Giữ vững đà tăng trưởng để phát triển bền vững
Khép lại một năm “mưa thuận gió hoà”, song vẫn còn khá nhiều khó khăn từ sự suy giảm kinh tế chung toàn cầu, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương và mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tình hình KT-XH của tỉnh vẫn duy trì và đạt được ở mức cao so với nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Vĩnh Phúc vẫn giữ vị trí tốp đầu về tăng trưởng nền kinh tế và vị trí “Á quân” thu NSNN toàn miền Bắc. Đây là những thành tích nổi trội, có ý nghĩa lớn của Vĩnh Phúc dâng lên Đảng trong dịp sinh nhật lần thứ 85 và trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Điểm nhấn nổi bật trong bức tranh kinh tế của Vĩnh Phúc đó là: Tổng thu NSNN năm 2014 vượt qua con số 20.000 tỷ đồng, đạt 115% dự toán và tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2013; trong đó thu nội địa đạt 17.700 tỷ đồng, vượt 23% dự toán và bằng 113% so cùng kỳ. Có thể khẳng định, đây là số thu NSNN cao nhất từ trước tới nay của tỉnh và vị trí “Á quân” toàn miền Bắc về thu NSNN vẫn được Vĩnh Phúc duy trì, giữ vững. Các chỉ tiêu KT-XH chủ yếu của tỉnh đề ra trong năm 2014 đều tăng so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp có nhiều dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng ở tất cả các khu vực. Lạm phát được kiềm chế ở mức thấp; xuất khẩu có xu hướng tăng trưởng khá; tốc độ tăng giá tiêu dùng tương đối ổn định… Phấn khởi với kết quả đạt được trên nhiều lĩnh vực, ngay từ những ngày đầu năm 2015, các cấp, các ngành, các địa phương và người dân Vĩnh Phúc đã bắt tay ngay vào sản xuất và mở rộng sản xuất để tạo đà cho bước phát triển mới.
Một trong những nhân tố tác động trực tiếp đến sự bứt phá trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, phải kể đến công tác xúc tiến đầu tư. Với cơ chế “Trải thảm đỏ” và việc thực hiện đồng bộ các chương trình cải cách hành chính, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục tìm đến Vĩnh Phúc, góp phần lấp đầy các khu, cụm công nghiệp. Kết quả thu hút đầu tư FDI năm 2014 của tỉnh cũng cao nhất từ trước đến nay. Trong số 330 doanh nghiệp mới thành lập và 82 dự án đầu tư mới, thì có tới 45 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 400 triệu USD, tăng 23% vốn so với cùng kỳ. Cùng với việc tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, các doanh nghiệp đã hướng tới những vùng sâu, vùng xa, vùng nhiều khó khăn của tỉnh. Đặc biệt, công tác giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa liên thông” đối với các dự án FDI và DDI đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả, đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Do vậy, cùng với những kết quả khả quan về kinh tế, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Phúc được nâng lên đáng kể (năm 2013 tăng 17 bậc so với năm 2012).
Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh có nhiều tiến bộ; từ khâu ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, đến việc chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án, kế hoạch phân bổ vốn và quyết toán. Các công trình trọng điểm được tập trung chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Công tác xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo quyết liệt, đúng lộ trình với những giải pháp linh hoạt, phù hợp, đạt được tiến độ đề ra.
Năm 2015, dự báo nền KT-XH của tỉnh sẽ tiếp tục gặp những khó khăn, thách thức như: Kinh tế trong nước chưa thực sự ổn định; quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực vừa đem lại nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn đối với nền sản xuất; thị trường tiêu thụ một số sản phẩm chủ yếu có đóng góp nhiều vào tăng trưởng, thu NS của tỉnh như: ô tô, xe máy… sẽ phải cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu… Nhận thức được những khó khăn đó, tỉnh ta xác định mục tiêu tổng quát: “Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho SXKD, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và phục vụ thành công Đại hội Đảng các cấp trên địa bàn tỉnh”. Để thực hiện được những mục tiêu đó, tỉnh đã đề ra những nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu; trong đó tập trung vào việc tạo điều kiện thuận lợi và giải quyết nhanh chóng những khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển và tăng cường quản lý nhà nước về tài sản công. Cùng với đó là đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới với các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn; phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến cho hiệu quả kinh tế cao. Việc xác định phát triển kinh tế ở mức tăng trưởng hợp lý; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; phát triển dịch vụ; thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân… là chiến lược của tỉnh, nhằm tạo đà cho bước phát triển lâu dài và bền vững.
Một giải pháp mang tính đột phá, làm thay đổi căn bản bộ mặt và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước là đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và mọi người dân, luôn được tỉnh chú trọng. Cùng với công tác xúc tiến đầu tư, các doanh nghiệp được chăm sóc và tạo điều kiện tối đa về cơ sở hạ tầng, mặt bằng sạch… để yên tâm lập nghiệp. Bên cạnh các giải pháp về kinh tế, một loạt các giải pháp về xã hội, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng… sẽ là những căn cứ và định hướng để mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương trong lĩnh vực của mình, tìm ra những cách làm hay, hiệu quả, nhằm quyết tâm thực hiện mục tiêu đề ra, góp phần giữ vững đà tăng trưởng và phát triển bền vững của Vĩnh Phúc những năm tiếp theo.
Các tin khác:
- Tập huấn nâng cao nghiệp vụ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
- Đoàn doanh nghiệp Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm tìm hiểu đầu tư tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH iMarket Việt Nam ký Bản ghi nhớ về nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng KCN và sân Golf tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023