quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001. Đây là dự án lớn, không ngừng cải tiến khoa học công nghệ để phát triển và mở rộng quy mô sản xuất nhằm đáp ứng năng lực sản xuất ngành phụ trợ công nghiệp chính xác cho các doanh nghiệp FDI tại Vĩnh Phúc cũng như cả nước. Nhà máy tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 40 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng. Công ty sử dụng công nghệ tiên tiến, toàn bộ thiết bị được nhập từ Đài Loan, cấp độ chính xác về máy tiện là cấp 5, cấp độ bóng là 1-3; máy đánh dầu, cán ren chính xác từ 2-4.

Để đáp ứng nhu cầu về vốn đầu tư đổi mới công nghệ, UBND tỉnh có Quyết định số 2419/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh vay vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất giai đoạn 2014-2020, thông qua hình thức mở rộng quy mô Quỹ phát triển KH&CN Vĩnh Phúc”, giúp các tổ chức, doanh nghiệp, chủ trang trại có dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để sản xuất kinh doanh được bảo toàn vốn, bù đắp chi phí nhằm hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Vì mục tiêu thực hiện CNH, HĐH trong thời gian tới, tỉnh đã tạo nhiều cơ chế, chính sách và điều kiện cho sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ, từ định hướng ngành nghề kinh doanh phù hợp cho đến các cơ chế hỗ trợ về nguồn vốn. Chủ trương của tỉnh là từng bước tạo ra một bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc thành phần đầu tư trong nước (DDI) đủ mạnh, dần dần có thể làm đối trọng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực FDI, giảm dần sự phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài.

Đồng chí Hà Huy Bắc, Phó Giám đốc Quỹ phát triển KH&CN cho biết: Đề án “Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vay vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, giai đoạn 2014 – 2020” sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với nguồn vốn để mua sắm máy móc thiết bị, các công cụ sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa – dịch vụ, tăng cường năng lực kỹ thuật, công nghệ, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo Hoàng Hà - Báo Vĩnh Phúc