Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh – An Tường: Góp phần thay đổi diện mạo du lịch nghỉ dưỡng
Với lợi thế giáp thị xã Sơn Tây – cách trung tâm Thủ đô Hà Nội chưa đầy 1 giờ đi xe ô tô, cùng với hệ thống giao thông khá đồng bộ kết nối với nhiều tuyến đường huyết mạch như đường cao tốc xuyên Á (Hà Nội-Lào Cai), đường vành đai 4 Hà Nội, cầu Vĩnh Thịnh nối Vĩnh Phúc với Hà Nội… Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh – An Tường (Vĩnh Tường) được xem là một trong những địa điểm hấp dẫn du khách, nhất là các du khách đến từ thủ đô Hà Nội.
Dự án khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh – An Tường được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh (thực hiện tại 2 xã Vĩnh Thịnh và An Tường), nhằm tạo điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan, dịch vụ du lịch cho huyện Vĩnh Tường nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung. Hình thành nên một quần thể khu du lịch sinh thái cao cấp theo tiêu chuẩn quốc tế, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Dự án thực hiện sẽ góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của huyện Vĩnh Tường nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung. Theo đó,
dự án sẽ đóng góp tích cực vào thu ngân sách Nhà nước thông qua các loại thuế và phí phát sinh trong quá trình hoạt động; tăng giá trị bất động sản ở 2 xã Vĩnh Thịnh và An Tường; hình thành một đô thị cao cấp, hấp dẫn. Ngoài ra, việc hình thành bến cảng sông chuyên dụng tại khu vực bến hiện tại, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại của toàn vùng.
Về mặt xã hội, với sự kết hợp các dịch vụ vui chơi giải trí và đào tạo, khám phá mang tính giáo dục cao, như tìm hiểu về thiên nhiên, lịch sử đô thị các nước trên thế giới… nhằm nâng cao hiểu biết cho du khách, đặc biệt là các em nhỏ. Dự án khi vận hành, sẽ tập trung vào đối tượng khách hàng gia đình, trẻ em, các khóa đào tạo kết hợp nghỉ dưỡng, thể thao của khách du lịch trong nước và nước ngoài. Dự án được đầu tư hạ tầng với thiết kế kỹ thuật đồng bộ và hiện đại,không chỉ góp phần làm đẹp cảnh quan khu vực đang được đầu tư, mà còn đáp ứng nhu cầu về chất lượng, điều kiện sống, góp phần nâng cao cuộc sống của nhân dân 2 xã Vĩnh Thịnh – An Tường, huyện Vĩnh Tường.
Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh – An Tường có tổng diện tích hơn 250ha, trong đó, phần diện tích thuộc xã Vĩnh Thịnh chiếm khoảng 170ha. Theo tính toán, khi hoàn thành và đi vào hoạt động, dự án có khả năng cạnh tranh trong vùng Thủ đô, có sức hút lớn về du lịch, tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương và làm đẹp thêm cảnh quan, đô thị của tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngay sau khi dự án được tỉnh phê duyệt, Huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Tường đã thành lập BCĐ, tổ giúp việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; chỉ đạo các xã tổ chức nhiều cuộc họp đến người dân, chi bộ, tổ chức đoàn thể tuyên truyền về mục đích, lợi ích của việc xây dựng khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh – An Tường (Vĩnh Tường). Đến nay, cơ bản các hộ có đất nằm trong dự án đã đồng tình với chủ trương của Nhà nước.
Nhằm hỗ trợ, giải quyết việc làm cho các hộ dân có đất nông nghiệp nằm trong dự án phải thu hồi, đầu tháng 11/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3619/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho các hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện quy hoạch xây dựng Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh – An Tường. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ đào tạo nghề dưới 3 tháng cho 2.500 người trong độ tuổi lao động; đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng cho 400 lao động. Đối với phụ nữ trên 45 tuổi, chuyển đổi nghề từ nuôi bò sữa sang dịch vụ để phục vụ khu vực dự án. Giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống dưới 40%; giải quyết việc làm mới từ 2.800 – 4.000 lao động; nâng thu nhập bình quân đầu người của các hộ dân tại Vĩnh Thịnh, An Tường nằm trong tốp đầu trên địa bàn huyện. Cùng với đó, tỉnh quy hoạch xây dựng các khu đất ở để phát triển thương mại – dịch vụ tại hai địa phương… Đặc biệt, bên cạnh các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật hiện hành, các hộ gia đình, cá nhân nuôi bò sữa, bò thịt, trâu thịt có đất nằm trong phạm vi quy hoạch bị thu hồi đất còn được hưởng khoản hỗ trợ đặc thù một lần để chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi. Cụ thể, bò hậu bị và đang khai thác sữa được hỗ trợ 5- 8 triệu đồng/con; trâu, bò bê thịt dưới 6 tháng tuổi được hỗ trợ 1 triệu đồng/con. Ngoài ra, tỉnh sẽ hỗ trợ tìm kiếm các doanh nghiệp trong việc thu mua bò, liên kết cung cấp thức ăn chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm; tạo điều kiện hỗ trợ, có chính sách ưu đãi lãi suất vay vốn để các hộ gia đình, cá nhân ổn định đời sống, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động phù hợp.
Có thể khẳng định, với lợi ích thiết thực của việc xây dựng khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh – An Tường, cùng với những chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, đem lại những ý nghĩa xã hội tích cực, tạo bước đột phá quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH của tỉnh nói chung và địa phương nói riêng.
Các tin khác:
- Tập huấn nâng cao nghiệp vụ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
- Đoàn doanh nghiệp Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm tìm hiểu đầu tư tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH iMarket Việt Nam ký Bản ghi nhớ về nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng KCN và sân Golf tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023