F1 đi làm: Giải bài toán nguồn nhân lực cho doanh nghiệp
Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đầu tháng 3/2022, Bộ Y tế đã đưa ra đề xuất cho F0 làm việc trực tuyến, F1 có thể làm việc trực tiếp và trực tuyến. Tại Vĩnh Phúc, trong bối cảnh số ca nhiễm vẫn tăng cao, chủ trương cho nhóm đối tượng F1 đi làm trở lại đã được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phấn khởi đón nhận, được coi là “chìa khóa” để giải quyết bài toán khan hiếm lao động hiện nay.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, Công ty TNHH Exedy Việt Nam buộc phải tăng ca,
điều chuyển lao động từ các bộ phận khác sang thay thế và tuyển dụng thêm lao động
Để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 15 – 20% cả về sản lượng và doanh thu trong năm 2022, ngay từ đầu năm, cùng với tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là trong xuất khẩu, Công ty TNHH Exedy Việt Nam, khu công nghiệp Khai Quang đã đẩy mạnh quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn 5S 5T, PikaPika; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khuyến khích công nhân phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm tạo ra những đột phá trong sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, số cán bộ, người lao động của công ty trở thành F0, F1 phải nghỉ việc điều trị, cách ly liên tục tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Chị Phạm Thị Thúy, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp công ty cho biết, đến nay, khoảng 30 – 40% lao động của Exedy Việt Nam đã bị mắc Covid-19, trong đó, có những thời điểm số lượng công nhân là F0, F1 nghỉ điều trị Covid-19 và theo dõi sức khỏe quá nhiều làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Để khắc phục, doanh nghiệp buộc phải tăng ca sản xuất, điều chuyển lao động từ các bộ phận khác sang thay thế và đăng thông báo tuyển dụng thêm lao động… song đây cũng chỉ là những giải pháp tình thế bởi rất khó để người mới có thể đáp ứng yêu cầu công việc trong một sớm một chiều. “Thế nên, chúng tôi đánh giá rất cao chủ trương cho F1 trở lại làm việc trên tinh thần giữ nguyên các biện pháp phòng, chống dịch. Đây sẽ là giải pháp căn cơ, mở khóa cho bài toán thiếu hụt lao động sản xuất trực tiếp hiện nay của nhiều doanh nghiệp. Hiện công ty đã bố trí lao động thuộc F1 làm việc cùng một dây chuyền sản xuất; yêu cầu giữ đúng khoảng cách, tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch, sắp xếp khung giờ ăn nghỉ riêng cho đối tượng F1 để bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm trong doanh nghiệp.” – chị Thúy nói.
Cũng ủng hộ chủ trương cho F1 đi làm trực tiếp, ông Đặng Xuân Thu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng Ban Đối ngoại Tập đoàn Prime chia sẻ: “Có thời điểm chúng tôi phải cho gần 1.000 lao động là F0, F1 nghỉ cách ly, mà thời gian nghỉ thường kéo dài 7 – 14 ngày. Để bảo đảm hoàn thành các đơn hàng với đối tác, Tập đoàn phải chỉ đạo các công ty thành viên sắp xếp, cơ cấu lại mô hình tổ chức, điều động, tăng ca cho lao động, bố trí vận hàng thiết bị máy móc sản xuất tinh gọn, khoa học, phù hợp cho từng giai đoạn… Với cách làm này, những tháng đầu năm 2022, doanh thu, sản lượng của doanh nghiệp vẫn đang giữ ổn định, bảo đảm việc làm cho hơn 4.200 lao động với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. Thế nhưng trong bối cảnh số công nhân mắc bệnh tiếp tục tăng cao, chỉ có giải pháp cho F1 đi làm trực tiếp mới có thể tháo gỡ được khó khăn về thiếu hụt lao động. Hiện Tập đoàn Prime cũng đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết phòng chống dịch theo quy định để F1 đi làm bảo đảm an toàn, không lây nhiễm trong các nhà máy. Tất các trường hợp F0 sau thời gian điều trị có kết quả âm tính và các F1 khi đi làm trở lại đều được bố trí công việc hợp lý, khu vực làm việc, ăn uống riêng để tiếp tục theo dõi sức khỏe. Nhiều công ty thành viên đã bố trí, thực hiện “3 tại chỗ” phòng ngừa dịch bệnh lây lan trong các xưởng, bộ phận sản xuất.”
Theo thống kê sơ bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến đầu tháng 3/2022, toàn tỉnh có 250 doanh nghiệp trong khu công nghiệp và gần 100 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp có các ca nhiễm Covid-19 với khoảng hơn 25.000 người. Do thiếu hụt lao động trầm trọng, nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm năng suất, giãn ca, tạm dừng dây chuyền sản xuất, thậm chí phải thương lượng với đối tác để kéo dài thời gian hợp đồng…
Trước tình hình số ca mắc Covid-19 tại tỉnh vẫn liên tục tăng, UBND tỉnh đã ban hành công văn số 1421 áp dụng một số biện pháp cấp bách, tạm thời về thích ứng an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 và bảo đảm lực lượng lao động phục vụ sản xuất tại doanh nghiệp. Trong đó, quy định đối với F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vắc xin phòng Covid-19, không có triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau họng và xét nghiệm Covid-19 âm tính thì được đi làm trở lại; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải bố trí khu vực ăn, nghỉ riêng và thực hiện nghiêm quy định 5K. Chính vì vậy, khi được hỏi, đa phần các doanh nghiệp đều tán đồng với quy định mới của tỉnh về việc cho F1 có kết quả xét nghiệm sàng lọc âm tính đi làm; nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phiện pháp, phương án bảo đảm an toàn dịch bệnh khi F1 đi làm trở lại.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, việc cho F1 đi làm trực tiếp là một giải pháp thích ứng, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn tình hình dịch hiện nay khi doanh nghiệp đang rất cần lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh và ngược lại, người lao động cũng cần được làm việc để ổn định cuộc sống. Đặc biệt là khi tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin cho công nhân lao động nói riêng và người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh đã đạt trên 97%; đa số bệnh nhân Covid-19 có biểu hiện nhẹ hoặc không triệu chứng. Thực tế hiện nay tại Vĩnh Phúc đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cho F1 đi làm trực tiếp và thực hiện tốt việc theo dõi, sức khỏe, giữ khoảng cách an toàn, không để nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong khu sản xuất.
Các tin khác:
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao