Thứ Hai, 12/12/2016 9:48:38 (GMT+7)

Đột phá trong xúc tiến đầu tư

Những ngày này, cùng với chuỗi hoạt động chào mừng Kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, Hội nghị xúc tiến đầu tư với quy mô lớn nhất từ trước đến nay sẽ được tỉnh tổ chức vào ngày 27/12/2016 với sự tham gia của hơn 500 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương; các tổ chức xúc tiến đầu tư và thương mại quốc tế; các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước… Đây là điểm nhấn quan trọng giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chủ trương và quyết tâm đổi mới của tỉnh trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp.

Đột phá trong xúc tiến đầu tư

Dây chuyền sản xuất và lắp ráp xe máy tại Công ty Piaggio Việt Nam (KCN Bình Xuyên)

Vĩnh Phúc sau tái lập (năm 1997) là tỉnh thuần nông; ngành công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển; số lượng doanh nghiệp rất ít và hầu hết công nghệ đều lạc hậu, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ. Tổng thu ngân sách chưa đầy 100 tỷ đồng và phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương. Vì vậy, ngay khi tái lập, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để Vĩnh Phúc phát triển. Với phương châm “Các nhà đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có những hướng đi đột phá trở thành “điểm sáng” của cả nước về công tác thu hút đầu tư. Tỉnh đặc biệt chú trọng đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình hình thành dự án cũng như trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc thiết lập, duy trì hoạt động Cổng thông tin đối thoại Doanh nghiệp- Chính quyền trên Websitehttp://doithoaidoanhnghiep.vinhphuc.gov.vn; hệ thống đường dây nóng, tiếp nhận ý kiến phản ảnh, kiến nghị của doanh nghiệp; khảo sát doanh nghiệp; đối thoại doanh nghiệp; gặp gỡ doanh nhân vào chiều thứ sáu hàng tuần. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là việc thành lập cơ quan chuyên trách (Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư – IPA), nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; xây dựng Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); ban hành các giải pháp cụ thể, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án lớn, các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp…

Thực hiện định hướng thu hút đầu tư, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, thời gian qua, tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích nhà đầu tư, doanh nghiệp khi thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn như: Ưu tiên cung ứng lao động và hỗ trợ tiền đào tạo nghề theo yêu cầu từng loại lao động của dự án, phù hợp với quy định của tỉnh. Xây dựnghạ tầng kỹ thuật gồm đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc…đến hàng rào khu công nghiệp và áp dụng giá thuê đất ở mức thấp nhất trong khung quy định của Nhà nước, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.

Đối với các nhà đầu tư hạ tầng khi thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 100% kinh phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp; lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 cụm công nghiệp; rà, phá bom, mìn trong cụm công nghiệp. Hỗ trợ những hạng mục kỹ thuật trong hàng rào gồm hệ thống thu gom rác thải, xử lý nước thải tập trung, đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định. Theo đó, cụm công nghiệp có diện tích nhỏ hơn 10ha, tỉnh hỗ trợ không quá 5 tỷ đồng; cụm công nghiệp có diện tích từ 10 đến 20ha hỗ trợ không quá 7 tỷ đồng; cụm công nghiệp có diện tích trên 20ha đến 75ha hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng. Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh khi thực hiện hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp, được hỗ trợ kinh phí một lần 700 nghìn đồng/người để đào tạo nghề (đối với người chưa được hưởng hỗ trợ đào tạo nghề theo Nghị quyết của HĐND tỉnh).

Cùng với đó, tỉnh có chính sách bàn giao mặt bằng sạch cho các dự án ưu tiên khuyến khích đầu tư như dự án giáo dục- đào tạo, dạy nghề; y tế; thể thao; xử lý môi trường. Công khai, minh bạch thủ tục hành chính về quy trình, thành phần hồ sơ, mẫu biểu và được giám sát giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông qua phần mềm điện tử http://motcua.ipavinhphuc.vn và được giải quyết theo cơ chế “một cửa liên thông”. Nhà đầu tư chỉ cần tiếp xúc với cơ quan đầu mối là Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA Vinh Phuc) để nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư với thời gian giảm từ 1/3 đến một nửa so quy định chung của Việt Nam. Nhà đầu tư có thể tìm hiểu thông tin về tình hình kinh tế xã hội, chính sách ưu đãi đầu tư, các dự án kêu gọi đầu tư thông qua website của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư (IPA Vinh Phuc):www.ipavinhphuc.vn được hỗ trợ bằng 5 ngôn ngữ: Việt, Anh, Nhật, Trung, Hàn. Đối với dự án lớn, tùy theo từng dự án cụ thể, tỉnh có thể xem xét, quyết định các chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp.

Cùng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định nhân tố quan trọng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững chính là các doanh nghiệp trong nước nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do vậy, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với từng giai đoạn; đặc biệt tỉnh đã tạo bước đột phá về chính sách khi BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TU và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4589/KH-UBND về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2020 với nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng. Năm 1997, trên địa bàn tỉnh chỉ có 91 doanh nghiệp, vốn đăng ký 57 tỷ đồng, đến nay đã có 7.394 doanh nghiệp với số vốn đăng ký gần 56 nghìn tỷ đồng (tăng 981 lần về vốn đăng ký).

Với sự đột phá trong xúc tiến đầu tư, sau 20 năm tái lập, Vĩnh Phúc đã trở thành trung tâm sản xuất ô tô, xe máy, thiết bị điện tử và phát triển các loại hình dịch vụ hàng đầu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Năm 1998, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 khu công nghiệp, với quy mô 50ha (KCN Kim Hoa đã chuyển về Hà Nội), đến nay, đã có 19 danh mục khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ưu tiên phát triển, với diện tích hơn 5,5 nghìn ha, trong đó có 11 khu được thành lập, với diện tích quy hoạch hơn 2,3 nghìn ha. Hệ thống kết cấu hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp của tỉnh ngày càng được hoàn thiện. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đầu tư thành công tại tỉnh như: Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio, Deawoo bus, Partron Vina, Prime, thép Việt Đức,…đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng và phát triển KT-XH của tỉnh. Từ một tỉnh nghèo phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, đến nay, Vĩnh Phúc là một trong số các tỉnh có số thu lớn nhất cả nước và có đóng góp cho ngân sách Trung ương. Năm 1997, thu ngân sách của tỉnh chưa đầy 100 tỷ đồng thì đến năm 2002 vượt mốc 1 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, từ năm 2004, Vĩnh Phúc tự cân đối được chi ngân sách và đóng góp, điều tiết cho ngân sách Trung ương; năm 2009 thu ngân sách vượt mốc 10 nghìn tỷ đồng; đến năm 2014 đạt “mốc son” vượt 20 nghìn tỷ đồng; ước thực hiện năm 2016 đạt 28,5 nghìn tỷ đồng (tăng gần 251 lần so với năm 1997). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh thu hút được 856 dự án, gồm 227 dự án FDI với số vốn đăng ký 3,4 tỷ USD và 629 dự án DDI với số vốn đăng ký 49,2 nghìn tỷ đồng, trong đó có 55% dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, từ vị trí thứ 26 năm 2013, vươn lên đứng thứ 6/63 vào 2014 và vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng năm 2015.

Để trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và là thành phố Vĩnh Phúc trực thuộc Trung ương vào những năm 2020, cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư; tỉnh tập trung ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, tạo giá trị gia tăng cao, sử dụng đất tiết kiệm, có đóng góp tích cực cho ngân sách và giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân như: Công nghiệp cơ khí sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy; công nghiệp điện tử, viễn thông; công nghiệp sản xuất vật liệu mới, vật liệu nhẹ; phát triển dịch vụ kho vận logistics; siêu thị, khách sạn nhà hàng; khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí cao cấp; cơ sở giáo dục, đào tạo; cơ sở chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế; phát triển nông nghiệp dự án trồng rau, hoa, cây ăn quả công nghệ cao gắn với các cơ sở chế biến; đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; sản xuất phân phối nước sạch; xử lý chất thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt…

Theo Mai Liên - Báo Vĩnh Phúc