Du lịch Vĩnh Phúc- Cần những giải pháp đồng bộ
Vĩnh Phúc là vùng đất tiềm năng du lịch với những địa danh nổi tiếng trong và ngoài nước như: Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải… .Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển KT- XH, năm 2011, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01 về phát triển dịch vụ, du lịch giai đoạn 2011 – 2020, đã tạo cho du lịch Vĩnh Phúc có diện mạo mới.
Khai thác tiềm năng du lịch
Vĩnh Phúc là vùng đất tiềm năng du lịch với những địa danh nổi tiếng trong và ngoài nước như: Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải… .Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển KT- XH, năm 2011, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01 về phát triển dịch vụ, du lịch giai đoạn 2011 – 2020, đã tạo cho du lịch Vĩnh Phúc có diện mạo mới.
Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 1.000 di tích lịch sử – văn hoá, trong đó hàng trăm di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Các lễ hội, các làng nghề thủ công truyền thống đã và đang dần được khôi phục, phát triển nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch. Ngoài nguồn tài nguyên quý báu kể trên, Vĩnh Phúc còn có thể khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa phi vật thể, bao gồm những làn điệu dân ca đặc sắc như hát Xoan; hát Trống Quân, hát Sọong Cô… Đây được xem là lợi thế so sánh để Vĩnh Phúc có thể phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh và du lịch hội thảo hội nghị (MICE).
Cùng với quy hoạch chi tiết các khu du lịch, hiện nay, cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật các khu du lịch được tăng cường đầu tư, nhiều khu du lịch như: Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải… cơ bản đáp ứng du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng. Nếu như năm 2011, toàn tỉnh có 128 cơ sở đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú, với 2.346 buồng, đến 2016 trên địa bàn tỉnh đã có 304 cơ sở khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, với 4.643 buồng. Trong đó, có 1 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao, 28 khách sạn 2 sao và 15 khách sạn 1 sao, đảm bảo đón trên 3 triệu lượt khách lưu trú trong một năm. Đặc biệt, hệ thống giao thông đến các điểm du lịch, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh được đầu tư đồng bộ, cơ bản hoàn thành và có sự kết nối, tạo ra các tuyến, tuor du lịch hấp dẫn.
Song song với quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật cho các khu du lịch, tỉnh đã triển khai, sớm hoàn thành đưa một số dự án lớn về du lịch để khai thác như: Hoàn thành tu bổ Đền thờ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu thuộc khu danh thắng Tây Thiên giai đoạn II; tu bổ di tích Đền Thính – Yên Lạc; Đền thờ Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn – Lập Thạch; Đền thờ Đức Bà – Tam Dương; cụm di tích đình, chùa Hương Canh; Đền Thánh mẫu Triệu Thị Khoan; hoàn thành các hạng mục san nền, tường rào, hồ Thiền Quang, tứ trụ, cầu đá, nghi môn, tường rào đá, đền chính và bia tiến sỹ thuộc dự án Văn miếu tỉnh. Gần đây nhất, Tháp Bình Sơn (Lập Thạch) và Khu danh thắng Tây Thiên (Tam Đảo) được công nhận di tích quốc gia, sẽ có thêm những lựa chọn cho du khách đến thăm quan.
Những sự quan tâm, đầu tư đúng đắn có trọng tâm, trọng điểm, ngành du lịch của tỉnh đã có bước tiến đáng kể, với số du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng năm sau cao hơn năm trước. Cách đây 5 năm (2011), số các điểm du lịch trên địa bàn đón gần 1,8 triệu lượt khách, trong đó có 27.100 lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch đạt 740 tỷ đồng; đến hết năm 2016, dự kiến đón trên 3,8 triệu lượt khách, tăng bình quân hàng năm 15%, trong đó có 37.323 lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch ước đạt 1.287 tỷ đồng.
Không chỉ lượng du khách trong và ngoài nước đến các điểm du lịch ngày càng tăng mà bắt đầu đã có nhiều doanh nghiệp lớn đang quan tâm đầu tư vào du lịch có hiệu quả, có thể kể đến FLC Vĩnh Thịnh, Flamingo Đại Lải, Sông Hồng Thủ Đô, sắp tới Vingroup… Đặc biệt, tương lai không xa, khu Tam Đảo 2 khởi công, đưa vào khai thác sẽ đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hấp dẫn nhất cả nước. Tiến sỹ Nguyễn Văn Niên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại Sông Hồng Thủ Đô cho biết, hiện nay, ngay trong lòng thành phố Vĩnh Yên đã có khu du lịch sinh thái Sông hồng Thủ đô được đầu tư, xây dựng bài bản, với một khách sạn 4 sao tiêu chuẩn quốc tế; các dịch vụ cao cấp gồm: Resort cao cấp, nhà hàng, nhà đa năng tổ chức sự kiện, khu vui chơi giải trí luôn tạo ấn tượng cho du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng. Trong năm 2015, công ty đón 69 nghìn lượt khách ngủ nghỉ và 128 nghìn lượt khách ăn. Như vậy, lượng du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng một năm ở khu du lịch sinh thái Sông Hồng Thủ Đô đã bằng tổng số du khách đến với Vĩnh Phúc cách đây chục năm về trước.
Cùng với công ty Sông Hồng Thủ Đô, năm 2002, Công ty cổ phần Lạc Hồng Tây Thiên, đầu tư 350 tỷ đồng xây dựng, đưa hệ thống cáp treo (50 capin), hệ thống xe điện (40 chiếc) và các dịch vụ du lịch chất lượng phục vụ du lịch. Hệ thống nhà ga của công ty có thời điểm hoạt động hết công suất, lên đến 17 nghìn lượt khách/ngày. Dự kiến năm 2017, công ty sẽ đầu tư thêm hệ thống xe điện, nâng số capin lên 59 chiếc (hết công suất), đáp ứng nhu cầu khách đến thăm quan, chiêm bái.
Ông Nguyễn Văn Niên, Chủ tịch HĐQT Công ty Sông Hồng Thủ Đô, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vĩnh Phúc cho rằng, tín hiệu vui đối với du lịch đã hút được một số doanh nghiệp như: Flamingo Đại Lải, Sông Hồng Thủ Đô, FLC… đầu tư vào du lịch. Nhưng để du lịch cất cánh, tỉnh cần những nhà đầu tư đủ lớn, với giá trị đầu tư hàng tỷ USD và có cơ chế đặc thù cho những doanh nghiệp đầu tư về lĩnh vực này. Theo ông Niên phân tích, ví như thành phố Đà Nẵng trước đây khi chưa có cơ chế, chính sách quan tâm đến du lịch hầu như không mấy ai biết đến du lịch Đà Nẵng ra sao, mỗi ngày chỉ có chục chuyến bay đi, đến. Nhưng từ khi tạo cơ chế, thu hút những nhà đầu tư lớn, điển hình như Vingroup đầu tư vào khu Bà Nà Hills đã biến Đà Nẵng trở thành điểm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, với hàng trăm chuyến bay đi đến mỗi ngày và thị trường du lịch khá hấp dẫn. Với Vĩnh Phúc đã có cơ chế thu hút đầu tư và thành công với phát triển công nghiệp. Nếu Vĩnh Phúc kêu gọi được những nhà đầu tư lớn, quy mô trị giá hàng tỷ USD đầu tư vào Tam Đảo 2 có những cơ chế cho các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch chắc chắn trong tương lai gần du lịch Vĩnh Phúc sẽ “nhả trứng vàng”.
Còn đó những băn khoăn
Đến các khu du lịch của tỉnh hiện nay, đâu đó vẫn bắt gặp tình trạng lộn xộn, chặt chém du khách. Các sản phẩm đặc trưng gắn với vùng miền, điểm du lịch hầu như không có. Còn các doanh nghiệp làm du lịch, nhất là các doanh nghiệp lữ hành chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn tình trạng ăn xổi, chưa chú ý nhiều đến chất lượng.
Anh Trần Trung, du khách đến từ Thanh Hóa bộc bạch: Gần 10 năm trở lại đây, không năm nào tôi không đến các điểm du lịch của Vĩnh Phúc song muốn tìm đồ lưu niệm mang đặc trưng của địa phương mua làm quà, tặng người thân thì không tìm nổi. Có chăng, chỉ có một số sản phẩm như rau susu, đồ mây tre đan, đồ chạm khắc, những sản phẩm này đều cồng kềnh, dễ vỡ, khó vận chuyển và theo cảm nhận của tôi vẫn chưa thực sự mang đặc trưng riêng của Vĩnh Phúc. Tại một số cửa hàng bán đồ lưu niệm ở khu vực Tây Thiên hay Tam Đảo cũng chỉ bày bán các sản phẩm, đồ lưu niệm, nhưng những sản phẩm này du khách có thể mua chúng bất cứ ở đâu như: Đồ được làm từ thổ cẩm, móc chìa khóa, vòng tay, vỏ sò, các loại tranh, sành, sứ… Chưa kể đồ lưu niệm tới từ Trung Quốc được bày bán ở khắp các điểm du lịch với mẫu mã đa dạng, giá rẻ hơn hẳn so với hàng Việt Nam.
Còn anh Hoàng Trung Hiếu (Kỳ Sơn, Hòa Bình) trong lần đầu đến Đại Lải thì tâm sự: Đại Lải thật đẹp, phong cảnh hữu tình. Con người nơi đây thân thiện, cởi mở. Trước khi đến đây, bạn bè và người thân dặn mua quà nhưng tìm mãi chẳng thấy điểm bán quà lưu niệm, đến khi hỏi được, nơi đây cũng không có sản phẩm nào đặc trưng.
Tâm sự của các du khách mà chúng tôi gặp khi đặt chân đến các điểm du lịch cũng như các danh lam thắng cảnh của tỉnh, khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn. Việc thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng không chỉ làm mất đi nguồn thu không nhỏ mà quan trọng hơn là sẽ bỏ lỡ cơ hội quảng bá hình ảnh du lịch Vĩnh Phúc đến với du khách trong, ngoài nước. Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, khách du lịch đến Vĩnh Phúc có mức chi dùng rất thấp, chủ yếu chi tiêu vào dịch vụ ăn uống và lưu trú, các sản phẩm lưu niệm chỉ đáp ứng được 5 – 10% sức mua của khách du lịch.
Đặc biệt, con người, yếu tố quan trọng để xây dựng thương hiệu du lịch của các địa phương, ở đây, chưa cần nói đến những người làm công tác quy hoạch, quản lý về du lịch mà chỉ cần nói đến hướng dẫn viên và những doanh nhân làm du lịch đã thấy khá nhiều hạn chế. Đến các điểm du lịch của tỉnh hầu như không bắt gặp hướng dẫn viên du lịch nào. Bà Đặng Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Lạc Hồng Tây Thiên cho biết: Số lượng khách đến thăm quan, chiêm bái tại khu danh thắng Tây Thiên ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước 15-20%. Tuy nhiên, hầu hết các đoàn thăm quan muốn tìm hướng dẫn viên đưa đến thăm quan các điểm di tích hầu như không có. Để hỗ trợ dịch vụ đó, công ty đã cử cán bộ, nhân viên đi tập huấn, đào tạo những kỹ năng, tìm hiểu lịch sử văn hóa về các khu di tích, danh lam thắng cảnh để trở thành những hướng dẫn viên “bất đắc dĩ”. Nhưng để đáp ứng nhu cầu đó khách hàng phải đặt trước một vài ngày để công ty sắp xếp, bố trí.
Còn với các đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch, dịch vụ chủ yếu vẫn theo kiểu tự phát, “mạnh ai nấy làm”. Hiện nay, không ít công ty lữ hành vì chạy theo lợi nhuận nên có sự cạnh tranh không lành mạnh. Việc khai thác tour, sản phẩm du lịch có sự trùng lặp, chưa có sự đầu tư thỏa đáng trong giới thiệu, quảng bá về hình ảnh đất và người Vĩnh Phúc tới du khách… làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức hấp dẫn của du lịch tỉnh nhà. Đại diện Công ty du lịch quốc tế Thanh Long cho biết: “Thời gian gần đây, công ty đã xây dựng một số tour, điểm du lịch tới các làng nghề truyền thống trong tỉnh. Tuy nhiên, trung bình cả năm chỉ đón được 2 – 3 đoàn khách đến thăm quan trong chốc lát rồi lại dời đi, các làng nghề gần như không thu được bất kỳ khoản phí nào từ hầu bao của du khách. Với doanh nghiệp làm du lịch, yếu tố quan trọng nhất là phải đem tới sự hài lòng, tin tưởng cho khách hàng, nếu không chắc chắn sẽ mất đi cơ hội đồng hành cùng họ trong những tour du lịch sau. Thế nên, dù đã có tên trong danh sách các tuyến, điểm du lịch của tỉnh nhưng khi các làng nghề vẫn chưa có những showroom trưng bày sản phẩm, hoạt động còn nhỏ lẻ chủ yếu mang tính chất hộ gia đình, chưa có những điểm dừng chân cho khách ăn, nghỉ, vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết… chúng tôi cũng không dám “mạo hiểm” mời gọi du khách lựa chọn làm điểm đến”.
Về vấn đề này, không ít doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng thừa nhận, trong lịch trình đã xây dựng nhiều tour tới các điểm du lịch trong tỉnh với giá cả hợp lý, dao động từ 350.000 đồng – 1 triệu đồng/người/tour. Song số khách đặt tour nội tỉnh vẫn rất ít, chỉ chiếm khoảng 10%, chủ yếu khách tự tổ chức đi và về trong ngày nên gần như không sử dụng các dịch vụ ăn uống, thuê phòng khách sạn. Trong khi khách đặt tour đi các tỉnh khác, thậm chí du lịch quốc tế ngày càng nhiều, buộc doanh nghiệp phải chạy theo lợi nhuận trước mắt mà chưa chú trọng nhiều đến các tour du lịch nội tỉnh.
Được biết, thời gian qua, cùng với tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh đất và người Vĩnh Phúc đến bạn bè trong nước, quốc tế, tỉnh đã có những cơ chế, chính sách thông thoáng khuyến khích các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ liên kết cùng phát triển. Từ đó, nhiều chương trình hợp tác, dự án đầu tư cho lĩnh vực dịch vụ du lịch đã và đang được các doanh nghiệp triển khai ký kết với các địa phương, góp phần đưa con số du khách đến với tỉnh tăng dần qua từng năm. Mặc dù đã thấy rõ lợi ích việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong du lịch, nhưng đến nay, không ít doanh nghiệp vẫn hoạt động theo kiểu manh nha, “mùa vụ” mà chưa có sự bắt tay liên kết với nhau để cùng phát triển. Nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm; ý thức về quảng bá du lịch của các doanh nghiệp còn mang nặng tính hình thức.
Nói về những băn khoăn, Trưởng phòng nghiệp vụ Du lịch Đỗ Hoàng Dương, Sở VH-TT&DL cho biết: Du lịch Vĩnh Phúc hiện nay vẫn còn thiếu chuyên nghiệp trong sự phối hợp giữa các ban, ngành. Du lịch chưa có sự kết hợp với ngoại giao, thương mại… nên chưa tạo được sức mạnh tổng hợp. Đó là sự thiếu chuyên nghiệp và thiếu năng lực cả về tài chính, nhân lực cũng như quản lý. Còn một nguyên nhân khác, tỉnh mới chỉ chú trọng đầu tư vào hạ tầng du lịch, còn vấn đề về xúc tiến du lịch, đào tạo nhân lực thì hầu như bỏ qua. Thế nên, du khách có đến những điểm du lịch trong tỉnh chỉ chớp nhoáng, trong ngày chứ ít khi ở lại. Còn với ẩm thực của Vĩnh Phúc rất phong phú, đa dạng, nhiều món ăn ngon nổi tiếng. Nhưng có lẽ văn hóa ẩm thực còn rất nhiều vấn đề nổi cộm: Nào là vệ sinh an toàn thực phẩm, chặt chém, phong cách phục vụ chưa văn hóa. Rồi việc chèo kéo khách, nạn móc túi,… Tất cả những điều này khiến cho du khách phiền lòng, nhiều du khách đã một đi không trở lại. Nhưng bất cập nhất của ngành du lịch là những món ăn văn hóa, tinh thần mà các doanh nghiệp du lịch phục vụ du khách còn đơn điệu, ít thay đổi.
Cần những giải pháp đồng bộ
Để ngành du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo ông Dương Quang Ứng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, tỉnh cần có sự quan tâm và có những chính sách đặc biệt đối với du lịch, chú trọng phát triển hạ tầng liên quan đến du lịch, và phải đầu tư bài bản, bởi bản thân du lịch là ngành kinh tế không có đầu tư thì không thể phát triển được. Bên cạnh có những cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên cho doanh nghiệp đầu tư vào du lịch Vĩnh Phúc cần thay đổi sản phẩm du lịch theo hướng chú trọng vào chất lượng hơn số lượng. Đối với các doanh nghiệp làm du lịch và các địa phương có điểm du lịch cần xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp, thích ứng với nhiều đối tượng; triển khai tổ chức kết nối các tour du lịch cộng đồng để khi đặt chân đến mỗi vùng đất, du khách không chỉ được tìm hiểu cách thức sản xuất của người dân mà còn được giao lưu hát Soọng cô, hát Văn, hát Xẩm, được hòa mình vào những trò chơi dân gian với người dân bản địa mà không chỉ đơn thuần là thưởng thức cảnh đẹp của các di tích lịch sử và danh thắng thiên nhiên. Đẩy mạnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện; tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ làm du lịch, nhất là các hướng dẫn viên, người dân sinh sống tại các khu du lịch cộng đồng…Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; huy động mọi nguồn lực để cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, ưu tiên các nguồn vốn xã hội hóa vào du lịch. Xây dựng các khu du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo bước phát triển mạnh mẽ và bền vững, để du lịch thực sự là mũi nhọn kinh tế của tỉnh và phấn đấu đưa du lịch Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn mang tầm cỡ quốc gia.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh