Thứ Ba, 21/07/2020 1:55:08 (GMT+7)

EVFTA tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản sang châu Âu

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu thông qua là cơ hội cho ngành Nông nghiệp Việt Nam nói chung, tỉnh ta nói riêng thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, tiếp cận công nghệ cao, cách thức tổ chức sản xuất. Từ đó, tăng sản lượng, chất lượng nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu. Đồng thời, giúp người tiêu dùng Việt tiếp cận được các sản phẩm chất lượng cao, giá cả hợp lý từ những nước tiên tiến.

Liên minh châu Âu (EU) hiện là thị trường xuất khẩu nông – lâm – thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thủy sản, cà phê, hạt điều, rau củ nhiệt đới sang EU và nhập khẩu trứng, sữa, mật ong, thịt bò và rau củ từ EU. Sau 10 năm khởi động đàm phán, EVFTA chính thức được thông qua. Đặc biệt, trong bối cảnh hậu Covid-19, đây là cơ hội lớn cho ngành Nông nghiệp Việt Nam bứt phá, đẩy mạnh tăng trưởng. Tới đây, khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như: Gạo tấm, các sản phẩm từ hạt. Đối với mặt hàng rau củ quả, thủy sản, EU cũng cam kết xóa bỏ 50% số dòng thuế, 50% dòng thuế còn lại sẽ được xoá bỏ trong lộ trình 5 – 7 năm. Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành nông sản sẽ tăng đáng kể cho tới năm 2025.

Tuy nhiên, EVFTA đặt ra không ít thách thức, nhất là các yêu cầu về phi thuế quan, yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc với nông sản trong khi sản xuất nông nghiệp của tỉnh chủ yếu  quy mô nhỏ; còn hạn chế về ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản và chế biến; các nhóm hộ và các HTX chưa có khả năng kết nối thị trường. Do đó, cần có một cuộc cách mạng về khoa học công nghệ trong sản xuất hàng hóa nông sản, phát triển các ngành hàng nông sản sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng trong thời gian tới.


Nhiều sản phẩm mật ong của Công ty cổ phần Ong Tam Đảo được xuất khẩu ra thị trường thế giới

Anh Đỗ Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Trung Kiên (thị trấn Hợp Hòa, Tam Dương) cho biết: Cùng với những thuận lợi về thuế suất, hiệp định EVFTA tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đổi mới công nghệ; điều chỉnh, thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm truy xuất nguồn gốc. Để chủ động đón làn sóng hội nhập, công ty đầu tư xây dựng mô hình sản xuất hoa và rau quả ứng dụng công nghệ cao với hệ thống tưới tự động nhỏ giọt, phun sương, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, hệ thống chiếu sáng, máy làm đất hiện đại. Các công đoạn canh tác đều không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng hay thuốc diệt cỏ mà sử dụng phân bón hòa tan hữu cơ nhập khẩu tạo ra sản phẩm dưa lưới và rau sạch bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nên được người tiêu dùng đón nhận, sản phẩm không đủ cung cấp cho thị trường. Hiện công ty đang mở rộng diện tích nhà lưới ứng dụng khoa học công nghệ cao để hướng tới xuất khẩu sang thị trường EU.

Với nhiều sản phẩm mật ong vươn ra thị trường thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Công ty cổ phần Ong Tam Đảo đang sẵn sang chờ đón cơ hội tiếp cận thị trường EU sau khi hiệp định EVFTA được thông qua. Theo bà Lê Thị Nga, Tổng Giám đốc công ty, với sứ mệnh “vì sức khỏe cộng đồng”, công ty không ngừng tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm, kiểm soát chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000:2005 tạo uy tín và xây dựng thương hiệu Ong Tam Đảo – Honeco trong lòng người tiêu dùng. Năm 2019, công ty xuất khẩu 60 tấn mật ong vào thị trường Mỹ; năm 2020, dự kiến tiếp tục xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc khoảng 300 tấn mật ong thành phẩm chất lượng cao. Thời gian tới, công ty tiếp tục đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị sản xuất hiện đại, phối hợp với các nhà khoa học để nghiên cứu, đưa ra thị trường các dòng sản phẩm mới.

Trước những cơ hội cũng như thách thức mà Hiệp định EVFTA mang lại, thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền phổ biến về hiệp định EVFTA; nâng cao trình độ, kỹ năng sản xuất, tuân thủ các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp sạch cho người sản xuất; mở rộng các vùng chuyên canh, các vành đai xanh, các tuyến nông nghiệp sinh thái. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại, công nghệ cao, tiêu chuẩn an toàn; liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Khuyến khích áp dụng các thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt trong các quy trình kiểm tra chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng cần chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và nắm chắc các thông tin cụ thể từ Hiệp định EVFTA để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt trên thị trường thế giới cũng như thị trường trong nước.

Nguồn: vinhphuc.gov.vn